Bắc Ninh tạo đà để bứt phá

16/07/2024 08:51

(BNP) - Sau 16 tháng tăng trưởng âm, kinh tế của tỉnh Bắc Ninh đã bứt phá với tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) sáu tháng đầu năm 2024 tăng 2,32% so cùng kỳ. Đây là tín hiệu tích cực, tạo đà để Bắc Ninh tự tin hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 đã đề ra.

Những sản phẩm thuốc thú y đầu tiên của doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh đã được xuất khẩu sang các nước Hồi giáo.

Là địa bàn dễ bị tổn thương bởi điều kiện kinh tế thế giới, song Bắc Ninh đã nỗ lực vượt khó. Đảng bộ tỉnh xác định chủ đề năm 2024 là “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; tăng cường kỷ cương, kỷ luật; triển khai các quy hoạch, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực, phục hồi tăng trưởng kinh tế; xây dựng văn hóa và con người Bắc Ninh - Kinh Bắc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.

Chủ đề đó được triển khai bằng các biện pháp cụ thể. Kết quả sáu tháng đầu năm, kinh tế của tỉnh đã phục hồi tích cực khi GRDP đạt hơn 59.000 tỷ đồng, tăng 2,32% so với cùng kỳ.

Trở lại vị thế dẫn đầu về thu hút đầu tư

Đồng chí Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Bắc Ninh cho biết: Trong sáu tháng đầu năm 2024, tăng trưởng của tỉnh được thúc đẩy ở cả ba khu vực: Công nghiệp - xây dựng; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của tỉnh tăng 5,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước gần 50.000 tỷ đồng, tăng 8,4%; thu chi ngân sách nhà nước được bảo đảm, nguồn lực được khơi thông, ước thu ngân sách nhà nước đạt 17.688 tỷ đồng, đạt 56,6% dự toán, tăng 19,5%.

Các ngành du lịch, vận tải, nông, lâm nghiệp và thủy sản đều tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, Bắc Ninh đã cán mốc 2,62 tỷ USD, dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Cụ thể, thu hút vốn FDI trên địa bàn tỉnh tăng hai lần về số dự án cấp mới; 1,9 lần về số vốn; thu hút đầu tư trong nước cũng tăng 2,4 lần về số dự án cấp mới; 3,1 lần về số vốn đăng ký.   

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh chứng kiến ký kết giữa doanh nghiệp Bắc Ninh và nhà đầu tư tại Trung Quốc

Để đạt con số này, Bắc Ninh đã chủ động thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh theo đúng chủ trương “2 ít 3 cao”.

Trong đó, “2 ít” là ít sử dụng đất với diện tích lớn, ít sử dụng lao động, “3 cao” chính là thu hút các dự án có suất vốn đầu tư cao, hiệu quả cao để thu về ngân sách cao và hàm lượng công nghệ cao.

Tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã trao Chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn cho nhà đầu tư Amkor Technology Singapore Holding PTE.LTD (tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C), với mức vốn tăng thêm hơn 1,07 tỷ USD.

Sau khi điều chỉnh, nhà máy có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, sản xuất 3.600 triệu sản phẩm/năm.

Bên cạnh các đối tác truyền thống, Bắc Ninh cũng mở rộng hợp tác, xúc tiến đầu tư với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến từ nhiều quốc gia. Một số tập đoàn lớn đã và đang tiếp tục đầu tư mới hoặc mở rộng quy mô đầu tư tại tỉnh như: Goertek, Amkor, Foxconn, Suntory Pepsico; Victory Giant Technology (Singapore).

Bắc Ninh chú trọng đầu tư hạ tầng tại các khu công nghiệp để làm động lực thu hút đầu tư.

Tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu được chú trọng. Tính đến cuối năm 2023, đã có 39 doanh nghiệp ở Bắc Ninh tham gia chuỗi cung ứng của Samsung.

Ông Kim Tae Hoon, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm mua hàng Samsung Việt Nam cho biết: Samsung luôn kiên định với mục tiêu cùng phát triển với các doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh cũng như các doanh nghiệp Việt Nam.

Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, chi phí lưu thông hàng hóa ngày càng tăng cao, Samsung càng coi trọng tăng tỷ lệ nội địa hóa. Chúng tôi đã hỗ trợ, chuyển giao kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh.

Trong năm 2024, Samsung Việt Nam tiếp tục tư vấn phát triển Nhà máy thông minh cho 5 doanh nghiệp tại tỉnh và kỳ vọng có thể xây dựng nhà máy tiên tiến quản lý toàn diện quá trình sản xuất bằng phần mềm.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Amkor tại Hàn Quốc

Phấn đấu trở thành cực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Phương Bắc nhận định: Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh liên tục có các cuộc trao đổi, gặp gỡ với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư cũng như trực tiếp lắng nghe, tháo gỡ khó khăn; tổ chức hội nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đấu giá quyền sử dụng đất; yêu cầu các sở, ngành, địa phương nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, Bắc Ninh đã đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng đô thị, hạ tầng các khu công nghiệp, phát triển các trung tâm logistics lớn... để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế, nhất là các ngành công nghệ thông tin, điện tử, sản xuất bán dẫn, công nghiệp chế biến, chế tạo thông minh.

Ngày 8/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Với định hướng đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía bắc; một trong những cực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, tỉnh Bắc Ninh đã nhanh chóng triển khai các quy hoạch phân khu.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Đình Xuân, đến thời điểm này, công tác quy hoạch và phát triển đô thị được tập trung cao, cơ bản hoàn thành 25 trên tổng số 26 Đồ án Quy hoạch phân khu, qua đó bảo đảm điều kiện pháp lý để thu hút các dự án khu thương mại, khu đô thị, khu đại học lớn.

Các quy hoạch sẽ tạo động lực tăng trưởng và phát triển mới cho tỉnh như: Khu công nghệ thông tin tập trung tại Tiên Du và thành phố Bắc Ninh với diện tích hơn 260 ha, Khu phức hợp cấp vùng về y tế tại Thuận Thành với diện tích khoảng 200 ha, Khu đô thị Đại học I và II tại Tiên Du và thành phố Bắc Ninh với tổng diện tích khoảng 500 ha.

Dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng kinh tế trở lại, tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cũng thẳng thắn nhìn nhận, mức tăng trưởng GRDP còn khiêm tốn, tình hình kinh tế-xã hội vẫn gặp nhiều thách thức; số lượng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động ở mức cao (hơn 1.400 doanh nghiệp), tương đương số lượng doanh nghiệp thành lập mới; tiến độ thực hiện một số chủ trương lớn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy liên quan đến việc giao bán đất trái thẩm quyền, dân cư dịch vụ, dự án BT, xử lý ô nhiễm môi trường, thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại một số dự án, nhất là các dự án trọng điểm... còn chậm.

Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Phương Bắc.

Một số chỉ số về điều hành, quản trị địa phương năm 2023 của tỉnh giảm sâu, đạt thứ hạng thấp như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ vị trí thứ 7 xuống thứ 31, Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) từ vị trí thứ 3 xuống thứ 21... Chính vì vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 5 đến 6,29%, cần sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị.

Từ tiền đề nêu trên, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: Mức tăng GRDP sáu tháng đầu năm 2024 của tỉnh (tăng 2,32%) dù không cao so với cả nước nhưng là con số tích cực, đáng ghi nhận.

Từ nay đến cuối năm 2024, Bắc Ninh ưu tiên thúc đẩy động lực tăng trưởng, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tái định cư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối lớn trên địa bàn.

Tỉnh sẽ xem xét thành lập tám tổ công tác về hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tập trung vào các vấn đề đang là những “điểm nghẽn” như: Giải phóng mặt bằng, đất giao bán trái thẩm quyền, đất dân cư dịch vụ, thu ngân sách từ đất.

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; giao Ban Tổ chức, Sở Nội vụ rà soát báo cáo đề xuất xử lý cán bộ né tránh, đùn đẩy, ảnh hưởng đến công việc chung của cơ quan, đơn vị và của tỉnh; xem xét, ban hành cơ chế, chính sách đột phá để phát triển tỉnh Bắc Ninh là một trong bốn cực tăng trưởng theo Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: Việc thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra trong năm 2024 sẽ góp phần tạo thế và lực bước sang năm 2025, chuẩn bị trước một bước cho đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 21, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

An Trân
Nguồn: nhandan.vn