Báo cáo tình hình Kinh tế - xã hội tháng 5 năm 2020

18/06/2020 07:59

Theo báo cáo của Cục thống kê tỉnh, tình hình Kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh tháng 5 năm 2020 như sau:

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1. Nông nghiệp

a) Trồng trọt

Sản xuất vụ xuân: Theo số liệu tổng hợp sơ bộ, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ xuân năm 2020 là 35.492,1 ha, đạt 98,7% kế hoạch vụ và giảm 3,7% (-1.367 ha) so với cùng vụ năm trước. Trong đó, cây lúa 31.883,9 ha, đạt 98,1% kế hoạch và giảm 3,6% (-1.207,5 ha) so với cùng vụ năm trước. Đến ngày 15/5/2020, toàn bộ diện tích lúa xuân cơ bản đã trỗ xong và bước vào giai đoạn chắc hạt, phơi màu. Cùng với gieo trồng lúa xuân, các địa phương trong tỉnh đã gieo trồng được 3.554,2 ha cây rau màu các loại, vượt 2,4% so kế hoạch vụ và bằng 95,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính kết quả sản xuất vụ đông xuân 2019-2020: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh ước đạt 42.382,1 ha, giảm 3,1% (-1.363 ha) so với cùng vụ năm trước. Trong tổng diện tích cây hằng năm, cây lúa là 31.883,9 ha, chiếm 75,2% và giảm 3,6% (- 1.207,5 ha) so với cùng vụ năm trước. Năng suất lúa bình quân chung ước đạt 64,1 tạ/ha, tăng 1,2% (+0,8 tạ/ha) và sản lượng thóc ước đạt 204,2 nghìn tấn, giảm 2,5%. Cây ngô diện tích gieo trồng ước đạt 1.062,8 ha, giảm 21,4% (- 289,4 ha); năng suất ước 53,2 tạ/ha, giảm 0,3% (+0,2 tạ/ha); sản lượng ước đạt 5.653,8 tấn, giảm 21,7% (-1.562,7 tấn); khoai tây 2.452,2 ha, giảm 1,8% (+44,8 ha), năng suất đạt 154,5 tạ/ha, tăng 1,3%, sản lượng ước đạt 37.877,1 tấn, giảm 0,6% (-216 tấn); rau các loại trồng được 5.836,3 ha, tăng 2,9% (+163,8 ha); năng suất đạt 284tạ/ha và sản lượng ước đạt 165.761,4 tấn, tăng +2,7% (+4.332,5 tấn)…

b) Chăn nuôi và công tác thú y

Chăn nuôi: Ước tính đến cuối tháng 5, toàn tỉnh có 2.769 con trâu, tăng 2% (+53 con) so với cùng kỳ năm trước; đàn bò có 27.715 con, giảm 1,8% (-516 con); đàn lợn 191.638 con, giảm 21,2% (-51.638 con); đàn gia cầm 4.910 nghìn con, giảm 3,8% (-192 nghìn con); trong đó, đàn gà 3.795 nghìn con, giảm 3,5% (+139 nghìn con). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng lũy kế 5 tháng là 22.786 tấn, giảm 38,9% (-14.513 tấn) so với cùng kỳ năm trước; trong đó, riêng tháng 5 là 4.477 tấn, tăng 32,4% so cùng tháng năm trước.

Công tác thú y: Trên địa bàn huyện Thuận Thành, ngày 04/5/2020 xuất hiện ổ bệnh tai xanh trên đàn lợn thịt 9 con tại cơ sở chăn nuôi ở thôn Doãn Hạ, xã Xuân Lâm và ngày 12/5 xuất hiện dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn 102 con tại cơ sở chăn nuôi ở thôn Nghi An, xã Trạm Lộ; ngành chức năng buộc phải tiêu hủy toàn bộ 111 con với tổng trọng lượng là 1.147 kg. Ngay sau khi xuất hiện các ổ dịch này, các ngành chức năng tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức khoanh vùng, sử dụng 1.000 lít hóa chất và 8 tấn vôi bột để khử trùng tiêu độc môi trường tại các hộ và khu vực có dịch nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

 1.2. Lâm nghiệp

Tháng 5, toàn tỉnh trồng được 12 nghìn cây phân tán các loại tạo cảnh quan môi trường, bằng 87% so với cùng tháng năm trước; khai thác được 380 m3 gỗ, bằng 98,7% và khai thác được 400 ste củi, bằng 90,9%. Các địa phương có rừng đã cùng Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục triển khai tăng cường công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng (PCCR) trong các đợt nắng nóng, đồng thời chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh gây hại trên toàn bộ diện tích rừng hiện có. Do làm tốt công tác PCCR nên trong tháng 5 không có vụ cháy rừng nào xảy ra.

1.3. Thuỷ sản

Ước tính đến cuối tháng 5, diện tích nuôi trồng thủy sản hiện có 5.168 ha, giảm 0,5% so với cùng thời điểm năm trước. Tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác đến cuối tháng 5 ước đạt 16.214 tấn, tăng 0,4% (+63 tấn) so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 15.719 tấn, tăng 0,5% (+76 tấn); sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 496 tấn, giảm 2,4% (-12 tấn).

2. Sản xuất công nghiệp

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

Chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp tháng 5 tăng 11,4% so với tháng trước nhưng giảm 19% so với cùng tháng năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 11,3% và giảm 19,2%;  ngành SX và PP điện…tăng 7,8% và tăng 10,3%; ngành cung cấp nước và hoạt động quản lý xử lý nước thải tăng 66,1% và giảm 6,5%. Lũy kế 5 tháng, chỉ số IIP toàn ngành giảm 6,7% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,7%; ngành SX và PP điện…tăng 8,7%; ngành cung cấp nước và hoạt động quản lý xử lý nước thải giảm 15,6%.

2.2. Sản phẩm công nghiệp

So với tháng trước, nhiều sản phẩm có lượng sản xuất tăng khá do tiếp tục duy trì lượng xuất khẩu và nhu cầu sử dụng ở trong nước cũng tăng hơn, như: các sản phẩm điện thoại thông minh giá trên 3 triệu tăng 94%; điện thoại thường gấp 2,8 lần; đồng hồ thông minh tăng 74%; sản phẩm kính nổi tăng 3,7%; sữa và kem cô đặc tăng 23,2%; quần áo tăng 18,5%;  giấy và bìa khác tăng 8,2%... Tuy nhiên, một số sản phẩm vẫn gặp khó khăn trong tiêu thụ nên lượng sản xuất giảm: thuốc lá giảm 10%; màn hình tivi giảm 12,8%; linh kiện điện thoại giảm 12%; giấy vệ sinh giảm 14,4%,...So với cùng tháng năm trước, có một số sản phẩm có lượng sản xuất tăng do nhu cầu tăng hơn, là: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền (+43,7%); giấy và bìa (+12,3%); dược phẩm (+7,6%); sắt thép dùng trong xây dựng (+10,1%); ruột phích, ruột bình (+4,3%).  Trong khi rất nhiều sản phẩm có lượng sản xuất sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, như: sữa, thuốc lá, quần áo, thức ăn gia súc, các sản phẩm điện tử, đồ gỗ, đồ gia dụng,... Lũy kế 5 tháng, một số nhóm sản phẩm vẫn duy trì mức tăng trưởng về sản lượng sản xuất do nhu cầu sử dụng gia tăng, như: mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền; giấy và bìa; dược phẩm; bê tông tươi; đồng hồ thông minh, linh kiện điện tử,... ; tuy nhiên, phần lớn sản phẩm chủ lực đều có mức sản xuất giảm là điện thoại các loại, pin các loại, máy in, vải và quần áo, thức ăn chăn nuôi, nhóm các sản phẩm bằng gỗ, sắt thép và sản phẩm bằng kim loại,...

2.3. Chỉ số sử dụng lao động công nghiệp

Chỉ số sử dụng lao động tháng 5 tăng 0,9% so với tháng trước và giảm 1,3% so với cùng tháng năm trước. Trong đó, khu vực Nhà nước tăng 0,2% và giảm 6%; khu vực ngoài nhà nước tăng 1% và giảm 1,2%; khu vực FDI tăng 1% và giảm 1,1%. Phân theo ngành công nghiệp cấp 1, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 1% và giảm 1,3%; ngành SX và phân phối điện đạt xấp xỉ tháng trước và giảm 0,5%; ngành cung cấp nước và xử lý nước, rác thải đạt xấp xỉ tháng trước và giảm 2,2%. Lũy kế 5 tháng, chỉ số lao động vẫn giảm 5,5%, chủ yếu do ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 5,6% và khu vực doanh nghiệp FDI giảm 6,2%.

3. Đầu tư

3.1. Vốn đầu tư

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 5 ước đạt 448,8 tỷ đồng, tăng 15,7% so với tháng trước và tăng 11,9% so với cùng tháng năm trước; trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách cấp tỉnh đạt 235,1 tỷ đồng, tăng 12,9% và giảm 17,7%. Lũy kế 5 tháng, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 2.094,4 tỷ đồng, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó ngân sách cấp tỉnh quản lý đạt 1.196,3 tỷ đồng, giảm 3,8%; cấp huyện quản lý đạt 457,2 tỷ đồng, tăng 56,1%; cấp xã quản lý đạt 441 tỷ đồng, tăng 99%.

3.2. Hoạt động cấp phép đầu tư

Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 82 dự án với tổng số vốn là 155,7 triệu USD. Lũy kế đến nay, tỉnh đã cấp phép đầu tư cho 1.575 dự án, với tổng số vốn đăng ký sau điều chỉnh là 19.203,7 triệu USD; trong đó, có 1.310  dự án công nghiệp chế biến chế tạo với tổng vốn là 18.368,3 triệu USD, tập trung vốn đầu tư của 1 số nước như Hàn Quốc 1.181 dự án, Trung Quốc 110 dự án, Nhật Bản 86 dự án…

4. Thương mại, dịch vụ và giá cả

4.1. Lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ

Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước đạt 4.062,4 tỷ đồng, tăng 28,3% so với tháng trước và giảm 13,3% so cùng tháng năm trước. Lũy kế 5 tháng, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 23.253,6 tỷ đồng, giảm 14,1% so với cùng kỳ năm 2019.

a) Bán lẻ hàng hóa: Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 5 ước đạt 3.069,2 tỷ đồng, tăng cao (+31,3%) so với tháng trước nhưng vẫn giảm 13,4% so với cùng tháng năm trước. Xét theo nhóm hàng, 11 nhóm hàng đều có chỉ số tăng rất cao so với tháng trước, trong đó một số nhóm hàng thiết yếu tăng cao như: lương thực, thực phẩm (+11,7%); hàng may mặc (gấp 3,1 lần); đồ dùng, dụng cụ và trang thiết bị gia đình (+72,6%); vật phẩm, văn hóa giáo dục (+47,5%); phương tiện đi lại (+77,7%); nhiên liệu khác (+14,9%);.. Lũy kế 5 tháng, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 18.003,4 tỷ đồng, giảm 14,2% so với cùng kỳ.

b) Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch và dịch vụ tiêu dùng khác: Tháng 5, tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 993,2 tỷ đồng, tăng 19,6% so với tháng trước và giảm 12,9% so với cùng tháng năm trước. Trong đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 362,7 tỷ đồng, tăng 19,9% và giảm 28,9%; dịch vụ tiêu dùng khác đạt 630,4 tỷ đồng, tăng 19,5% và đạt xấp xỉ so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 5 tháng, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác đạt 5.250,2 tỷ đồng, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm trước.

4.2. Tình hình giá cả

a) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 giảm 0,37% so với tháng trước; tăng 3,55% so với cùng tháng năm trước và bình quân 5 tháng năm 2020 tăng 4,87% so với cùng kỳ. So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 5 nhóm hàng có chỉ số giảm. Còn lại 6 nhóm hàng khác đều có chỉ số tăng với mức tăng từ 0,02% đến 2%.

b) Chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ:Tính chung tháng 5, giá vàng được bán ra với mức bình quân là 4.657.000 đ/chỉ (+149.000đ/chỉ), tăng 3,31% so với tháng trước, tăng 28,73% so với cùng tháng năm trước và tăng 12,71% so với tháng 12/2019. Bình quân 5 tháng, giá vàng tăng 23% so với cùng kỳ. Tỷ giá USD tháng 5 diễn biến ổn định, thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép, các giao dịch ngoại tệ diễn ra bình thường, đáp ứng đầy đủ kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tính chung,  bán ra bình quân 23.484 đồng/USD, giảm 0,46% (-108 đồng/USD) so với tháng trước nhưng tăng 0,53% so với cùng tháng năm trước. Bình quân 5 tháng, giá đô la Mỹ tăng 0,47%.

4.3. Xuất, nhập khẩu

a) Xuất khẩu: Tháng 5, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn ước đạt 2.204,2 triệu USD, tăng 10,8% so với tháng trước và tăng 5,7% so với cùng tháng năm trước, do một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu tăng cao, như: Máy vi tính và linh kiện (+3,9% và +53,8%); Dây điện và cáp điện (+3,7% và gấp 3,1 lần)…Ngoài ra, một số mặt hàng đã ký kết được hợp đồng mới, nên kim ngạch tăng so với tháng trước như sản phẩm từ chất dẻo (gấp 3,4 lần); hàng dệt may (+9,3%); điện thoại các loại và linh kiện (+14,2%)... Lũy kế 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 12.242,9 triệu USD, tăng 6,6% so cùng kỳ năm trước.

b) Nhập khẩu: Tháng 5, kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn ước đạt 1.947,2 triệu USD, tăng 7,4% so với tháng trước và tăng 15,5% so với cùng tháng năm trước. Một số mặt hàng có giá trị tăng so với tháng trước như: TAGS&NPL chế biến tăng 46,6%; chất dẻo tăng 2,9%; kim loại thường tăng 5,3%; linh kiện điện tử, điện thoại tăng 7,5%; máy móc thiết bị tăng 13,1%... Lũy kế 5 tháng, kim ngạch nhập khẩu đạt 10.874,5 triệu USD, tăng 19,7% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số nhóm hàng có mức tăng cao như: NPL dược phẩm (+44,8%); phụ liệu dệt may (+24,3%); sắt thép (+53,2%); kim loại thường (gấp 2,6 lần); linh kiện điên tử (+10,2%); máy móc thiết bị (+30,7%);…

5. Giao thông vận tải

Vận tải hành khách: Vận chuyển hành khách tháng 5 ước tính đạt 997 nghìn lượt khách, tăng 97,1% so tháng trước nhưng vẫn giảm 59,1% so với cùng tháng năm trước; luân chuyển đạt 46,6 triệu lượt khách.km, gấp 2,1 lần và giảm 56,9%. Lũy kế 5 tháng, khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 5,9 triệu lượt khách, giảm 48,7% so với cùng kỳ; luân chuyển 250 triệu hành khách.km, giảm 51,3%. Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 380,1 tỷ đồng, giảm 47%.

Vận tải hàng hóa: Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 5 ước đạt 2,5 triệu tấn, tăng 62,9% so với tháng trước và giảm 22,6% so cùng tháng năm trước; luân chuyển 129 triệu tấn.km, tăng 81,5% và giảm 21,6%. Lũy kế 5 tháng, khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 11,1 triệu tấn, giảm 30,1% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển ước đạt 548,7 triệu tấn.km, giảm 30,5%. Doanh thu vận tải hàng hóa đạt 843,9 tỷ đồng, giảm 25,3%.

6. Tài chính

Tổng thu ngân sách nhà nước tháng 5 ước đạt 1.055,7 tỷ đồng, giảm 43,2% so với tháng trước và giảm 39,9% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 5 tháng, tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 12.574,7 tỷ đồng, đạt 42,9% dự toán và giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu nội địa đạt 10.326 tỷ đồng, đạt 45,4% và giảm 6,7%. Tổng chi ngân sách địa phương tháng 5 ước đạt 1.498 tỷ đồng, giảm 0,8% so với tháng trươc và giảm 16,3% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 5 tháng, tổng chi ngân sách địa phương đạt 8.281,8 tỷ đồng, đạt 42,7% dự toán năm và chỉ tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi cho đầu tư phát triển là 5.392,6 tỷ đồng, đạt 93,3% và tăng 45,4%; chi thường xuyên là 2.888,1 tỷ đồng, đạt 53,9% và giảm 20,5%.2                                         

7. Ngân hàng - Tín dụng

Đến cuối tháng 5, vốn huy động vẫn duy trì đà tăng trưởng khá, tổng nguồn ước đạt 143.000 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước, tăng 38,7% so với cùng tháng năm trước và tăng 14,8% so với thời điểm cuối năm 2019. Tổng dư nợ tín dụng ước đạt 89,7 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% , tăng 8,7% và tăng 0,2%. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn là 55,8 nghìn tỷ đồng, tăng 0,6%, tăng 11,6% và giảm nhẹ 0,4%. Tính đến cuối tháng 5, nợ xấu trên địa bàn là 1.200 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,34% tổng dư nợ cho vay.

8. Một số vấn đề xã hội

8.1. Hoạt động y tế

Công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân được duy trì có nề nếp, hoạt động quản lý nhà nước về y dược tư nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó tập trung hướng dẫn nhân dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, triển khai vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm và dự phòng các bệnh truyền nhiễm mùa hè năm 2020, cũng như phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Ngành Y tế cũng yêu cầu thực hiện phân luồng khám bệnh, khi phát hiện, nghi ngờ các trường hợp dịch bệnh, ngộ độc, các bệnh lây truyền nhiễm cần thông báo kịp thời cho đơn vị y tế dự phòng để phối hợp triển khai phòng, chống dịch; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị dịch bệnh. Công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường nhất là sau thời gian nới lỏng giãn cách xã hội.

8.2. Giáo dục - đào tạo

Sau thời gian dài nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19, từ ngày 4/5, học sinh các cấp đã đồng loạt trở lại trường học. Tỷ lệ học sinh đi học trở lại đạt cao, với khối Tiểu học 99,5%; khối THCS 99,6%; khối THPT 99,3%. Sở GD-ĐT yêu cầu các đơn vị trường học, cơ sở giáo dục thực hiện công tác dạy - học theo chương trình được Bộ GD-ĐT phê duyệt và Sở GD-ĐT điều chỉnh, ban hành để rút ngắn thời gian hoàn thành chương trình, bảo đảm kết thúc năm học trước 15/7/2020. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cũng triển khai thực hiện các nội dung theo công văn 1898/BGDĐT, ngày 23/4/2020 của Bộ GD-ĐT về việc hướng dẫn các điều kiện đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trở lại và xử lý trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 trong trường học. Đối với kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020, dự kiến toàn tỉnh Bắc Ninh có khoảng 15 nghìn học sinh tham dự kỳ thi, Sở GD-ĐT đã thực thi các giải pháp nhằm giúp các trường THPT tổ chức dạy học và ôn thi hiệu quả. Kỳ thi năm nay sẽ diễn ra trong 2 ngày, với 4 buổi thi với các môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.

8.3. Hoạt động văn hoá, TDTT

Trong tháng, các hoạt động văn hoá, thông tin tuyên truyền tập trung chủ yếu tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước: kết quả Hội nghị lần thứ 12 BCH TW Đảng; Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; các ngày kỷ niệm lớn, như: Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5, kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhật Bác 19/5, 115 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Quốc Việt,.. Thể thao thành tích cao được quan tâm và đầu tư, sau thời gian thực hiện quy định về phòng, chống dịch Covid-19, đến nay gần 300 VĐV tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh đã tập luyện trở lại. Theo đó, các VĐV đã sẵn sàng tham dự các giải đấu Quốc gia, Quốc tế khi được tổ chức lại.

8.4. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội

An ninh chính trị và TTATXH: Công tác giữ gìn an ninh trật tự và trật tự an toàn chính trị được giữ vững, góp phần phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong tháng 5, các lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ 15 vụ đánh bạc với 111 đối tượng; 45 vụ vận chuyển tàng trữ, mua bán ma túy với 60 đối tượng, thu giữ 938,2975 gram ma túy các loại.

An toàn giao thông:. Trong tháng 5, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ TNGT, làm chết 4 người và bị thương 3 người. Lực lượng công an trong toàn tỉnh cũng đã xử lý 1.823 trường hợp vi phạm ATGT, thu nộp phạt kho bạc 2,5 tỷ đồng. Lũy kế 5 tháng, toàn tỉnh đã xảy ra 28 vụ TNGT, làm chết 24 người và bị thương 9 người; so với cùng kỳ năm trước, tăng 7 vụ và tăng 4 người chết và tăng 2 người bị thương

8.5. Tình hình cháy nổ và bảo vệ môi trường

Trong tháng, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ cháy tại thành phố Bắc Ninh và huyện Thuận Thành, nhưng không có thiệt hại về người, với thiệt hại về tài sản hơn 50 triệu đồng. Nguyên nhân vụ cháy đang được các cơ quan chức năng làm rõ. Lũy kế 5 tháng, toàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ cháy nổ, làm 1 người chết, thiệt hại về tài sản gần 2,4 tỷ đồng. Các lực lượng chức năng đã phát hiện 33 vụ vi phạm môi trường với 33 đối tượng vi phạm; xử lý 20 vụ, 21 cá nhân và 1 tổ chức; nộp phạt kho bạc 222 triệu đồng./.

 

Biểu tình hình KTXH tháng 5 năm 2020.

Nguồn: Cục Thống kê Bắc Ninh