Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 3 năm 2024

01/04/2024 14:54

Tăng trưởng GRDP của tỉnh trong quý I/2024 vẫn chưa thoát âm. Tuy nhiên, xét xu hướng thì quý I mức âm đã giảm xuống so với các quý trước đó. Nhìn lại, trong quý cho thấy, các động lực tăng trưởng như: Xuất khẩu; đầu tư công; đầu tư trực tiếp nước ngoài đều chịu tác động từ bên ngoài cụ thể là, xuất khẩu đơn đặt hàng vẫn bị giảm đã tác động đến sản xuất trong tỉnh và các mặt hàng xuất khẩu; tiếp đến là, giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh chậm, giảm khá nhiều so với CK, trong khi đó đây là yếu tố đòn bẩy kích thích cho hoạt động tăng trưởng nhiều lĩnh vực và ảnh hưởng trực tiếp vào “tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh”; ngoài ra các động lực tăng trưởng mới có tỷ trọng khá lớn theo như dự kiến (doanh nghiệp sản xuất thiết bị bán dẫn chưa có doanh thu), đã ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng trong quý.

Tình hình thế giới tiếp tục giai đoạn khó khăn, tăng trưởng chậm lại, lạm phát neo ở mức cao, xung đột địa chính trị và cạnh tranh nước lớn gia tăng, tiềm ẩn nhiểu rủi ro, nguy cơ tái diễn đứt gãy chuỗi cung ứng. Ở trong nước, kinh tế tiếp tục được phục hồi các điều kiện tài chính được nới lỏng, du lịch tăng trưởng tốt và thu hút đầu tư được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn rủi ro với tăng trưởng như nền kinh tế tiếp tục chịu “tác động kép” từ các yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại nhiều năm; bên cạnh đó, thời tiết cực đoan diễn biến khó lường, đặt ra nhiều thách thức và áp lực trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ. Ở trong tỉnh, công tác điều hành của tỉnh linh hoạt, trách nhiệm, hiệu quả
hơn; đã bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, phản ứng nhanh, kịp thời, phù hợp, hiệu quả,… dự kiến kinh tế sẽ phục hồi trong thời gian tới. Tuy nhiên xu hướng phục hổi chưa rõ nét, do kinh tế của tỉnh còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hoạt động sản xuất kinh doanh, một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn, nhất là tiếp cận vốn; sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao. Sức cầu của nền kinh tế còn yếu. Tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu. Vốn đầu tư FDI chậm chuyển hóa thành động lực tăng trưởng kinh tế một cách kịp thời. Trong khi đó cân đối thu chi tiếp tục ghi nhận tổng thu đang giảm so với cùng kỳ, ở chiều ngược lại chi lại gia tăng mạnh hơn. Với những diến biến về kết quả tăng trưởng GRDP quý I/2024 cho thấy các giải pháp chỉ đạo, điều hành của tỉnh đang đi đúng hướng, từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo ra mức độ cải thiện đối với các chủ thể, trong các ngành kinh tế; kết quả tăng trưởng mặc dù vẫn bị giảm nhưng đã giảm ít hơn các quý trước đó. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra GRDP tăng 5% năm 2024, thì các quý tiếp theo phải có mức tăng gần 8%./

Báo cáo kinh tế xã hội tháng 3

Số liệu kinh tế xã hội tháng 3

Nguồn: Cục thống kê tỉnh Bắc Ninh