Báo cáo tình hình Kinh tế - xã hội tháng 5 năm 2021

24/06/2021 15:09

Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, tình hình Kinh tế - Xã hội tỉnh Bắc Ninh tháng 5 năm 2021 như sau:

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1. Nông nghiệp

a) Trồng trọt

Trong tháng 5, sản xuất nông nghiệp tập trung vào chăm sóc cây trồng vụ đông xuân. Vụ lúa đông xuân năm nay toàn tỉnh gieo cấy được 31.325,5 ha, đạt 99,4% kế hoạch, bằng 97,6% cùng kỳ năm trước. Cùng với việc gieo cấy lúa đông xuân, đến trung tuần tháng 5, các địa phương trong tỉnh gieo trồng được 3.457,4 ha rau màu và hoa các loại, đạt 96,7% kế hoạch và bằng 98,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngô 524,2 ha, bằng 92,6% so với cùng kỳ năm trước; khoai tây 231,3 ha, bằng 96,2%; lạc 297,4 ha, bằng 85,8%; rau màu khác 2.269 ha, bằng 99,3%.

Ước tính kết quả sản xuất vụ đông xuân 2020-2021: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh ước tính trồng được 40.967 ha cây hàng năm, giảm 3,3% (-1.410 ha) so với cùng vụ năm trước. Nhìn chung, xu hướng giảm diễn ra ở tất cả các địa phương trong tỉnh, trong đó các địa phương có diện tích giảm nhiều là: TP. Bắc Ninh (-148,7 ha), H. Quế Võ (-316,1 ha) và H. Thuận Thành (-303,09 ha). Nguyên nhân là do diện tích đất bị thu hồi chuyển đổi mục đích sử dụng đất canh tác nông nghiệp sang làm khu công nghiệp mới được phê duyệt, một số diện tích đất vùng trũng, đất xấu, ô nhiễm bị bỏ hoang không gieo trồng. Trong cây hằng năm, cây lúa gieo trồng được 31.115 ha, giảm 2,38% (-758 ha) so cùng vụ năm trước. Các địa phương có diện tích lúa giảm nhiều là Thuận Thành (-233 ha), Yên Phong (-233 ha), Tiên Du (-48 ha),... Năng suất bình quân chung ước đạt 64,4 tạ/ha giảm 0,7% (-0,5 tạ/ha), sản lượng thóc ước đạt 200,5 nghìn tấn, giảm 3,09% (-6,4 nghìn tấn); Cây ngô gieo trồng được 842 ha, giảm 20,8% (-221,2 ha), năng suất ước đạt 52,4 tạ/ha, giảm 1,4% (-0,8 tạ/ha), sản lượng ước đạt 4.409,5 tấn, giảm 21,9% (-1.239 tấn); cây lấy củ có chất bột gieo trồng được 2.336 ha, giảm 11,3% (-297 ha); cây có hạt chứa dầu trồng được 355 2 ha, giảm 21,1% (+95 ha); cây rau, đậu các loại và hoa: gieo trồng được 5.983 ha, giảm 0,9% (-53 ha); cây hàng năm khác trồng được 360 ha, tăng 3,6% (+12,4 ha).

 b) Chăn nuôi và hoạt động phòng, chống dịch, chữa bệnh động vật

 Hoạt động chăn nuôi trong tháng, Số liệu đầu con tính đến giữa tháng 5 và so với cùng thời điểm năm trước, trâu có 2.880 con, tăng 2,3% (+66 con); bò có 25.870 con, giảm 6,7% (-1.846 con); lợn có 268.500 con, tăng 15,9% (+36.862 con); gia cầm có 5.650 nghìn con, tăng 13,9% (+691 nghìn con). Sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng lũy kế 5 tháng ước đạt 36.653 tấn, tăng 56,8% so với cùng kỳ năm trước; riêng tháng 5 ước đạt 7.397 tấn, tăng 55,9% so với cùng tháng năm trước.

- Tình hình dịch bệnh gia súc gia cầm: Từ ngày 23/4 - 12/5/2021, trên địa bàn tỉnh, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 45 hộ chăn nuôi thuộc địa bàn 22 thôn, khu phố; 14 xã, phường của 04 huyện, thị (Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài và TP. Bắc Ninh) làm 250 con lợn mắc bệnh, chết, với tổng trọng lượng 12.951,5kg.

1.2. Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp trong tháng 5, thời tiết thuận lợi cho cây rừng sinh trưởng phát triển tốt. Ước tính trong tháng 5, toàn tỉnh trồng được 71,4 nghìn cây phân tán các loại, chủ yếu là tạo cảnh quan môi trường; khai thác 350 m3 gỗ, giảm 7,9% so với cùng tháng năm trước, khai thác được 255 ste củi, giảm 36,3%.

1.3. Thuỷ sản

Tính chung 5 tháng đầu năm, diện tích nuôi trồng thủy sản có 5.150 ha, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó diện tích nuôi cá thâm canh trong ao đất và nuôi cá lồng trên sông tiếp tục được duy trì ổn định, cơ cấu giống cá thả nuôi được các cơ sở chú trọng để phát triển nuôi cá đối tượng có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, như: cá lăng đen (cá nheo Mỹ), cá rô phi đơn tính, cá điêu hồng, cá chép giòn…. Sản lượng thủy sản lũy kế đến hết tháng 5, ước đạt 15.730 tấn giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản lượng nuôi trồng là 15.266 tấn, giảm 3,4%; sản lượng thủy sản khai thác là 464 tấn, giảm 7,1%.

2. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trong tháng, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm nhẹ 2,2% so với tháng trước, nhưng tăng rất cao 31,7% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021 IIP tăng 14% sau 2 năm trước đó liên tiếp IIP bị giảm.

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

Tháng 5/2021, IIP giảm 2,21% so với tháng trước nhưng vẫn đạt mức tăng cao (+31,67%) so với cùng tháng năm trước. Tỉnh thực hiện nghiêm việc kiểm soát, khoanh vùng các điểm có dịch Covid-19 đề phòng lây lan, mở rộng, đặc biệt là tại các khu công nghiệp được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo sản xuất, trong đó có Tổ hợp Sam Sung của Bắc Ninh vẫn đang duy trì tốt là nhân tố quan trọng đóng góp vào kết quả chung nêu trên, trong đó: Công nghiệp chế biến chế tạo (-2,22%) nhưng (+31,85%); sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (-1,4%) nhưng (+19,8%); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (-0,5%) và (-2,8%). Tính chung 5 tháng, IIP trên địa bàn tỉnh vẫn đạt được mức tăng khá (+14%) so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Công nghiệp chế biến chế tạo (+14,1%); sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng (+11,2%); riêng ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (-3,9%).

2.2. Sản phẩm công nghiệp

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong tháng 5 có mức giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước: Thuốc lá có đầu lọc (-15,3%) và (-14,5%); tiếp theo là vải tuyn có mức giảm tương ứng là -9,1% và -24,1%; sắt thép dùng trong xây dựng -0,6% và -1,1%; máy in-copy -31,4% và -43,4%; màn hình điện thoại -10,9% và -48,4%. Có 6 sản phẩm có mức giảm so với tháng trước nhưng tăng so với cùng kỳ năm trước: Giấy bìa khác (-15,9%) và (+10%); dược phẩm có chứa vitamin (-2,1%) và (+64,1%); điện thoại thông minh (-12,3%) và (+20,4%); tủ bằng gỗ (-27,1%) và (+120,9%); nước máy thương phẩm (-0,1%) và (+14,6%); điện thương phẩm (-1,4%) và (+19,8%). Có 3 sản phẩm trong tháng 5 tăng so với tháng trước nhưng giảm so với cùng kỳ năm trước: Kính các loại (+2,5%) và (-4,5%); Ruột phích, ruột bình khác (+35,4%) và (-20,8%); bàn ghế gỗ các loại (+0,5%) và (-1,2%).

Tính chung 5 tháng, một số sản phẩm chủ yếu của tỉnh có mức giảm sâu so với cùng kỳ năm trước: Mỳ, phở, bún, cháo ăn liền (-16,6%); vải tuyn (-15,4%); máy in (-7,9%); trong đó có 01 sản phẩm chủ lực là màn hình điện thoại (-57,4%). Bên cạnh đó, một số sản phẩm là chủ lực tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Điện thoại di động thông thường (+30,6%); điện thoại di động thông minh (+22,1%); đồng hồ thông minh (+33,8%); linh kiện điện tử (+34,1%); pin điện thoại (+14,7%).

2.3. Chỉ số sử dụng lao động

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp sau khi đạt được mức tăng thời điểm 01/4 so với thời điểm tháng trước thì do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ cuối tháng 4 đã làm cho chỉ số sử dụng lao động thời điểm 01/5 giảm nhẹ 0,09% so với thời điểm tháng trước, nhưng vẫn tăng 1,91% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó: Lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,21% và tăng 1,83%; tiếp theo là doanh nghiệp ngoài Nhà nước (+0,9%) và (+11,23%); doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (-0,33%) và (+0,34%). Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,13% so với cùng thời điểm tháng trước nhưng tăng 1,92% so với cùng thời điểm năm trước; tiếp theo ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng và điều hòa không khí giữ nguyên và (+2,45%); ngành cung cấp nước và hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (+0,11%) và (+1,13%).

Tính chung 5 tháng, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm 0,92% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 0,94%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng và điều hòa không khí tăng 2,43%; ngành cung cấp nước và hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,44%. Đối với các loại hình doanh nghiệp: Loại hình doanh nghiệp Nhà nước tăng 1,78%; loại hình doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 1,8%; loại hình doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 1,52%.

3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Đăng ký doanh nghiệp trong tháng 5/2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 doanh nghiệp thành lập mới tuy bị giảm về số lượng so với tháng trước nhưng số vốn đăng ký vẫn tăng 17,9%. Tính chung 5 tháng đầu năm, có 1.026 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước, đáng chú ý là số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 373 doanh nghiệp, tăng 79,3%.

 Trong tháng, số lượng doanh nghiệp thành lập mới 208 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 3.357 tỷ đồng; vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp thành lập mới đạt 16,1 tỷ đồng. Thành lập mới 76 đơn vị trực thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh).

Tính từ 01/01/2021 đến ngày 18/5/2021, tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng của tỉnh đạt 97,2%, đứng thứ 5 trong cả nước. Số doanh nghiệp thành lập mới là 1.026 doanh nghiệp, tăng 13,7% so với cùng kỳ và 320 đơn vị trực thuộc. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm là 5 11.686 tỷ đồng, tăng 70,6% và số vốn bình quân trên một doanh nghiệp thành lập mới đạt 11,4 tỷ đồng, tăng 50,1%. Số lượt đăng ký thay đổi 1.494 doanh nghiệp, tăng 22,2% và 163 đơn vị trực thuộc. Số lượt thông báo thay đổi 912 doanh nghiệp, giảm 3,6% và 23 đơn vị trực thuộc. Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp có 124 doanh nghiệp, giảm 0,8%. Giải thể tự nguyện 95 doanh nghiệp, giảm 3,1%. Đăng ký tạm ngừng 595 doanh nghiệp, tăng 49,1% và 84 đơn vị trực thuộc. Doanh nghiệp hoạt động trở lại 373 doanh nghiệp, tăng 79,3% và 51 đơn vị trực thuộc. Sự gia tăng của số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập ở các ngành kinh doanh chủ yếu là ngành công nghiệp.

Lũy kế đến 18/5/2021, trên địa bàn tỉnh có 20.010 doanh nghiệp đã đăng ký, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước, với tổng số vốn điều lệ đăng ký là 316.853 tỷ đồng, tăng 23,3%.

4. Đầu tư

4.1. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước

Tháng 5, ước tính vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 405 tỷ đồng, giảm 2,7% so với tháng trước, đồng thời giảm sâu 31,7% so với cùng tháng năm trước, trong đó: Nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 182 tỷ đồng, (-0,7%) và (-37,2%); tiếp theo nguồn vốn ngân sách cấp huyện đạt 157 tỷ đồng, (-1,5%) và (-3,9%); nguồn vốn ngân sách cấp xã đạt 66 tỷ đồng, (-4,6%) và (-52,7%).

Lũy kế 5 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 2.111 tỷ đồng, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của ngân sách địa phương đạt 34,9% kế hoạch vốn năm 2021. Xét theo cấp hành chính: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh quản lý ước đạt 993 tỷ đồng, bằng 37,4% kế hoạch năm, giảm 20,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn cân đối ngân sách tỉnh đạt 931 tỷ đồng, bằng 40%, giảm 23%; vốn TW hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu đạt 62 tỷ đồng, bằng 21,6%, tăng rất cao 51%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện quản lý ước đạt 748 tỷ đồng, bằng 33,6% và tăng 46%, trong đó: Vốn cân đối ngân sách huyện đạt 663 tỷ đồng, bằng 32,1% và tăng 34,9%; vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu đạt 84 tỷ đồng, bằng 55,2% và tăng hơn 3 lần; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã quản lý ước đạt 670 tỷ đồng, bằng 31,8% và giảm 22,3%, trong đó: Vốn cân đối ngân sách xã đạt 342 tỷ đồng bằng 30,7% và giảm 26,8%; vốn huyện hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu đạt 27 tỷ đồng bằng 55,7% gấp hơn 3 lần. Xét theo địa bàn huyện, thị xã, thành phố: trong 5 tháng đầu năm, huyện Quế Võ có mức tăng cao nhất tăng gấp hơn 3 lần đạt 57,9% kế hoạch vốn năm 2021. Một số huyện có mức đầu tư thấp như: huyện Gia Bình mới đạt được  21,9% kế hoạch; Tiên du đạt 26,1%, những huyện này chủ yếu vẫn là những công trình chuyển tiếp từ năm trước sang nên thực hiện đầu tư nhìn chung đạt thấp.

4.2.Hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài

Tính từ 01/01/2021 đến ngày 20/5/2021, toàn tỉnh đã cấp mới cho 52 dự án FDI, giảm 36,6% so với cùng kỳ năm trước, với tổng vốn đăng ký đạt 320,7 triệu USD tăng 106%; điều chỉnh vốn cho 33 dự án với số vốn điều chỉnh tăng là 43,6 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp: 22 lượt với giá trị là 9,2 triệu USD; thu hồi 20 dự án với tổng vốn đầu tư là 208,3 triệu USD. Riêng trong tháng 5, cấp mới đăng ký đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 61 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 07 dự án với số vốn điều chỉnh tăng là 5,8 triệu USD; 05 lượt ra thông báo chấp thuận góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế với giá trị là 2,2 triệu USD; thu hồi 09 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 73,5 triệu USD.

Lũy kế đến 20/5/2021, toàn tỉnh có 1.663 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần vốn góp đạt 20.045 triệu USD.

5. Thương mại, dịch vụ và giá cả

5.1. Lưu chuyển hàng hoá - dịch vụ

Tháng 5, doanh thu hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 4.990 tỷ đồng, giảm 7,5% so với tháng trước nhưng tăng 23,5% so với cùng tháng năm trước. Tất cả các ngành đều sụt giảm so với tháng trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 4.006 tỷ đồng, giảm 5,9% nhưng tăng 32,6%; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 371 tỷ đồng, giảm 19,9% và giảm 2,3%; doanh thu dịch vụ đạt 613 tỷ đồng, giảm 8,9% và giảm 4,2%; riêng doanh thu du lịch và lữ hành không có doanh thu.

 Tính chung 5 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 27.256 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động: Doanh thu bán lẻ hàng hóa, đạt 21.614 tỷ đồng, tăng 17,1%, trong doanh thu bán lẻ hàng hóa, có 9/12 nhóm hàng có chỉ số giá tăng với mức tăng từ 5,2- 28,1%, trong đó tăng cao nhất là nhóm hàng hóa lương thực thực phẩm. Có 3/12 nhóm hàng có chỉ số giá giảm, trong đó giảm sâu nhất là nhóm hàng hóa phương tiện đi lại (kể cả phụ tùng) giảm 6,1%; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống, đạt 2.069 tỷ đồng, tăng 5,2%, trong đó: Ngành dịch vụ lưu trú vẫn giảm sâu 20,2%, dịch vụ ăn uống tăng 6,1%; Doanh thu dịch vụ, đạt 3.569 tỷ đồng, tăng 3,3%; doanh thu du lịch lữ hành, đạt 3,1 tỷ đồng, giảm 19,1%;

5.2. Tình hình giá cả

a) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Trong mức tăng 0,33% của CPI tháng 5 so với tháng trước, khu vực nông thôn có mức tăng cao hơn khu vực thành thị, chủ yếu do mức tăng của nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2021, có 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số tăng, 2 nhóm hàng hóa giữ nguyên và 2 nhóm có chỉ số giảm. Trong 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số tăng, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao nhất 1,64% do giá sắt thép tăng cao do giá phôi sản xuất sắt thép tăng đồng thời việc nhập khẩu sắt thép từ thị trường Trung Quốc cũng bị hạn chế; tiếp theo nhóm giao thông tăng 1,14% do giá xăng dầu được điều chỉnh tăng liên tiếp 2 lần cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2021 dẫn đến CPI của xăng tăng 2,13% và dầu diezen tăng 2,8%. Trong 2 nhóm hàng hóa dịch vụ có chỉ số giảm, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm nhiều nhất, do giá thực phẩm giảm nhờ nguồn cung dồi dào làm cho nhóm hàng ăn và dịch vụ giảm -0,43%. Còn lại nhóm hàng giao thông và bưu chính viễn thông giữ nguyên.

So với cùng tháng năm trước, CPI tăng 2,28%, trong 11 nhóm hàng có 7 nhóm hàng hóa dịch vụ có chỉ số tăng, tăng cao nhất là nhóm giao thông 14,23%, do giá xăng dầu tăng cao; có 4 nhóm hàng hóa dịch vụ có chỉ số giảm, giảm nhiều nhất là nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (-4,01%) do nhóm hàng du lịch giảm sâu (-10,69%) vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

CPI bình quân 5 tháng năm 2021 tăng 0,54% so với cùng kỳ năm trước. Với mức tăng quá thấp cũng tiềm ấn nhiều thách thức bởi CPI tăng thấp phần nào phản ảnh tình trạng “sức khỏe yếu kém” của nền kinh tế, với bằng chứng rõ ràng là sức cầu thị trường tiếp tục suy yếu làm ảnh hưởng đến sự phục hồi của các doanh nghiệp và người sản xuất nhỏ. Trong 11 nhóm hàng có 7 nhóm hàng hóa dịch vụ có chỉ số tăng, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng nhiều nhất (+2,92%), do giá sắt thép tăng cao. Bên cạnh các nhóm hàng tăng giá, các nhóm hàng giảm giá so với cùng kỳ năm trước đã tác động đến CPI 5 tháng đầu năm gồm có: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,12%, do nguồn cung thịt lợn tăng đáng kể; đồ uống và thuốc lá giảm 0,31%, do ảnh hưởng dịch bệnh nhu cầu đồ uống giảm đi; bưu chính viễn thông giảm 1,18%, do nhu cầu về thiết bị điện thoại giảm; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 5,91%, việc hạn chế đi lại làm cho nhóm du lịch bị giảm sâu.

b) Chỉ số giá vàng và đôla Mỹ

Trong tháng, chỉ số giá vàng biến động theo chỉ số giá vàng thế giới tăng 2,25% so với tháng trước. Đồng thời, tăng cao so với cùng tháng năm trước (+12,3%). Tính chung chỉ số giá vàng bình quân 5 tháng đầu năm tăng rất cao so với cùng kỳ năm trước (+18,7%). Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 5 giảm nhẹ (-0,07%) so với tháng trước và giảm 1,42% so với cùng tháng năm trước, đồng thời giảm 0,45% so với tháng 12/2020.

Chỉ số giá đô la Mỹ bình quân 5 tháng đầu năm giảm 0,98% so với cùng kỳ năm trước.

5.3. Xuất, nhập khẩu

Xuất khẩu hàng hóa, trong tháng 5, kim ngạch xuất ước đạt 2.933 triệu USD giảm 5,1% so với tháng trước, nhưng vẫn tăng rất cao 36,6% so với cùng tháng năm trước; chủ yếu do mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu là điện thoại và linh kiện tăng cao (50,8%) so với cùng tháng năm trước. Xét theo khu vực kinh tế: Khu vực trong nước đạt 8,4 triệu USD giảm sâu 33,9% và giảm 53,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2.925 triệu USD giảm 5% nhưng tăng 37,4%. Tính chung 5 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 16.648 triệu USD tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 44,3 triệu USD, giảm 2,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 16.604 triệu USD, tăng 36,6%.

Nhập khẩu hàng hóa, cùng xu hướng giảm với xuất khẩu tháng 5, nhập khẩu cũng giảm 4,3% so với tháng trước nhưng tăng rất cao 55,2% so với cùng tháng năm trước. Hoạt động nhập khẩu chủ yếu đáp ứng nhu cầu máy móc, thiết bị mở rộng sản xuất và linh kiện, nguyên liệu cho sản xuất lượng đơn hàng mới tăng của các doanh nghiệp. Nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất đã tác động trực tiếp đến kim ngạch nhập khẩu là nhóm hàng linh kiện điện tử, điện thoại tăng khá (+30,2%). Xét theo khu vực kinh tế, khu vực kinh tế trong nước đạt 43,5 triệu USD, giảm 46,6% và giảm 20,3%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 98,3%, giảm 3%, nhưng tăng 57,8%. Cụ thể, mặt hàng linh kiện điện tử, điện thoại giảm 10,9%, nhưng tăng cao 42,9%. Tính chung 5 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 13.861 triệu USD tăng 30,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 282 triệu USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 13.579 triệu USD, tăng 30,6%, trong đó, mặt hàng chủ lực linh kiện điện tử, điện thoại đạt 9.806 triệu USD tăng 30,2%.

Cán cân thương mại hàng hóa, tháng 5/2021 ước tính xuất siêu 337 triệu USD. Ước tính 5 tháng đầu năm 2021, xuất siêu 2.787 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 238 triệu USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 3.024 triệu USD.

6. Giao thông vận tải

6.1. Sản lượng vận tải

Vận tải hành khách: Tháng 5, ước tính đạt 693 nghìn lượt khách vận chuyển, giảm 34,8% so với tháng trước, và giảm 29,8% so với cùng tháng năm trước; luân chuyển 30,6 triệu lượt khách.km, giảm 43,2% và giảm 34,9%. Tính chung 5 tháng, ước tính đạt 5.404 nghìn lượt khách, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 256,8 triệu lượt khách.km, giảm 11%. Xét theo ngành vận tải: Vận chuyển hành khách đường bộ ước đạt 5.067 nghìn lượt khách vận chuyển, giảm 14,9%, luân chuyển 256,5 triệu lượt khách.km, giảm 11%; vận chuyển hành khách đường thủy ước đạt 336 nghìn lượt khách vận chuyển, tăng 26,9%; luân chuyển đạt 0,23 triệu lượt khách.km, tăng 30,6%.

Vận tải hàng hoá, tháng 5, ước tính đạt 2,7 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 10,6% so với tháng trước nhưng tăng 5,7% so với cùng tháng năm trước; luân chuyển đạt 136,4 triệu tấn.km, giảm 9,2% nhưng tăng 4,1%. Tính chung 5 tháng, ước tính khối lượng vận chuyển được 15 triệu tấn hàng hóa, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển đạt 745,1 triệu tấn.km, tăng 7,8%. Xét theo ngành vận tải: Vận tải hàng hóa đường bộ khối lượng vận chuyển được 11,6 triệu tấn hàng hóa, tăng 10,6%, khối lượng luân chuyển được 344,7 triệu tấn.km, tăng 11,1%; vận tải hàng hóa đường thủy khối lượng vận chuyển được 3,4 triệu tấn hàng hóa, tăng 3,5%, khối lượng luân chuyển được 400,4 triệu tấn.km, tăng 5,1%.

6.2. Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải

Trong tháng 5, ước tính doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 693 tỷ đồng, giảm 5,2% so với tháng trước và tăng 37,8% so với cùng  tháng năm trước, trong đó: Vận tải hành khách ước đạt 42 tỷ đồng, giảm sâu 38,2% và giảm 38,5% do khối lượng hành khách vận chuyển giảm vì dịch Covid-19; vận tải hàng hóa ước đạt 211 tỷ đồng, giảm 7,9% và tăng 5,1%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 441 tỷ đồng, tăng 1,4% và tăng rất cao 87,1% do hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải vẫn duy trì xu hướng tốt do các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu lưu giữ hàng hóa, sử dụng các dịch vụ logistics, bốc xếp, khi xuất, nhập các nguyên vật liệu, hàng hóa. Tính chung 5 tháng, ước tính doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 3.393 tỷ đồng, tăng 28%. Xét theo loại hình kinh tế: Vận tải khu vực ngoài Nhà nước ước đạt 1.447 tỷ đồng tăng 10%; vận tải khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 32 tỷ đồng, giảm 70,1%. Xét theo ngành vận tải, có ngành vận tải hàng hóa và dịch vụ hỗ trợ vận tải có mức tăng lần lượt là (+11,3%) và (+57,4%), còn lại ngành vận tải hành khách giảm khá sâu (-17,3%) do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

7. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Thu ngân sách Nhà nước: Tháng 5, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 1.457 tỷ đồng giảm 40,5% so với tháng trước nhưng tăng 38% so với cùng tháng năm trước, trong đó: thu nội địa đạt 997 tỷ giảm 46% nhưng tăng 16,5%; thu từ Hải quan đạt 460 tỷ đồng giảm 23,9% nhưng tăng 1,3 lần. Tính chung 5 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 14.462 tỷ đồng, bằng 51,9% dự toán năm 2021, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thu nội địa đạt 11.439 tỷ đồng bằng 51,3% và tăng 10,8%; thu từ Hải quan đạt 3.023 tỷ đồng bằng 54,8% và tăng 34,4%. Chi ngân sách Nhà nước: Tháng 5, tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 1.778 tỷ đồng tăng gần 2 lần so với tháng trước và tăng 18,7% so với cùng tháng năm trước, trong đó chi đầu tư phát triển là 1.000 tỷ tăng gần 3 lần và tăng 11,1%; chi thường xuyên là 778 tỷ đồng tăng 29,2% và tăng 30%. Tính chung 5 tháng, tổng chi sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 8.431 tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán năm 2021 và tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 5.293 tỷ đồng bằng 89,9% và giảm 1,9%; chi thường xuyên đạt 3.136 tỷ đồng bằng 31,1% và tăng 8,6%.

8. Ngân hàng - Tín dụng

Dự tính đến cuối tháng 5, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 173.500 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước, tăng cao 21% so với cùng tháng năm trước và tăng 2,1% so với thời điểm cuối năm 2020, trong đó: Tiền gửi của cá nhân đạt 88.200 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất 51% tổng vốn huy động, lần lượt có mức tăng, giảm so với các gốc so sánh là (-2,8%), (+8,9%) và (-0,1%); tương tự, tiền gửi của các tổ chức đạt 79.200 tỷ đồng, chiếm 45,8%, (+8%), (+38%) và (+4,7%); nguồn vốn huy động khác đạt 5.600 tỷ đồng, chiếm 3,2%, (-1,8%), (+21,7%) và (+1,4%).

Tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 5, ước đạt 107.500 tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước, tăng 19,8% so với cùng tháng năm trước và tăng 6,3% so với thời điểm cuối năm 2020, trong đó: Dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 68.500 tỷ đồng, lần lượt có mức tăng, giảm là (+1%), (+22,8%) và (+6,2%); dư nợ cho vay trung, dài hạn đạt 39.000 tỷ đồng, (+0,5%), (+15%) và (6,6%).

Các chi nhánh NH, TCTD trên địa bàn tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của NHNN Việt Nam và của Hội sở chính trong triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, thu hồi nợ xấu, đặc biệt xem xét giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng chưa có khả năng trả nợ đến hạn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Dự kiến đến hết 30/5/2021, tỷ lệ nợ xấu là 2,35%.

9. Một số tình hình xã hội

9.1. Đảm bảo an sinh xã hội

Trong bối cảnh chung với những tác động của dịch Covid-19, việc làm và thu nhập của người lao động cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, để giảm bớt khó khăn cho người lao động, hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì trả lương cho người công nhân lao động. Đối với CBCC, viên chức đời sống được đảm bảo. Các đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH được chi trả lương qua hệ thống bưu điện, kịp thời, an toàn, đúng đối tượng, nên đời sống ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng trong 5 tháng cơ bản ổn định. Sự phục hồi của chăn nuôi, cây trồng vụ đông xuân được mùa và giá hầu hết sản phẩm đầu ra giữ ở mức cao, có lãi; nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi lồng bè đạt hiệu quả kinh tế,vv....... đã góp phần ổn định thu nhập cho bộ phân dân cư có sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, đời sống nông dân Bắc Ninh trong 5 tháng đầu năm vẫn giữ được ổn định, không có hộ và nhân khẩu bị thiếu đói.

Công tác an sinh xã hội tiếp tục được cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo và cộng đồng doanh nghiệp cùng chia sẻ, hỗ trợ cả về giá trị và hiện vật. Trước tình hình ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn lao động tỉnh, .... đã kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ, hỗ trợ về tiền và hiện vật cho người lao động ở Bắc Ninh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

9.2. Hoạt động y tế, phòng, ch ng dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm

Hiện nay, Ban Chỉ đạo và ngành chức năng đang tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Để phòng, chống và ngăn ngừa 12 kịp thời dịch Covid-19 xảy ra trong các cơ sở khám chữa bệnh và chủ động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, tỉnh đã triển khai: Đề nghị Bộ y tế hỗ trợ một số loại vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19; tuyên truyền, khuyến cáo người dân về nguy cơ dịch bệnh; chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tích cực xác minh, truy vết các trường hợp có liên quan, tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 và những người tiếp xúc với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 để cách ly theo dõi sức khỏe; chỉ đạo các đơn vị chức năng đảm nhận nhiệm vụ công tác chuyên môn phòng, chống dịch Covid-19 cho các công dân tại các khu cách ly tập trung của tỉnh. Đồng thời thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh tới khám, chữa bệnh. Ngoài ra, ngành y tế còn chủ động triển khai công tác truyền thông phòng chống sốt xuất huyết trước mùa dịch với các hoạt động thiết thực nhằm huy động chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống sốt xuất huyết nhưng vẫn đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng. Tăng cường triển khai công tác điều trị và phòng, chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho người bệnh và nhân dân thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, đồ dùng sinh hoạt và phối hợp phòng chống lây lan dịch bệnh tay chân miệng tại cơ 4 sở y tế cộng đồng... Thực hiện nghiêm công tác thống kê, báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế; thực hiện báo cáo tình hình phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Virus Corona theo đúng quy định. Tình hình mắc, tử vong một số bệnh truyền nhiễm gây dịch trên địa bàn tỉnh như sau:

- Dịch Covid-19: Tính đến 6h 00’ ngày 19/5/2021, trên địa bàn tỉnh có 7/8 huyện, thị xã, thành phố (thị xã Từ Sơn, thành phố Bắc Ninh, huyện Tiên Du, Lương Tài, Thuận Thành, Quế Võ, Yên Phong) có ca mắc Covid-19, cụ thể:

+ Tổng số ca mắc: 336 ca, trong đó Thuận Thành 277 ca, Tiên Du 05 ca, thị xã Từ Sơn 02 ca, thành phố Bắc Ninh 15 ca, Yên Phong 28 ca, Lương Tài 06 ca, Quế Võ 02 ca, 01 ca thuộc huyện Việt Yên - Bắc Giang (phát hiện và điều trị tại tỉnh).

+ Công tác điều trị: Hiện có 325 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh (56 ca điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, 140 ca điều 13 trị tại Bệnh viện dã chiến Tiên Du, 107 ca điều trị tại Bệnh viện dã chiến Gia Bình, 22 ca điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi); đang thực hiện theo dõi 259 trường hợp nghi nhiễm tại các cơ sở y tế.

+ Toàn tỉnh rà soát phát hiện 3.191 trường hợp F1, 27.081 trường hợp F2; thực hiện cách ly y tế cho 28.969 trường hợp, trong đó cách ly tại cơ sở y tế là 550 trường hợp, cách ly tập trung 2.630 trường hợp, cách ly tại khách sạn 418 trường hợp, cách ly tại nhà là 25.371 trường hợp.

+ Công tác xét nghiệm SARS-COV-2: Toàn tỉnh đã thực hiện lấy 197.427 mẫu xét nghiệm, trong đó 7.647 mẫu của trường hợp F1, 18.380 mẫu của trường hợp F2 và 171.400 mẫu lấy tại cộng đồng, đối tượng khác; 174.945 mẫu đã có kết quả xét nghiệm và trả về cơ quan, đơn vị liên quan, 22.482 mẫu đang chờ kết quả (trong đó 18.546 mẫu lấy đêm ngày 18/5/2021).

- Các dịch bệnh khác:

+ Mers-CoV, Ebola, cúm A(H7N9), cúm A(H5N1), cúm A(H5N6): Không ghi nhận trường hợp mắc.

+ Toàn tỉnh ghi nhận 41 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng 28 trường hợp so với cùng kỳ năm 2020), 575 trường hợp mắc/nghi mắc cúm (giảm 553 trường hợp so với cùng kỳ), 436 trường hợp mắc thủy đậu (giảm 24 ca so với cùng kỳ), 06 trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm 01 ca so với cùng kỳ), 05 trường hợp mắc/nghi mắc sởi (giảm 08 trường hợp so với cùng kỳ); các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác xuất hiện rải rác, không có ổ dịch tập trung....

+ Đảm bảo giám sát các trường hợp liệt mềm cấp đạt chỉ tiêu, tiếp tục bảo vệ được thành quả thanh toán bại liệt kể từ khi chính thức được WHO xác nhận vào năm 2000; duy trì loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh.

9.3. Giáo dục và đào tạo

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, để đảm bảo thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, ngành giáo dục tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo các đơn vị trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện hiệu quả việc dạy và học qua Internet. Do dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn tỉnh nên các trường phổ thông đã không tổ chức được việc kiểm tra, đánh giá kiến thức học sinh thời điểm cuối học kỳ 2 của theo thời gian quy định, do đó ngành giáo dục phải tiếp tục bảo quản đề kiểm tra cuối học kỳ 2 theo chế độ bảo mật; lịch kiểm tra học kỳ 2 sẽ được điều chỉnh phù hợp với khung chương trình năm học tùy theo diễn biến tình hình dịch Covid-19. Tiếp tục chỉ đạo công tác ôn tập cho học sinh lớp 5, 9, 12 đáp ứng các kỳ thi năm 2021 trong tình hình dịch, bệnh Covid-19. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh hướng dẫn học sinh lớp 12 làm hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2021. Tuyên truyền về các kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng năm 2021; phối hợp tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật mới ban hành trong ngành Giáo dục. Phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2020-2021.

9.4. Văn hoá thông tin, thể dục thể thao

Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền cổ động trực quan chào mừng cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; tuyên truyền kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) và 135 năm Ngày Quốc tế lao động (01/5/1886 - 01/5/2021); Ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch); 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5); tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tổ chức 45 buổi chiếu phim tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, nội dung tập trung tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Hoạt động thư viện phục vụ 3.913 lượt bạn đọc, cấp và đổi 321 thẻ bạn đọc, nâng tổng số thẻ đang phục vụ hiện nay lên 8.063 thẻ, luân chuyển 21.692 lượt sách, báo, tạp chí; trưng bày chuyên đề: “Di tích và lễ hội truyền thống tỉnh Bắc Ninh”, đón tiếp và thuyết minh cho 640 lượt khách đến tham quan nghiên cứu; khai mạc trưng bày chuyên đề “75 năm Quốc hội Việt Nam - Dấu ấn, niềm tin và hy vọng” tại Bảo tàng tỉnh; trưng bày lưu động chuyên đề “Tinh hoa văn hóa Quan họ Bắc Ninh” tại đền Cao Lỗ Vương, xã Cao Đức, huyện Gia Bình; xây dựng đề cương chi tiết trưng bày chuyên đề “Thân thế và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Quang Đạo” và chuyên đề “75 năm Quốc hội Việt Nam - dấu ấn, niềm tin và hy vọng”; sưu tầm được 34 tài liệu hiện vật, 9 ảnh tư liệu. Hoạt động thể dục thể thao, tham gia thi đấu vòng I giải bóng chuyền vô địch Quốc gia cúp Bamboo Airway năm 2021 tại thành phố Hà Nội; kết quả xếp thứ 4/5 đội tham gia thi đấu; công tác thanh tra, kiểm tra: ban hành Kế hoạch kiểm tra hoạt động, kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và các hoạt động vui chơi giải trí trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục phối hợp và chỉ đạo Đội kiểm tra liên ngành 814 tỉnh thực hiện Kế hoạch kiểm tra chuyên đề về lễ hội (cuộc 3) năm 2021: kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội Đền Đô, kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại lễ hội chùa Bút Tháp; tiếp tục thực hiện kế hoạch thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm chống lãng phí tại trường trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch.

9.5. An ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông

An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội:

Trong tháng 5, toàn tỉnh xảy ra 63 vụ phạm pháp hình sự, 152 đối tượng, trong đó: 10 vụ đánh bạc với 56 đối tượng, đồng thời khởi tố 10 vụ cờ bạc với 56 đối tượng; chứa mại dâm 1 vụ, 5 đối tượng và đã khởi tố xử lý 1 vụ mại dâm, 1 đối tượng, xử lý hành chính 4 đối tượng.

Tình hình an toàn giao thông: Trong tháng, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, toàn tỉnh chỉ xảy ra 2 vụ TNGT, giảm 82,8% so với tháng trước và giảm 71,4% so với cùng kỳ năm trước; làm chết 3 người, giảm 32,7% và giảm 50%; làm 1 người bị thương, giảm 80% và giảm 66,7%; các lực lượng chức năng đã xử phạt 2.846 trường hợp vi phạm luật giao thông, nộp kho bạc Nhà nước 2 tỷ đồng.

9.6. Phòng chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường

Công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH): Trong tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ cháy, bằng với tháng trước nhưng giảm 50% so với cùng kỳ năm trước, làm chết 03 người, tăng 03 người so với tháng trước và tăng gấp 3 lần cùng tháng năm trước, làm thiệt hại 138 tỷ đồng, lớn hơn rất nhiều so với cùng tháng năm trước. Cụ thể: 01 vụ cháy tại 01 doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Vsip Bắc Ninh, thuộc địa bàn huyện Tiên Du, làm 03 người chết, ước tính thiệt hại về tài sản 138 tỷ đồng; 01 vụ cháy rừng xảy ra tại núi Chè, xã Liên Bão, huyện Tiên Du, không có thiệt hại về người, về tài sản hiện đang được cơ quan chức năng thống kê, đánh giá.

Công tác bảo vệ môi trường:

Trong tháng 5, tình tình ô nhiễm môi trường xảy ra nổi cộm tại làng nghề giấy Phong Khê. Sau khi cơ quan chức năng tổ chức tháo dỡ hệ thống xả thải trái phép ra thẳng sông Ngũ Huyện Khê, một lượng lớn nước thải từ nhiều nhà máy ở phường Phong Khê, TP Bắc Ninh đã chảy tràn ra đường khiến nhiều tuyến đường và các trường học ngập sâu trong dòng nước bẩn.

Trong tháng, trên địa bàn toàn tỉnh các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, phát hiện 26 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên (so với tháng 4/2021 giảm 6 vụ) và giảm 21,2% so với cùng tháng năm trước; các cơ quan chức năng đã xử lý 26 vụ (so với tháng 4/2021 giảm 3 vụ) nhưng tăng 30%; với số tiền xử phạt là 3,1 tỷ đồng.

Biểu tình hình KTXH tháng 5 năm 2021./.

Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh