Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 02 năm 2021
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, tình hình Kinh tế - Xã hội tỉnh Bắc Ninh tháng 02 năm 2021 như sau:
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
1.1. Nông nghiệp
a) Trồng trọt: Tính đến trung tuần tháng 02, toàn tỉnh đang tập trung thu hoạch cây vụ đông còn lại để giải phóng đất cho vụ xuân 2021. Tính đến 15/02, toàn tỉnh cung ứng 330.463 kg lúa giống, trong đó giống lúa năng suất cao 114.874 kg, giống lúa chất lượng cao 195.115 kg phục vụ sản xuất vụ xuân. Lượng giống còn lại nông dân tự mua đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất. Các giống được ngâm ủ đúng kỹ thuật, đảm bảo tỷ lệ nảy mầm.Tiến độ gieo cấy vụ xuân chậm hơn cùng kỳ năm trước. Tính đến 18/02, toàn tỉnh đã làm đất được 23.513,5 ha, đạt 71,4% kế hoạch và bằng 83,7% so với cùng kỳ năm trước, diện tích mạ 2.382 ha, đạt 100,4% kế hoạch, bằng 95,2% cùng kỳ và đã gieo cấy được 8.952 ha, đạt 28,4% kế hoạch, bằng 81,9%, tập trung ở các huyện Quế Võ, Gia Bình và Lương Tài. Cùng với việc gieo cấy lúa đông xuân, tính đến giữa tháng 02, các địa phương trong tỉnh gieo trồng được 1.134,5 ha rau màu vụ xuân, đạt 31,5% kế hoạch và bằng 78,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngô 181 ha đạt 29,7% và bằng 58,4%, khoai tây 231,3 ha bằng 97,8%, rau màu khác 678,7 ha bằng 85,7% và sản xuất hoa các loại 52,6 ha bằng 66,5%.
b) Chăn nuôi và hoạt động phòng, chống dịch, chữa bệnh động vật
Chăn nuôi: Tính đến giữa tháng, tổng số trâu có 2.755 con, tăng 3,9% (+103 con) so với cùng thời điểm năm trước; bò có 26.750 con, giảm 4,5% (-1.260 con); lợn có 215.760 con, tăng 12,8% (+24.514 con); gia cầm có 5.550 nghìn con, tăng 6,1% (+320 nghìn con). Sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng lũy kế 02 tháng ước đạt 14.001 tấn, tăng 53,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tháng này đạt 6.697 tấn, tăng 48% so với cùng tháng năm trước.
Hoạt động phòng, chống dịch, chữa bệnh bệnh động vật:
+ Bệnh cúm gia cầm: Từ ngày 15/01-11/02, bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 22 hộ chăn nuôi thuộc địa bàn 15 thôn, khu phố ở 15 xã, phường của 05 huyện, thành phố làm 29.029 con gia cầm mắc bệnh phải tiêu hủy với tổng trọng lượng 58.028,6 kg.
+ Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP): Ngày 02/02, trên địa bàn tỉnh, bệnh DTLCP xảy ra tại 01 hộ gia đình ở khu 6, phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh làm 06 con lợn thịt mắc bệnh phải tiêu hủy với tổng trọng lượng 741 kg.
- Công tác phòng, chống dịch: Tại các xã, phường có dịch, ngành chức năng chỉ đạo: Tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm mắc bệnh cúm và số lợn mắc bệnh DTLCP và theo đúng quy trình kỹ thuật. Vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường bằng 96 lít hóa chất và 04 tấn vôi bột tại địa bàn các thôn, khu có dịch và khu vực lân cận. Tiêm phòng bổ sung 92.500 liều vắc xin Cúm cho toàn bộ đàn gia cầm trên địa bàn thôn, xã có dịch; tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định.
1.2. Lâm nghiệp
Thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, công tác chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng. Ngày 06 tháng Giêng âm lịch (tức ngày 17/02) toàn tỉnh tổ chức phát động "Tết trồng cây” Xuân Tân Sửu tại 06 huyện, thành phố. Kết quả đã trồng được 19,3 nghìn cây các loại. Ước tính trong tháng 02, toàn tỉnh trồng được 28 nghìn cây phân tán các loại, chủ yếu là tạo cảnh quan môi trường; khai thác 255 m3 gỗ, giảm 17,7% so với cùng tháng năm trước, khai thác được 340 ste củi, giảm 22,7%.
1.3. Thuỷ sản
Từ thời điểm cuối tháng 01, ô nhiễm nguồn nước sông Cầu, cá nuôi trong lồng trên sông bị chết rải rác gây thiệt hại cho các hộ nuôi cá lồng trên khu vực sông Cầu. Đồng thời do thời tiết của tháng trước cũng có tác động xấu đến cá lồng trên sông nên ảnh hưởng đến hoạt động nuôi cá lồng. Tính đến cuối tháng, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 5.150 ha, tăng 6,4% so với cùng thời điểm năm trước. Sản lượng thủy sản lũy kế đến hết tháng 02 năm 2021 ước đạt 7.253 tấn tăng 9.8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản lượng nuôi trồng thu được 7.044 tấn, tăng 9,8%; sản lượng thủy sản khai thác được 210 tấn, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Các đơn vị sản xuất giống tích cực chăm sóc nuôi vỗ đàn cá bố mẹ, cá hậu bị … đáp ứng cho nhu cầu sản xuất.
2. Sản xuất công nghiệp
2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)
Tiếp tục là tháng thứ hai liên tiếp giảm so với tháng trước do các nguyên nhân khách quan là dịch bệnh và tháng có Tết Nguyên đán diễn ra, nên IIP tháng 02 giảm sâu so với tháng trước (-26,1%) đồng thời giảm 4,1% so với cùng tháng năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 26% và giảm 4,1%; ngành phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 17% nhưng tăng 4,2%; ngành công nghiệp cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 19,6% và giảm 10,1%.
Tính chung 02 tháng, IIP trên địa bàn tỉnh vẫn đạt được mức tăng khá cao (+20,7%) so với cùng kỳ năm trước và là năm thứ tư liên tiếp đạt được mức tăng trưởng dương; trong đó: công nghiệp chế biến chế tạo tăng 20,9%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 5,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 4,7%.
2.2. Sản phẩm công nghiệp
Trong tháng, có 11/24 sản phẩm chủ yếu của tỉnh có mức tăng so với tháng trước, trong đó có 3 sản phẩm chủ lực của tỉnh là: máy in-copy (+4,4%); điện thoại thông minh (+5,4%); linh kiện điện tử (+28,1%). Ngoài 11 sản phẩm có mức tăng thì có tới 13/24 sản phẩm có mức giảm so với tháng trước, trong đó cũng có các sản phẩm điện tử chủ lực như: điện thoại di động thường (-13,3%); đồng hồ thông minh (-43,5); màn hình điện thoại giảm rất sâu (-66,9%); pin điện thoại giảm nhẹ (-0,3%). Tính chung 02 tháng, trong các sản phẩm chủ yếu của tỉnh có 14/24 sản phẩm có mức tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 4 sản phẩm chủ lực của: Máy in-copy tăng cao (+29,8%); điện thoại thông minh tăng khá cao (+18,6%); linh kiện điện tử tăng rất cao (+53,7%) và pin điện thoại (+4,2%). Tuy nhiên, còn lại có 10/24 sản phẩm có mức giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 3 sản phẩm chủ lực của tỉnh là: điện thoại di động thường (-19,7%); đồng hồ thông minh (-3,2%); Màn hình điện thoại giảm sâu (-68,9%).
2.3. Chỉ số sử dụng lao động
Số lao động của doanh nghiệp công nghiệp thời điểm 01/02 giảm 2,7% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 3,7% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó: Lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng nhẹ 0.2% và tăng 2,8%; doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm nhẹ 0,3% và giảm 1,1%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm nhiều nhất (-3,2%) và giảm 4,4%. Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng giảm 2,7% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 3,8% so với cùng thời điểm năm trước; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng và điều hòa không khí giữ nguyên so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ; ngành cung cấp nước và hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,3% so với tháng trước nhưng giảm 1,2% so vời cùng kỳ. Tính chung 02 tháng, chỉ số sử dụng lao động, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành CN chế biến chế tạo giảm nhiều nhất (-2,2%); đối với loại hình doanh nghiệp: Loại hình khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm nhiều nhất (-2,6%).
3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Trong tháng, trên địa bàn tỉnh có: Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng đạt 98,47% đứng thứ 2 cả nước. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới 141 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 1.347 tỷ đồng; vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,56 tỷ đồng. Thành lập mới 50 đơn vị đơn vị trực thuộc (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh). Số lượt đăng ký thay đổi 245 doanh nghiệp và 25 đơn vị trực thuộc. Số lượt thông báo thay đổi 178 doanh nghiệp và 04 đơn vị trực thuộc. Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp 25 doanh nghiệp. Giải thể tự nguyện 32 doanh nghiệp và 14 đơn vị trực thuộc. Đăng ký tạm ngừng 80 doanh nghiệp và 10 đơn vị trực thuộc. Hoạt động SXKD trở lại 36 doanh nghiệp và 13 đơn vị trực thuộc.
Lũy kế đến 18/02/2021, trên địa bàn tỉnh có 19.154 doanh nghiệp và 3.717 đơn vị trực thuộc với tổng số vốn điều lệ đăng ký 292,7 nghìn tỷ đồng, trong đó:
- Số doanh nghiệp đang hoạt động 18.372 doanh nghiệp, với tổng số vốn điều lệ đăng ký là 288,5 nghìn tỷ đồng; vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 15,7 tỷ đồng, trong số doanh nghiệp đang hoạt động, công ty TNHH 1 thành viên chiếm tỷ trọng lớn nhất 55% với 10.109 doanh nghiệp, tổng số vốn điều lệ đăng ký là 106,5 nghìn tỷ đồng;
- Đơn vị trực thuộc đang hoạt động 3.717 đơn vị (chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh);
- 782 doanh nghiệp và 214 đơn vị trực thuộc đang tạm ngừng kinh doanh với tổng số vốn đăng ký 4 nghìn tỷ đồng.
4. Đầu tư
4.1. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước
Tháng 02, ước tính vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 447,1 tỷ đồng, giảm sâu so với tháng trước (-24,8%) nhưng vẫn tăng 5,8% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 02 tháng, vốn đầu tư thực hiện đạt 1.041,8 tỷ đồng, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của ngân sách địa phương đạt 17,2% kế hoạch vốn năm 2021, gồm có: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh quản lý ước đạt 526 tỷ đồng, bằng 19,8% kế hoạch năm và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện quản lý ước đạt 330,7 tỷ đồng bằng 14,9% kế hoạch năm và tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã quản lý ước đạt 185 tỷ đồng bằng 15,9% kế hoạch năm và tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước.
4.2. Hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
Tính từ 01/01/2021 đến ngày 20/02/2021, toàn tỉnh đã cấp mới cho 19 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 165,8 triệu USD tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước, trong tháng 02/2021 có 5 doanh nghiệp đăng ký vốn đầu tư trên 1 triệu USD, trong đó: Dự án nhà máy Vina CNS ở KCN Quế Võ với vốn đầu tư đăng ký cao nhất là 12 triệu USD. Tính đến 20/02/2021, toàn tỉnh có 1.642 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần góp vốn đạt 19.900,4 triệu USD.
5. Thương mại, dịch vụ và giá cả
5.1. Lưu chuyển hàng hoá - dịch vụ
Tháng 02, doanh thu hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước tính đạt 6.268 tỷ đồng, giảm 1,1% so với tháng trước và tăng 4,7% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 02 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ hóa đạt 12.605 tỷ đồng, tăng nhẹ (+1,6%) so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,5%).
Xét theo ngành hoạt động:
Doanh thu bán lẻ hàng hóa: Tháng 02, ước đạt 5.126 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 8% so với cùng tháng năm trước, trong đó: 8/12 nhóm hàng có mức tăng so với cùng tháng năm trước, tăng cao nhất là nhóm hàng lương thực thực phẩm tăng rất cao do là tháng có Tết Nguyên đán (+18%). Còn lại 4 nhóm hàng có chỉ số giảm, trong đó giảm sâu nhất là nhóm hàng xăng, dầu các loại giảm tới (-25,3%). Tính chung 02 tháng, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 10.203 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo nhóm hàng, so với cùng kỳ năm trước, có 50% nhóm hàng có chỉ số giá tăng với mức tăng từ (3,4-18,1%), trong đó tăng cao nhất là nhóm hàng gỗ và vật liệu xây dựng tăng 18,1%. Còn lại 50% nhóm hàng có chỉ số giá giảm, trong đó giảm sâu nhất là nhóm hàng hóa xăng, dầu các loại chỉ bằng 68% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống: trong tháng 02, tổng doanh thu ước đạt 417 tỷ đồng, giảm 6,2% so với tháng trước và giảm 8,1% so với tháng cùng kỳ năm trước, trong đó: Dịch vụ lưu trú chỉ đạt 10,3 tỷ đồng, giảm sâu (-25,1%) so với tháng trước, chỉ bằng 74,3% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống đạt 406,8 tỷ đồng, giảm 5,6% và giảm 7,6%. Tính chung 02 tháng, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 861,7 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành dịch vụ lưu trú giảm sâu cùng xu hướng với lượng khách đến tham quan du lịch bị giảm do yêu cầu phòng dịch bệnh.
Doanh thu du lịch lữ hành: Tháng 02, ước đạt 0,8 tỷ đồng, giảm nhẹ (-0.1%) so với tháng trước và giảm khá sâu (-18,8%) so với cùng tháng năm trước. Tính chung 02 tháng, ước đạt 1,5 tỷ đồng, giảm rất sâu (-39,5%) so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác: Trong tháng, ước đạt 608,8 tỷ đồng, giảm 4,3% so với tháng trước, đồng thời cũng giảm 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 02 tháng, ước đạt 1.245 tỷ đồng, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước.
5.2. Tình hình giá cả
a) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Trong mức tăng 0,76% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2021 so với tháng trước có 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất 2,18%, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,6%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09% do nhu cầu mua sắm các thiết bị gia đình trang trí cho dịp Tết tăng lên; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; giao thông tăng 2,48% do điều chỉnh giá xăng dầu vào 26/01 và 25/02; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,08% do giá dịch vụ cá nhân như cắt tóc, gội đầu, uốn tóc. Có 2/11 nhóm có chỉ số giá giữ nguyên là: đồ uống và thuốc lá; giáo dục. Còn lại 3 nhóm có chỉ số giảm là: May mặc, giày dép và mũ nón giảm 0,14%; bưu chính viễn thông giảm 0,09%; văn hóa, giải trí du lịch giảm 1,53% do dịch Covid-19 bị hạn chế về hoạt động văn hóa, giải trí và du lịch
So với cùng tháng năm trước, CPI giảm 0,36%; có 3/11 nhóm hàng hóa dịch vụ có chỉ số giảm, giảm nhiều nhất là các nhóm hàng giao thông (-8,47%); văn hóa, giải trí du lịch (-6,26%) và bưu chính viễn thông (-0,47%). Còn lại 8/11 nhóm hàng hóa dịch vụ có chỉ số tăng, tăng cao là nhà ở và vật liệu xây dựng (+1,46%) và hàng hóa dịch vụ khác (+1,37%).
CPI bình quân 2 tháng giảm 0,6% so với bình quân cùng kỳ năm trước, trong đó: có 3/11 nhóm hàng hóa dịch vụ có chỉ số giảm, giảm sâu nhất là nhóm giao thông (-10,03%), tiếp đó là văn hóa, giải trí và du lịch (-5,5%) và bưu chính viễn thông (-0,74%). Còn lại 8/11 nhóm hàng hóa dịch vụ có chỉ số tăng, cao nhất là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác (+2,07%).
b) Chỉ số giá vàng và đôla Mỹ
Chỉ số giá vàng tháng 02 giảm 0,25% so với tháng trước nhưng tăng 2,1% so với tháng 12/2020 và tăng rất cao (+24%) so với cùng tháng năm trước. Chỉ số giá vàng bình quân 02 tháng tăng rất cao (+26,68%) so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 02 giảm 0,31% so với tháng trước, giảm 0,5% so với tháng 12/2020 và giảm 0,68% so với cùng tháng năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ bình quân 02 tháng giảm 0,44% so với cùng kỳ năm trước.
5.3. Xuất, nhập khẩu
Xuất khẩu hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng giảm sâu so với tháng 01/2021 (-13,7%), tuy nhiên vẫn tăng 35% so với cùng tháng năm trước, do 2 mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu tăng cao đó là: Điện thoại và linh kiện (+17,5%) so với cùng tháng năm trước; máy vi tính và linh kiện (+51,8%). Xét theo khu vực kinh tế: khu vực trong nước đạt 2,6 triệu USD giảm sâu (-65,8%) so với tháng trước và giảm 50,3% so với cùng tháng năm trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3.740 triệu USD giảm 13,6% nhưng tăng 35,2%. Tính chung 02 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 8.079 triệu USD tăng 67,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10 triệu USD, giảm 29,2%, nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ 0,13% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8.069 triệu USD, tăng 68%, chiếm 99,87% (tăng tỷ trọng 0,17% so với cùng kỳ năm trước). Nhập khẩu hàng hóa, cùng xu hướng với xuất khẩu tháng 02 giảm khá sâu so với tháng trước (-13,1%), nhưng vẫn tăng rất cao so với cùng tháng năm trước (+41,2%) nhằm đáp ứng nhu cầu máy móc, thiết bị mở rộng sản xuất và linh kiện, nguyên liệu cho sản xuất lượng đơn hàng mới tăng của các doanh nghiệp. Các nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn đã tác động trực tiếp đến kim ngạch nhập khẩu đều tăng cao so với cùng tháng năm trước như nhóm hàng linh kiện điện tử, điện thoại tăng cao (+23,4%); MMTB, dụng cụ phụ tùng khác (+25,9%). Xét theo khu vực kinh tế, khu vực kinh tế trong nước đạt 28 triệu USD, giảm 50% và giảm 24,8%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 99,1%, lần lượt giảm 12,5% nhưng tăng 42,4%. Nguyên nhân, mặt hàng linh kiện điện tử, điện thoại tăng rất cao (+23,4%) so với cùng tháng năm trước. Tính chung 02 tháng, kim ngạch hàng nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 6.480 triệu USD tăng 38,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 29,5 triệu USD, giảm rất sâu (-53%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 6.396 triệu USD, tăng 39%. Trong đó, mặt hàng chủ lực linh kiện điện tử, điện thoại đạt 4.648 triệu USD tăng 28,2%; MMTB, dụng cụ phụ tùng khác tăng 40,8%.
6. Giao thông vận tải
6.1. Sản lượng vận tải
Vận tải hành khách: Tháng 02, ước tính vận chuyển được 1,2 triệu lượt khách, giảm sâu (-30,1%) so với tháng trước, đồng thời cũng giảm sâu (-32,9%) so với cùng tháng năm trước; luân chuyển ước đạt 56,5 triệu hành khách.km, giảm 30,8% và giảm 33,3%. Tính chung 02 tháng, ước tính vận chuyển đạt 3 triệu lượt khách, giảm 20,2% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển đạt 138,2 triệu hành khách.km, giảm 20%. Vận tải hàng hoá: Vận tải hàng hóa tháng 02, ước tính đạt 3,2 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 19,5% so với tháng trước và giảm 2,5% so với cùng tháng năm trước; luân chuyển đạt 159,6 triệu tấn.km, giảm 15,3% so với tháng trước và giảm 1,7%. Tính chung 02 tháng, ước tính vận chuyển đạt 7,1 triệu tấn hàng hóa, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển đạt 348 triệu tấn.km, tăng 7,2%.
6.2. Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải
Trong tháng Hai, ước tính doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 586,8 tỷ đồng, giảm 16,4% so với tháng trước và giảm nhẹ 1,76% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 02 tháng, ước tính doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 1.208,3 tỷ đồng, tăng 6,9%. Trong đó, vận tải khu vực ngoài nhà nước đạt 698,7 tỷ đồng, tăng 14,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 10,9 tỷ đồng, giảm sâu (-89,4%).
7. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Thu ngân sách Nhà nước, Tháng 02, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 1.627 tỷ đồng bằng 34,8% so với tháng trước (do nhiều khoản thuế của quý IV/2020 được doanh nghiệp quyết toán nộp trong tháng 01 hàng năm) và giảm 12,2% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 02 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 6.300 tỷ đồng, bằng 22,6% dự toán năm nhưng giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nội địa đạt 5.131 tỷ đồng bằng 23% và giảm 4,6%; thu từ Hải quan đạt 1.169 tỷ đồng bằng 21,2% và tăng 10,4%.Chi ngân sách Nhà nước, Tháng 02, tổng chi ngân sách Nhà nước đạt 1.502 tỷ đồng tăng 18,6% so với tháng trước và tăng 10,5% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 02 tháng, tổng chi sách địa phương ước đạt 2.768 tỷ đồng, bằng 14,5% dự toán năm và giảm 4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 1.441 tỷ đồng bằng 24,5% và giảm 9,3%; chi thường xuyên đạt 1.328 tỷ đồng bằng 13,2% và tăng 2,4%.
8. Ngân hàng - Tín dụng
Dự tính đến cuối tháng 02, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 171.600 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,8% so với tháng trước nhưng tăng cao 21% so với cùng tháng năm trước và tăng 1,3 so với thời điểm cuối năm 2020, trong đó: Tiền gửi của cá nhân đạt 88.500 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 51,6% tổng huy động, giảm nhẹ 0,1% so với tháng trước nhưng tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,2% so với thời điểm cuối năm; tiền gửi của các tổ chức đạt 77.500 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 45,2% tăng 6,6% , tăng 29,2 và tăng 2,5%; Nguồn vốn huy động khác đạt 5.600 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 3,2% giảm 0,9%, tăng 25,4% và tăng 1,4%.
Tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 02, ước đạt 101.500 tỷ đồng, giảm nhẹ (-0,2%) so với tháng trước nhưng tăng 15,1% so với cùng tháng năm trước và tăng 0,4% so với thời điểm cuối năm 2020, trong đó: Dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 64.600 tỷ đồng tương đương với tháng trước, tăng khá 18,3% so với cùng tháng năm trước và tăng nhẹ 0,1% so với thời điểm cuối năm 2020; dư nợ cho vay trung, dài hạn đạt 39.600 tỷ đồng, giảm 0,6%, tăng 14,4% và tăng 0,9%.
Dự kiến đến cuối tháng 02, nợ xấu trên địa bàn là 1.312 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,29% tổng dư nợ cho vay.
9. Một số tình hình xã hội
9.1. Công tác an sinh xã hội
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng công tác giải quyết việc làm và an sinh xã hội được các cấp các ngành của tỉnh quan tâm; kế hoạch thưởng Tết: Tết dương lịch năm 2021, mức thưởng bình quân trong các doanh nghiệp 1,08 triệu đồng/người. Thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021: Mức thưởng bình quân trong các doanh nghiệp 5,3 triệu đồng/người, trong đó mức cao nhất ở doanh nghiệp FDI là 170 triệu đồng/người; về tình hình nợ lương người lao động, tính đến ngày 16/02/2021 trên địa bàn tỉnh không có doanh nghiệp nợ lương người lao động.
Trong dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu năm 2021, đã đi thăm và tặng quà đối tượng người có công, hộ nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó: Lãnh đạo trung ương có Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Tổ chức trung ương đến thăm, tặng 94 suất quà, mỗi suất 3,0 triệu đồng tới các đồng chí thương binh nặng đang nuôi dưỡng, điều trị tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành, với tổng kinh phí 292 triệu đồng. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng 100 triệu đồng; Liên đoàn lao động tỉnh tặng 10 triệu đồng; Tập đoàn HaNaKa tặng 150 triệu đồng; đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính trung ương, về thăm tặng 02 suất quà trên địa bàn thành phố Bắc Ninh. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, phối hợp với Quỹ Thiện Tâm, Tập đoàn HaNaKa, Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội cựu chiến binh tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức các Đoàn đến 8 xã, thị trấn ở các huyện Tiên Du, huyện Quế Võ, huyện Lương Tài tặng 234 suất quà tặng cho hộ nghèo. Mỗi suất quà trị giá 300.000 đồng/suất; tiền mặt 600.000 đồng/suất. Tổng kinh phí 210,6 triệu đồng; Lãnh đạo tỉnh: Thường trực Tỉnh ủy, HĐND và Ủy ban MTTQ tỉnh đã đi thăm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và Bắc Giang, mỗi tỉnh trao tặng 500 triệu đồng. Tổng kinh phí 2,0 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 28/01/2021, tỉnh tổ chức 9/9 Đoàn lãnh đạo tỉnh đã đi thăm, tặng quà Tết mẹ Việt Nam anh hùng, người có công, hộ nghèo, người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ. Cụ thể: 100% quà tết (hiện vật) đã chuyển đến các xã, phường, thị trấn để tặng các đối tượng theo quy định của Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh. Tính đến 08 giờ 00 phút ngày 16/02/2021, trên địa bàn tỉnh thực hiện: 78.040 suất quà, với tổng kinh phí 53,6 tỷ đồng.
9.2. Hoạt động y tế, phòng, chống dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm
Tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp trở lại, hoạt động phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh được tăng cường, đảm bảo công tác y tế và chuẩn bị các điều kiện đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán năm 2021; đặc biệt triển khai quyết liệt các biện pháp: Giám sát, rà soát, xác minh tình hình dịch; tổ chức việc theo dõi và cách ly theo quy định; duy trì triển khai cách ly, quản lý người nhập cảnh, người đi từ vùng dịch về tại các cơ sở y tế, khu cách ly tập trung, khách sạn...đảm bảo an toàn; chuẩn bị đủ vật tư, hóa chất đáp ứng công tác phòng chống dịch, xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn. Lập danh sách các đội phòng, chống dịch và tổ chức thường trực phòng, chống dịch sẵn sàng đáp ứng các tình huống xảy ra; thành lập các đoàn kiểm tra công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, thiết bị, phân công cán bộ trực dịch 24/24 giờ để phục vụ công tác khám chữa bệnh và phòng chống dịch, ngộ độc và ứng phó kịp thời khi có các tình huống đặc biệt khác xảy ra và tham gia hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới. Kiện toàn các đội phản ứng nhanh, cấp cứu ngoại viện.
Kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh covid-19: Hiện tại đang thực hiện cách ly điều trị cho 16 trường hợp tại các cơ sở y tế; 92 trường hợp tại khu cách ly tập trung của tỉnh (Trung đoàn 833); tại nhà 1.119 trường hợp. Tổng số ca mắc Covid-19: 05 ca (Bệnh nhân 1565, 1652, 1702, 1977 và 2141). Trong đó, bệnh nhân 2141 được ghi nhận trong đêm ngày 11/02/2021 tại thôn Nhiêu Đậu, xã Lâm Thao, huyện Lương Tài. Các trường hợp này đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, hiện tại sức khỏe ổn định.
9.3. Giáo dục và đào tạo
Bước vào những tháng đầu của học kỳ II, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 666/CT-BGDĐT ngày 24/8/2020 của Bộ GDĐT; Chỉ thị số 09/CT-UBND tỉnh ngày 07/9/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm học 2020-2021 của ngành Giáo dục; công văn số 1558/SGDĐT-TCHC ngày 10/9/2020 hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2020-2021, sở GDĐT xây dựng phương hướng nhiệm vụ học kỳ II, năm học 2020-2021. Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa cho học sinh, sinh viên theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy; Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19; hướng dẫn công tác tổ chức đón, nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GDĐT, Tỉnh ủy và UBND tỉnh; Chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn hoạt động dạy học và nắm bắt tình hình trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19 dịp nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh; Tiếp tục chỉ đạo triển khai, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1; biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương đối với lớp 2, lớp 6; tài liệu giảng dạy Dân ca Quan họ Bắc Ninh và Bơi tự chọn trong trường học.
9.4. Văn hoá thông tin, thể dục thể thao
Trong tháng, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện công tác tuyên truyền trực quan tại các khu dân cư bằng hình thức treo băng rôn, panô, treo cờ Tổ quốc,vv… với nội dung: Mừng Đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Tân Sửu năm 2021;…. Thư viện tỉnh triển khai trưng bày phòng đọc sách, báo Xuân Tân Sửu 2021 với chủ đề “Đảng quang vinh - Bác Hồ vĩ đại - Dân tộc anh hùng” diễn ra từ ngày 01/02/2021 đến hết ngày 03/3/2021. Bảo tàng tỉnh tổ chức trưng bày chuyên đề “Từ Đại hội đến Đại hội” nhân dịp kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam và chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XIII. Trưng bày chuyên đề “Di tích và Lễ hội truyền thống tỉnh Bắc Ninh” từ ngày 22/01/2021 đến hết tháng 3/2021. Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức Hội thi hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh xuân Tân Sửu. Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh chuẩn bị các điều kiện tổ chức chương trình nghệ thuật đón Giao thừa xuân Tân Sửu tại Tượng đài Lý Thái Tổ, thành phố Bắc Ninh vào tối 11/02/2021 (tức 30 tháng Chạp năm Canh Tý). Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội, kinh doanh dịch vụ văn hóa, quảng cáo trong dịp Tết Nguyên đán đảm bảo đúng yêu cầu về phòng chống dịch. Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng trong quản lý hoạt động kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, cấp phép xuất nhập khẩu, xuất bản văn hóa phẩm, các chương trình biểu diễn nghệ thuật trước, trong và sau dịp Tết; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những sai phạm, không để xảy ra vụ việc phức tạp.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo tạm dừng các hoạt động sự kiện, chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật, hoạt động văn hóa, thể dục thể thao…; các lễ hội, nghi lễ tôn giáo tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự trên địa bàn tỉnh để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.
9.5. An ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông
An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội: Công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong tháng chủ yếu triển khai các kế hoạch công tác bảo đảm an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.Tăng cường công tác quản lý xuất nhập cảnh, quản lý cư trú, hoạt động của người nước ngoài tại địa phương. Tích cực kiểm tra, kịp thời phát hiện số đối tượng người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài nhập cảnh trái phép vào địa bàn để chủ động công tác đảm bảo ANTT và phòng, chống dịch COVID-19. Toàn tỉnh xảy ra 18 vụ đánh bạc với 112 đối tượng, tổ chức đánh bạc 1 vụ, 19 đối tượng, đồng thời khởi tố 19 vụ cờ bạc với 102 đối tượng; chứa mại dâm 1 vụ, 7 đối tượng, môi giới mại dâm 1 vụ, 5 đối tượng và đã khởi tố xử lý 2 vụ mại dâm, 12 đối tượng.
Trước diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, tỉnh thành lập các Chốt kiểm soát liên ngành phòng chống dịch Covid-19 tại các vị trí giáp ranh với tỉnh Hải Dương, cụ thể: 02 chốt cấp tỉnh, 12 chốt cấp huyện, 15 chốt cấp xã. Đồng thời, phối hợp rà soát, truy vết, xác minh các trường hợp liên quan đến các ca nhiễm bệnh Covid-19; tiếp tục phối hợp thực hiện phương án đảm bảo ANTT trong cách ly, phòng chống dịch Covid-19.
Tình hình an toàn giao thông: Trong tháng, toàn tỉnh xảy ra 4 vụ TNGT, làm chết 5 người và 1 người bị thương; các lực lượng chức năng đã xử phạt 1.560 trường hợp vi phạm luật giao thông, nộp kho bạc 2,3 tỷ đồng
9.6. Tình hình cháy, nổ và vi phạm môi trường
Công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH): Thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC tăng cường thực hiện giám sát, kiểm tra công tác PCCC trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các khu, cụm công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, khu dân cư, làng nghề, cơ sở vui chơi giải trí tập trung đông người, các cơ sở trọng điểm về chính trị, kinh tế, văn hóa… Trong tháng, trên địa bàn tỉnh không có vụ cháy nổ nào xảy ra.
Công tác bảo vệ môi trường: Trong tháng, cơ quan chức năng đã phát hiện 83 vụ vi phạm trong lĩnh vực môi trường với 84 đối tượng, trong đó: 44 cá nhân, 39 tổ chức, tiến hành xử lý 83 vụ và nộp kho bạc 2,9 tỷ đồng.