Báo cáo tình hình Kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2021
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, tình hình Kinh tế - Xã hội tỉnh Bắc Ninh tháng 8 và 8 tháng năm 2021 như sau:
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Tháng 8, thời tiết nắng nóng gay gắt ảnh hưởng xấu đến cây trồng, vật nuôi. Các địa phương trong tỉnh đang tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa và cây trồng vụ mùa. Chăn nuôi lợn giữ ổn định, tuy nhiên tốc độ tái đàn chậm do chi phí tăng cao.
1.1. Nông nghiệp
a) Trồng trọt
Đến nay, toàn tỉnh gieo cấy được 30.628,5 ha, đạt 98,8% kế hoạch, bằng 97% so với cùng kỳ; trong đó: cấy 22.653 ha; gieo thẳng 7.975,5 ha. Cây lúa đang giai đoạn đẻ nhánh đến phân hóa đòng. Diện tích chăm sóc cây lúa lần 2 là 20.600 ha. Đến trung tuần tháng 8, các địa phương trong tỉnh đã gieo trồng rau, màu các loại được 2.587,8 ha, bằng 105,3% cùng kỳ, trong đó: đậu tương 112 ha, đạt 77,2% kế hoạch, bằng 84,9% cùng kỳ; ngô 245,6 ha, đạt 98,2% và bằng 111,1%; lạc 197,6 ha, đạt 112,9% và bằng 89,9%; rau các loại 2.032,6 ha, đạt 96,8% và bằng 103,7%. Diện tích hoa các loại đạt 154,6 ha, bằng 198,7% so với cùng kỳ. Về cơ bản diện tích rau màu và hoa các loại sinh trưởng, phát triển khá tốt.
b) Chăn nuôi và hoạt động phòng, chống dịch, chữa bệnh động vật
Hoạt động chăn nuôi: Trong tháng, ngoài những tác động tiêu cực tới lĩnh vực trồng trọt, nắng nóng cũng ảnh hưởng tới hoạt động chăn nuôi, nhất là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn thả, … trong đó bò sữa nhạy cảm với thời tiết, nếu nắng nóng kéo dài sẽ làm giảm sản lượng sữa; vật nuôi dễ phát sinh bệnh cảm nắng, cảm nóng, nhiễm ký sinh trùng đường máu và các bệnh truyền nhiễm khác. Các trang trại, cơ sở chăn nuôi khép kín, những ngày nhiệt độ cao như hiện nay, để bảo đảm giữ mát cho khu chuồng trại, hệ thống làm mát hoạt động hết công suất, nước được bơm lên làm mát mái, hạ nhiệt độ và tắm mát cho đàn gia súc. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ giúp giảm nhiệt phần nào, đồng thời nguồn điện phải được duy trì. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chăn nuôi bởi chi phí tăng cao, tốc độ tăng trọng lượng của đàn vật nuôi bị chậm lại, dịch bệnh dễ bị bùng phát. Hiện nay, chăn nuôi trâu, bò cơ bản ổn định; đàn lợn đang dần được khôi phục song công tác tái đàn còn chậm; đàn gia cầm phát triển ổn định hơn. Tuy nhiên trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, giá lợn hơi và gia cầm đều giảm đã gây khó khăn, áp lực cho người chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn thường chứa đựng nhiều rủi ro, hiệu quả kinh tế không ổn định. Số liệu đầu con vật nuôi tính đến giữa tháng 8 và so với cùng thời điểm năm trước: Trâu 2.870 con, tăng 1,1% (+32 con); bò 26.650 con, giảm 3,2% (-871 con); lợn 286.450 con, tăng 4,6% (+12.597 con); gia cầm 5.600 nghìn con, tăng 0,7% (+39 nghìn con). Lũy kế 8 tháng, sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng ước đạt 57.300 tấn, tăng 44,8% so với cùng kỳ năm trước; riêng tháng 8 ước đạt 6.970 tấn, tăng 22,6% so với cùng tháng năm trước.
Hoạt động phòng, chống dịch, chữa bệnh bệnh động vật (Từ ngày 16/7-15/8/2021):
- Ngày 23/7, ngành chức năng phát hiện dịch bệnh cúm gia cầm (A/H5N8) tại 01 hộ chăn nuôi thuộc xã Đào Viên, H. Quế Võ làm 3.450 con vịt mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy với trọng lượng gần 5 tấn, ước tính thiệt hại khoảng 173 triệu đồng. Tính từ 23/7 đến 15/8/2021, đã qua 21 ngày, trên địa bàn tỉnh không phát sinh thêm ổ dịch mới; ngoài ổ dịch cúm gia cầm trên, không ghi nhận các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác trên đàn vật nuôi.
- Trong tháng, trên địa bàn toàn tỉnh đã tiêm phòng được 450 liều vắc-xin viêm da nổi cục ở đàn trâu, bò và 40.000 liều vắc-xin cúm gia cầm. Để chủ động phòng chống các dịch bệnh trong thời điểm giao mùa sắp tới, ngành chức năng phối hợp với các địa phương triển khai sớm kế hoạch tiêm phòng vụ hè thu, đồng thời hướng dẫn các địa phương, cơ sở chăn nuôi chú trọng các biện pháp phòng trừ dịch bệnh.
1.2. Lâm nghiệp
Tháng 8, thời tiết đang trong mùa nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, nhất là diện tích rừng các khu di tích, rừng giáp với khu dân cư. Để bảo vệ diện tích rừng trên địa bàn, các ngành chức năng đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương có rừng thực hiện tốt công tác tuần tra, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng, chỉ đạo các địa phương giám sát chặt chẽ việc đốt dọn, xử lý thực bì.... Ước tính trong tháng và so với cùng tháng năm trước, toàn tỉnh trồng được 7,5 nghìn cây phân tán lâm nghiệp các loại, tạo cảnh quan môi trường, bằng 75%; khai thác được 300m3 gỗ, giảm 13,79%; khai thác được 310 ste củi, giảm 33,33%.
Trong tháng, xảy ra 01 vụ cháy rừng trên địa bàn thành phố Bắc Ninh, diện tích cháy 0,475 ha, cháy chủ yếu là thảm cỏ và thực bì, không gây thiệt hại về cây rừng và người; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lâm nghiệp đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn Hạt kiểm lâm Gia Thuận. Số vụ vi phạm và xử lý trong tháng: 01 vụ; phạt hành chính: 40 triệu đồng; lâm sản tịch thu: 1,5 tấn gỗ Trắc tận dụng.
Lũy kế 8 tháng và so với cùng kỳ năm trước, toàn tỉnh trồng được 114,5 nghìn cây phân tán các loại; Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 2.371 m3, giảm 9,69%; khai thác 2.440 ste củi, giảm 17,78%. Gỗ, củi khai thác chủ yếu từ cây phân tán đến tuổi thu hoạch nằm trên các trục đường giao thông, trong vườn tạp của các hộ gia đình, bờ mương và một số tuyến đường cần giải phóng mặt bằng để nâng cấp, mở rộng. Sản phẩm gỗ, củi khai thác ở rừng trồng là không đáng kể vì là rừng phòng hộ.
1.3. Thuỷ sản
Trong tháng 8, nền nhiệt độ vẫn ở mức cao và đã bắt đầu bước vào thời điểm giao mùa, nên thời tiết có nhiều diễn biến thất thường, như: nắng nóng, mưa dông xen kẽ đã làm thay đổi các yếu tố trong môi trường nước (nhiệt độ, PH, oxy hòa tan, các khí NH3, NO3,...) và đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của các đối tượng thủy sản thả nuôi. Nhìn chung dịch bệnh được kiểm soát khá tốt. Tuy nhiên, một số diện tích nuôi cá rô phi trong ao đất (như: Vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) tập trung thôn Phú Thọ, xã Quảng Phú, H. Lương Tài; vùng NTTS tập trung thôn An Động, xã Lạc Vệ, H. Tiên Du); cá diêu hồng nuôi lồng trên sông Đuống tại xã Mão Điền, H. Thuận Thành bị chết rải rác. Nguyên nhân do trong quá trình nuôi, người dân không áp dụng biện pháp phòng bệnh định kỳ, cá bị nhiễm bệnh do vi khuẩn. Hiện nay, diện tích nuôi cá thâm canh trong ao đất và nuôi cá lồng trên sông tiếp tục được duy trì ổn định, cơ cấu giống cá thả nuôi được các cơ sở chú trọng theo hướng mở rộng nuôi cá có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, như: cá lăng đen (cá nheo Mỹ), cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng, cá chép giòn,vv… Tính đến giữa tháng 8, diện tích nuôi trồng trồng thủy sản có 4.820,4 ha, giảm 0,5% so với thời điểm năm trước; số lượng lồng nuôi trên sông ước đạt 2.267 lồng, tăng 9,94% so với cùng kỳ năm trước (tăng 205 lồng). Sản lượng thủy sản lũy kế đến hết tháng 8, ước đạt 24.737 tấn, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản lượng nuôi trồng là 23.945 tấn, giảm 3,5%; sản lượng thủy sản khai thác là 792 tấn, giảm 13,9%.
2. Sản xuất công nghiệp
Tháng 8/2021, chỉ số sản xuất tiếp tục đạt mức tăng so với cả 2 gốc so sánh (tháng trước +13,63% và cùng tháng năm trước +6,18%). Với mức tăng 6,18% so với cùng tháng năm trước vẫn còn ở dưới mức tăng trung bình chung một tháng trong 8 tháng qua (+15,62%), cho thấy sản xuất công nghiệp vẫn đối mặt với khó khăn, nhất là bởi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Tuy vậy, mức tăng này cũng đóng góp tích cực vào mức tăng lũy kế 8 tháng đầu năm 2021 là +9,81% (7 tháng +8,51%).
2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)
Tháng 8, IIP tăng khá (+13,63%) so với tháng trước và tăng (+6,18%) so với cùng tháng năm trước; mức tăng (+6,18%) so cùng kỳ này hiện vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trung bình chung một tháng trong 8 tháng qua (+15,62%). Xét theo ngành công nghiệp: Công nghiệp chế biến chế tạo so với tháng trước và cùng tháng năm trước lần lượt là (+13,67%) và (+6,21%); sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (+9,72%) và (+5,61%); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (+2,05%) và (-6,08%). Trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ngành SXSP điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học vẫn duy trì tốt việc sản xuất kinh doanh theo kế hoạch năm 2021, tăng khá (+15,64%) so với tháng trước và tăng (+7,43%) so với cùng tháng năm trước.
Tính chung 8 tháng, IIP đạt mức tăng (+9,81%) so với cùng kỳ năm trước đồng thời cao hơn mức tăng trung bình chung của 8 tháng trong giai đoạn 2017-2021 (+5,48%), điều đó cho thấy điểm trũng của quy mô sản xuất 8 tháng năm trước; trong đó, diễn biến ở một số ngành có khác nhau: Ngành công nghiệp chế biến chế tạo (+9,86%); sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng (+5,55%); riêng ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải vẫn tiếp tục bị giảm (-3%). Trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo: Một số ngành có chỉ số bị sụt giảm so với cùng kỳ năm trước như Dệt (-19,17%); Chế biến gỗ và SXSP từ gỗ, tre, nứa (-8,63%); Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (-4,76%); SX giường, tủ, bàn ghế (-11,65%). Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số tăng cao so với cùng kỳ năm trước như Sản xuất đồ uống (+19,81%); Sản xuất trang phục (+40,56%); Sản xuất xe có động cơ (+22,31%); Sản xuất phương tiện vận tải khác (21,73%).
2.2. Sản phẩm công nghiệp
Tháng 8, các doanh nghiệp công nghiệp tiếp tục duy trì được sản xuất ổn định. Sản phẩm chủ yếu so với tháng trước, có 17/24 sản phẩm có mức tăng, trong đó có 5 sản phẩm chủ lực là: Máy in (+73,1%); Điện thoại thường (+60,5%); Đồng hồ thông minh (+61,7%); Linh kiện điện tử (+20,5%); Pin điện thoại (+2%); có 7/24 sản phẩm bị giảm so với tháng trước, trong đó có 2 sản phẩm chủ lực là: Điện thoại di động thông minh (-19,2%); Màn hinh điện thoại (-6,9%). So với cùng tháng năm trước, chỉ có 9/24 sản phẩm có mức tăng, trong đó có 2 sản phẩm chủ lực là: Đồng hồ thông minh (+45,5%); linh kiện điện tử (+59,7%); còn lại 15/24 sản phẩm chủ yếu bị giảm, trong đó có 5 sản phẩm chủ lực là: Máy in (-30,1%); điện thoại di động thường (-11,3%); điện thoại thông minh (-34,8%); màn hình điện thoại (-52,2%); pin điện thoại (-16,6%).
Tính chung 8 tháng, do có thị trường tiêu thụ, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu đã đạt tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: Quần áo mặc thường (+59,7%); Sắt thép dùng trong xây dựng (+14,4%); Điện thoại di động thường (+23%); Đồng hồ thông minh (+23,7%); Linh kiện điện tử (+45,7%); Bình đun nước nóng (+54,2%); Tủ bằng gỗ (+14,5%). Tuy nhiên, vẫn có một số sản phẩm giảm sâu so với cùng kỳ năm trước do thay đổi điều kiện sản xuất hoặc bị cạnh tranh gay gắt bởi hàng nhập khẩu sau khi giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình các hiệp định thương mại tự do như: Màn hình điện thoại (-54,3%); Máy in (-36,1%); Vải tuyn (-33,9%); Bàn gằng gỗ các loại (33,1%); Bê tông tươi (-27,8%).
2.3. Chỉ số sử dụng lao động
Tháng 8, do làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát từ cuối tháng Tư đã ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động, đặc biệt tại các địa phương có dịch. Trước những diễn biến khó lường của dịch, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp thời điểm 01/8 so với tháng trước tiếp tục tăng (+3,2%). Tuy nhiên so với cùng thời điểm năm trước, chỉ số này giảm khá sâu (-10,01%). Xét theo loại hình doanh nghiệp: Doanh nghiệp Nhà nước so với cùng thời điểm tháng trước và cùng thời điểm năm trước lần lượt là (+0,17%) và (+2,07%); doanh nghiệp ngoài Nhà nước (+0,22%) và (-1,71%); doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (+3,87%) và (-11,75%). Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (+3,26%) và (-10,21%); ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng và điều hòa không khí giữ nguyên và (+2,77%); ngành cung cấp nước và hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (+0,32%) và (+0,54%).
Tính chung 8 tháng, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp so với cùng kỳ năm trước (-6,33%), trong đó theo ngành cấp 1: Ngành công nghiệp chế biến chế tạo (-6,32%); ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng và điều hòa không khí (+2,48%); ngành cung cấp nước và hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (-3,14%); theo loại hình doanh nghiệp: Doanh nghiệp Nhà nước (+0,28%); doanh nghiệp ngoài Nhà nước (-2,38%); doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (-7,15%).
3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Trong tháng, số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký sụt giảm so với cùng tháng năm 2020; nguyên nhân chính là dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp, một số địa phương có các địa bàn đã phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Tháng 8, toàn tỉnh có 217 doanh nghiệp gia nhập thị trường với tổng số vốn đăng ký bổ sung là 4.283 tỷ đồng, so với tháng trước, tăng 26,9% về số doanh nghiệp và gấp hơn 2,8 lần về tổng vốn đăng ký bổ sung, so với cùng tháng năm trước, giảm 11,8% về số doanh nghiệp và giảm 1,3% về số vốn đăng ký; vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp thành lập mới đạt 19,7 tỷ đồng, so với tháng trước (+22,9%) và so với cùng tháng năm trước (+11,9%); có 38 doanh nghiệp hoạt động trở lại hoạt động, so với tháng trước (-40,6%) và bằng năm trước; có 63 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tương ứng (-6%) và (+40%); 26 doanh nghiệp giải thể tự nguyện, tăng hơn 3,7 lần và (-36,8%).
Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có 1.508 doanh nghiệp gia nhập thị trường với tổng vốn đăng ký là 18.806 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước, giảm 5,6% về số doanh nghiệp, nhưng tăng cao 20,6% về tổng vốn đăng ký bổ sung. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,5 tỷ đồng, tăng 27,8%, đây cũng là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh và xu hướng phục hồi tốt so với năm trước. Bên cạnh đó, còn có 505 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 62,9%, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng đầu năm lên 2.013 doanh nghiệp, tăng 5,5%. Trung bình mỗi tháng có 252 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số liệu doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường tăng so với cùng kỳ năm trước đây là tín hiệu tốt. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục chịu tác động lớn từ dịch bệnh, thể hiện qua việc doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, có 910 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 29,1%, trong đó: 775 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 40,9%; 135 doanh nghiệp giải thể tự nguyện, giảm 12,9%. Trung bình mỗi tháng có 114 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; 190 doanh nghiệp chuyển đổi loại hình, giảm 6,9%.
Lũy kế đến 18/8/2021, trên địa bàn tỉnh có 20.436 DN đã đăng ký, tăng 12,5% so với cùng thời điểm năm trước, với tổng số vốn điều lệ đăng ký là 307.255 tỷ đồng, tăng 7,9% và 4.025 đơn vị trực thuộc, tăng 16,4%.
4. Đầu tư
Trong tháng, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các ngành chức năng và địa phương tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, công trình, so với tháng trước vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng cao (+40%). Tuy nhiên, so với cùng tháng năm trước vốn đầu tư vẫn tiếp tục bị giảm sâu do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong bối cảnh suy giảm chung, dòng vốn FDI vẫn duy trì được mức tăng trưởng tổng vốn đăng ký đầu tư là thành quả đáng khích lệ.
4.1. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước
Tháng 8, ước tính vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 493 tỷ đồng, so với tháng trước và cùng tháng năm trước lần lượt là (+40,0%) và (-32,9%), trong đó: Vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 273 tỷ đồng, (+28,3%) và (-20,6%); vốn ngân sách cấp huyện đạt 144 tỷ đồng, (+56,7%) và (-17,2%); vốn ngân sách cấp xã đạt 76 tỷ đồng, (+59,7%) và (-37,8%).
Lũy kế 8 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 3.376 tỷ đồng, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của ngân sách địa phương đạt 55,9% kế hoạch vốn năm 2021. Ước tính đến hết tháng 8, có 3 địa phương thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt trên 70% kế hoạch năm gồm: TP. Bắc Ninh, H. Quế Võ, H. Lương Tài. Ngoài ra có TX. Từ Sơn thực hiện được gần 60%. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 4 địa phương trong tỉnh thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước rất thấp, dưới 50% kế hoạch năm điển hình là: H. Gia Bình, H. Tiên Du, H. Thuận Thành, H. Yên Phong. Xét theo cấp hành chính: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh quản lý ước đạt 1.768 tỷ đồng, bằng 66,6% kế hoạch năm, giảm 22,4% so với cùng kỳ năm trước. Vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện quản lý ước đạt 1.071 tỷ đồng, bằng 48,2% và tăng 2,3%. Vốn ngân sách Nhà nước cấp xã quản lý ước đạt 537 tỷ đồng, bằng 46,2% và giảm 39,6%.
4.2. Hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Bắc Ninh, tính từ đầu năm đến ngày 20/8/2021, toàn tỉnh đã thu hút được 89 dự án đăng ký cấp mới, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tổng vốn đăng ký đạt 465,3 triệu USD, tăng 39%; điều chỉnh vốn cho 55 dự án (giảm 15 dự án), với số vốn điều chỉnh tăng là 102 triệu USD, (giảm 246 triệu USD); góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 49 lượt (giảm 34 lượt) với giá trị là 143 triệu USD (tăng 60 triệu USD); thu hồi 26 dự án (tăng 13 dự án) với tổng vốn đầu tư là 217 triệu USD (tăng 97 triệu USD). Riêng trong tháng 8, cấp mới đăng ký đầu tư cho 13 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 51,5 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 05 dự án với số vốn điều chỉnh tăng là 12,8 triệu USD; 13 lượt ra thông báo chấp thuận góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế với giá trị là 126,3 triệu USD; thu hồi 01 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là 1 triệu USD.
Lũy kế đến 20/8/2021, toàn tỉnh có 1.694 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần vốn góp đạt 20.373 triệu USD.
5. Thương mại, dịch vụ và giá cả
Quy mô hoạt động ngành thương mại, dịch vụ trong tháng 8 so với tháng trước tiếp tục tăng tuy nhiên tốc độ tăng chưa cao; trong đó một số mặt hàng thiết yếu có mức tiêu thụ khá; so với cùng tháng năm trước vẫn giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Tính chung 8 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng nhẹ 3,1%.
5.1. Lưu chuyển hàng hoá - dịch vụ
Tháng 8, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 4.605 tỷ đồng, so với tháng trước và cùng kỳ năm trước lần lượt là (+6,6%) và (-3%). Cụ thể theo ngành hoạt động: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 3.471 tỷ đồng, (+6,7%) và (-1,6%); doanh thu DV lưu trú và ăn uống đạt 472 tỷ đồng, (+0,6%) và (+9,5%); doanh thu dịch vụ đạt 663 tỷ đồng, (+10,3%) và (-15,8%); riêng dịch vụ du lịch và lữ hành tiếp tục không có doanh thu.
Tính chung 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 38.589 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động: Doanh thu bán lẻ hàng hóa, đạt 30.087 tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức bán lẻ hàng hóa và đoanh thu dịch vụ và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong doanh thu bán lẻ hàng hóa, chỉ có 4/12 nhóm hàng có chỉ số giá tăng với mức tăng từ 3,0-16,8%, trong đó tăng cao nhất là nhóm hàng hóa lương thực thực phẩm. Có tới 8/12 nhóm hàng có chỉ số giá giảm, trong đó giảm sâu nhất là nhóm hàng hóa phương tiện đi lại (kể cả phụ tùng) giảm 30,5%; doanh thu DV lưu trú và ăn uống, đạt 3.266 tỷ đồng, giảm 1,3%, trong đó: Ngành dịch vụ lưu trú vẫn giảm sâu 37,3%, dịch vụ ăn uống tăng nhẹ 0,2%; Doanh thu dịch vụ, đạt 5.233 tỷ đồng, giảm 9,4%; doanh thu du lịch lữ hành, đạt 3,1 tỷ đồng, giảm 57,7%;
5.2. Tình hình giá cả
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 giảm (-0,41) so với tháng trước, giảm chủ yếu ở nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống do ảnh hưởng của Covid-19 nên tiêu thụ giảm, trong khi nguồn cung phục hồi; CPI bình quân 8 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 0,85% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất của giai đoạn (2017-2021).
a) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
CPI tháng 8 giảm 0,44% so với tháng trước, cả 2 khu vực thành thị và nông thôn đều có mức giảm, cụ thể: Khu vực nông thôn (-0,57%); khu vực thành thị (-0,14%). CPI giảm chủ yếu do chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm có tỷ trọng tiêu dùng lớn giảm nhiều (-1,78) và giảm cả ở 2 khu vực: Khu vực nông thôn (-1,03%); khu vực thành thị (-2,43%).
- Trong 11 nhóm hàng hóa dịch vụ tiêu dùng chính tháng 8/2021 có 5 nhóm giảm giá so với tháng trước, có 3 nhóm tăng giá nhẹ, còn lại 4 nhóm giữ giá ổn định (May mặc, mũ nón và giầy dép; Thuốc và dịc vụ y tế; văn hóa, giải trí và du lịch; Bưu chính viễn thông; Giáo dục), trong đó:
+ Trong số 5/11 nhóm giảm giá: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,78% so với tháng trước do giá gạo, thịt lợn, thịt bò giảm nhờ nguồn cung dồi dào; nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,11% do rượu các loại giảm 0,8%, thời tiết nóng nhu cầu về rượu giảm; nhóm giao thông giảm 0,16%, phương tiện đi lại giảm 0,82% do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu mua xe máy và xe ô tô qua sử dụng giảm; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,06% do thể thao và giải trí giảm do các hoạt động này bị hạn chế; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,02% do hàng hóa và dịch vụ cá nhân giảm 0,07% chủ yếu do các mặt hàng túi xách, vali, ví và đồ trang sức giảm do hiện nay nhu cầu giảm.
+ Trong 3/11 nhóm tăng giá nhẹ có nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao nhất 0,35% do giá điện (bởi thời tiết nong, lượng điện tiêu dùng tăng) và giá ga tăng.
- So với cùng tháng năm trước, CPI tăng 0,75%, trong 11 nhóm hàng có 7 nhóm hàng hóa dịch vụ có chỉ số tăng, tăng cao nhất là nhóm giao thông (+8,62%), do giá xăng dầu tăng cao; tiếp theo là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng (+5,57%) do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng (+6,03%), giá điện tăng 7%, giá ga và các chất đốt khác tăng rất cao (+29,74%), 5 nhóm hàng còn lại có mức tăng giá thấp hơn từ 0,22-1,77%; có 4 nhóm hàng hóa dịch vụ có chỉ số giảm, giảm nhiều nhất là nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (-6,7%) do du lịch trong nước giảm sâu (-19,6%), vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
CPI bình quân 8 tháng đầu năm 2021 tăng 0,85% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục duy trì mức tăng thấp nhất của giai đoạn (2017-2021) và cũng thấp hơn rất nhiều so với chỉ số trung bình chung của giai đoạn (2017-2021), đó là 2,78%. Việc duy trì mức tăng rất thấp trong nhiều tháng qua cũng tiềm ấn nhiều thách thức bởi CPI tăng thấp phần nào phản ảnh tình trạng “sức khỏe yếu kém” của nền kinh tế, với bằng chứng rõ ràng là sức cầu thị trường tiếp tục suy yếu làm ảnh hưởng đến sự phục hồi của các doanh nghiệp và người sản xuất nhỏ. Trong 11 nhóm hàng có 7 nhóm hàng hóa dịch vụ có chỉ số tăng, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng nhiều nhất (+4,11%), do dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 5,87%, đồng thời giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao theo giá thế giới, bên cạnh đó chỉ số giá điện, ga sinh hoạt lần lượt tăng 6,9% và 10,67%. Bên cạnh các nhóm hàng tăng giá, các nhóm hàng giảm giá so với cùng kỳ năm trước đã tác động đến CPI 8 tháng đầu năm gồm có: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (-0,6%), do nguồn cung thịt lợn tăng đáng kể, làm nhóm thực phẩm (-2,15%); đồ uống và thuốc lá (-0,4%), do ảnh hưởng dịch bệnh nhu cầu đồ uống giảm đi; bưu chính viễn thông (1,02%), do nhu cầu về thiết bị điện thoại (-3,61%); văn hóa, giải trí và du lịch có mức giảm sâu nhất (-5,86%) do việc hạn chế đi lại làm cho du lịch trọn gói (-20,17%).
b) Chỉ số giá vàng và đôla Mỹ
Hiện nay thị trường vàng đang bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau khi nền kinh tế toàn cầu đối mặt với lạm phát gia tăng và sự phục hồi chậm lại do Covid-19. Chỉ số giá vàng trên địa bàn tăng 0,75% so với tháng trước nhưng giảm 5,26% so với cùng tháng năm trước, so với tháng 12/2020 giảm 4,39%. Tính chung chỉ số giá vàng bình quân 8 tháng đầu năm vẫn tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước (+11,88%).
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 8 giảm nhẹ 0,45% so với tháng trước đồng thời cũng giảm 1,1% so với cùng tháng năm trước và giảm 0,94% so với tháng 12/2020. Chỉ số giá đô la Mỹ bình quân 8 tháng đầu năm 2021 giảm 0,97% so với cùng kỳ năm trước.
5.3. Xuất, nhập khẩu
Dịch Covid tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, trong nước và trên địa bàn tỉnh làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2021 ước tính đạt 7.014 triệu USD, giảm 1,2% so với cùng tháng năm trước. Các doanh nghiệp có vốn ĐTTNN vẫn tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất nhập khẩu khi kim ngạch xuất, nhập khẩu 8 tháng đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng ước tính xuất siêu 2.974 triệu USD.
Xuất khẩu hàng hóa: Trong tháng 8, kim ngạch xuất ước đạt 3.649 triệu USD, so với tháng trước và cùng kỳ năm trước lần lượt là (+3,2%) và (-6,4%), trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 3.639 triệu USD, (+3,3%) và (-5,9%). Về mặt hàng xuất khẩu, điểm sáng là mặt hàng điện thoại và linh kiện điện thoại chiếm tỷ trọng chủ yếu và lớn nhất đều có mức tăng ở 2 gốc so sánh, (+2,9%) và (+2,6%). Tính chung 8 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 26.062 triệu USD, đạt 71,4% kế hoạch năm 2021, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 25.992 triệu USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo mặt hàng xuất khẩu: Nổi bật vẫn là mặt hàng điện thoại & linh kiện và mặt hàng máy vi tính và linh kiện chiếm tỷ trọng lớn nhất có mức tăng rất cao 30,7%, ngoài ra mặt hàng nguyên liệu hàng dệt may và da giày tuy chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng có mức tăng cao nhất 71%. Tuy nhiên, có một số sản phẩm giảm rất sâu như: sản phẩm từ chất dẻo (-97,7%); gỗ và sản phẩm bằng gỗ (-99%).
Nhập khẩu hàng hóa, hoạt động nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, do các doanh nghiệp sản xuất phải áp dụng các biện pháp phòng dịch phần nào ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất. Trong tháng 8, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 3.365 triệu USD, so với tháng trước và cùng kỳ năm trước lần lượt là (+7,3%) và (5,1%), trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 3.329 triệu USD, (+7,5%) và (5,8%), cùng xu hướng với xuất khẩu mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất linh kiện điện tử, điện thoại đều có tăng ở 2 gốc so sánh, ước đạt 2.486 triệu USD, (+8,1%) và (+8,2%) . Tính chung 8 tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 23.088 triệu USD, đạt 71,5% kế hoạch năm 2021, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhập khẩu 17.249 triệu USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm là kim loại thường khác tăng hơn 2,5 lần; sắt thép các loại tăng hơn 2,4 lần; TAGS & NPL chế biến (+34,5%) và mặt hàng chủ lực chiếm tỷ trọng lớn nhất là linh kiện điện tử, điện thoại (+28,3%).
Cán cân thương mại hàng hóa, xuất siêu tháng 8 ước đạt 283,5 triệu USD, bằng 7,7% kim ngạch xuất khẩu. Ước tính 8 tháng đầu năm 2021, xuất siêu 2.974 triệu USD, trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 3.300 triệu USD.
6. Giao thông vận tải
Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến ngành vận tải. Tháng 8, lượng hành khách vận chuyển đã tăng cao (+26,6%) so với tháng trước, tuy nhiên, so với cùng tháng năm trước vẫn giảm rất sâu (-63,5%); vận tải hàng hóa mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh ít hơn so vận tải hành khách; dịch vụ hỗ trợ vận tải vẫn giữ ổn định. Tính chung 8 tháng, vận chuyển hành khách giảm (-41,9%), vận chuyển hàng hóa giảm (-8,2%), riêng dịch vụ hỗ trợ vận tải vẫn đạt mức tăng khá cao (+26%).
6.1. Sản lượng vận tải
Vận tải hành khách: Dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực đến hoạt động vận tải hành khách. Tháng 8, ước tính đạt 586,2 nghìn lượt khách vận chuyển, so với tháng trước và cùng tháng năm trước lần lượt là (+26,6%) và (-63,5%); luân chuyển được 29,1 triệu lượt khách.km, (+22,1%) và (-60,6%). Xét theo ngành vận tải: Vận tải hành khách đường bộ ước đạt 563 nghìn lượt khách, (+26,9%) và (-62,5%), đồng thời luân chuyển được 29,1 triệu lượt khách.km, (+22,1%) và (-60,6%); đường thủy đạt 23 nghìn lượt khách, (+21%) và (-77,8%), luân chuyển được 0,02 triệu lượt khách.km, (+19,8%) và (-73,5%). Tính chung 8 tháng, ước tính đạt 6.502 nghìn lượt khách, giảm 41,9% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 314 triệu lượt khách.km, giảm 39,6%. Xét theo ngành vận tải: Vận chuyển hành khách đường bộ ước đạt 6.120 nghìn lượt khách vận chuyển, giảm 62,3%, luân chuyển 314 triệu lượt khách.km, giảm 39,6%; vận chuyển hành khách đường thủy ước đạt 382 nghìn lượt khách vận chuyển, giảm 35,7%; luân chuyển đạt 0,27 triệu lượt khách.km, giảm 34%.
Vận tải hàng hoá, ngoài ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, việc đi lại bị hạn chế hơn thì giá xăng dầu liên tục tăng là những nguyên nhân khách quan làm ảnh hưởng không nhỏ đến vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Tháng 8, ước tính đạt 2,5 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, so với tháng trước và cùng kỳ năm trước lần lượt là (-0,1%) và (-24,5%); luân chuyển đạt 145 triệu tấn.km, (+3%) và (-15,2%). Tính chung 8 tháng, ước tính khối lượng vận chuyển được 22 triệu tấn hàng hóa, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển đạt 1.138 triệu tấn.km, giảm 5,2%. Xét theo ngành vận tải: Vận tải hàng hóa đường bộ khối lượng vận chuyển được 17 triệu tấn hàng hóa, giảm 8,8%, khối lượng luân chuyển được 494 triệu tấn.km, giảm 8,1%; vận tải hàng hóa đường thủy khối lượng vận chuyển được 5 triệu tấn hàng hóa, giảm 6,4%, khối lượng luân chuyển được 644 triệu tấn.km, giảm 2,8%.
6.2. Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải
Trong tháng 8, ước tính doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 516 tỷ đồng, so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước lần lượt là (+1,6%) và (-14,9%), trong đó: Vận tải hành khách ước đạt 37 tỷ đồng, (+20,9%) và (-64,7%) do khối lượng vận chuyển và luân chuyển hành khách giảm vì ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19; vận tải hàng hóa ước đạt 201 tỷ đồng, (+2,7%) và (-20%); dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 278 tỷ đồng, (-1,3%) và (+11,1%), hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải bắt đầu có xu hướng giảm xuống so với cùng tháng năm trước do lượng hàng hóa sản xuất giảm sút vì dịch bệnh, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu lưu giữ hàng hóa, sử dụng các dịch vụ logistics, bốc xếp, khi xuất, nhập các nguyên vật liệu, hàng hóa giảm đi. Tính chung 8 tháng, ước tính doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 4.563 tỷ đồng, tăng 2,3%. Xét theo loại hình kinh tế: Nhà nước ước đạt 138 tỷ đồng tăng 18,4%; ngoài Nhà nước đạt 2.246 tỷ đồng giảm 11%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2.179 tỷ đồng, tăng 19,7%. Xét theo ngành vận tải, chỉ có ngành vận tải hàng hóa và dịch vụ hỗ trợ vận tải có mức tăng là 26%; còn lại ngành vận tải hành khách vẫn giảm khá sâu (-43,3%) do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19; vận tải hàng hóa ít bị ảnh hưởng hơn nên (-5,2%).
7. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực SXKD, hạn chế hoạt động của doanh nghiệp, loại hình cơ sở kinh tế khác trên địa bàn tỉnh…, là nguyên nhân chính ảnh hưởng nguồn thu ngân sách Nhà nước. Tháng 8/2021, thu ngân sách Nhà nước tiếp tục giảm mạnh so với tháng trước(-47,8%) đồng thời giảm (-39,6%) so với cùng tháng năm trước. Tuy nhiên các nhiệm vụ chi ngân sách vẫn được đáp ứng kịp thời, đầy đủ, chú trọng các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội, công tác phòng chống dịch Covid-19.
Thu ngân sách Nhà nước: Tháng 8, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 1.191 tỷ đồng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước lần lượt là (-47,8%) và (-39,6%), trong đó: thu nội địa đạt 1.841 tỷ đồng (-47,4%) và (-38,9%); thu từ Hải quan đạt 350 tỷ đồng (-48,6%) và (-41,1%). Tính chung 8 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 20.045 tỷ đồng, bằng 72% dự toán năm 2021, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thu nội địa đạt 15.245 tỷ đồng bằng 68,3% và tăng 2,4%; thu từ Hải quan đạt 4.800 tỷ đồng bằng 87% và tăng 19,9%.
Chi ngân sách địa phương: Tháng 8, tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 1.443 tỷ đồng giảm 3,4% so với tháng trước đồng thời giảm 9,7% so với cùng tháng năm trước, trong đó chi đầu tư phát triển là 700 tỷ đồng, so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước lần lượt là (-8,7%) và (-15,9%); chi thường xuyên (+2,3%) và (-2,8%). Tính chung 8 tháng, tổng chi sách địa phương ước đạt 11.164 tỷ đồng, bằng 61,2% dự toán năm 2021, so với cùng kỳ năm trước giảm 3%, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 6.648 tỷ đồng vượt dự toán năm 13% nhưng vẫn giảm 12,2%%; chi thường xuyên đạt 5.002 tỷ đồng bằng 49,6% và tăng 1%.
8. Ngân hàng - Tín dụng
Vượt qua hàng loạt khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, ngành Ngân hàng tiếp tục hoạt động ổn định và đạt được nhiều kết quả tích cực: Thị trường được củng cố, thanh khoản dồi dào, lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp, áp dụng các gói ưu đãi lãi suất cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch, đồng thời tiếp tục triển khai các chương trình giảm lãi suất đối với khoản vay hiện hữu theo chỉ đạo của Hội sở chính, mức giảm từ 0,34-3,15%/năm; tỷ giá tiếp tục ổn định.
Các chi nhánh NH tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của NHNN về lãi suất huy động và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên nhằm đẩy mạnh lưu thông vốn tín dụng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh. Trong tháng, nguồn vốn huy động trên địa bàn biến động tăng (do tiền gửi huy động từ tổ chức tăng mạnh). Dự tính đến cuối tháng 8, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 187.000 tỷ đồng, so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước và so với thời điểm cuối năm 2020 lần lượt là (+1,8%), (+16,3%) và (+10,4%). Tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 8, ước đạt 110.100 tỷ đồng, so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước và so với thời điểm cuối năm 2020 lần lượt là (+0,6%), (+21,5%) và (+8,9%).
Các chi nhánh NH, TCTD trên địa bàn tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của NHNN Việt Nam và của Hội sở chính trong triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, thu hồi nợ xấu, đặc biệt xem xét giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng chưa có khả năng trả nợ đến hạn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh do đó nợ xấu tăng gấp 1,98 lần cùng kỳ năm trước và 2,15 lần thời điểm cuối năm 2020. Dự kiến đến hết 30/8/2021, nợ xấu là 2.670, tỷ lệ nợ xấu là 2,43%.
9. Một số vấn đề xã hội
9.1. Lao động, giải quyết việc làm, an sinh xã hội
Các ngành chức năng tập trung hướng dẫn các doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (tổng hợp danh sách số lượng người lao động đề nghị tiêm, hướng dẫn thực hiện gói hỗ trợ của theo các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ). Thực hiện hỗ trợ người lao động ảnh hưởng Covid-19. Kết quả thực hiện hỗ trợ đến thời điểm 17/8/2021, toàn tỉnh có 7.158 doanh nghiệp và tổ chức ảnh hưởng, với 461.206 người lao động và đối tượng bị ảnh hưởng được đề xuất hỗ trợ, với tổng số kinh phí 67.251 triệu đồng, trong đó đã thực hiện 24.076 triệu đồng đến các đối tượng ảnh hưởng bởi đại dịch Covid. Tiếp nhận thẩm định nội dung 05 bản đăng ký nội quy lao động, 03 bản thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp; 16 doanh nghiệp khai báo sử dụng 150 máy móc thiết bị yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ. Các ngành chức năng có liên quan thẩm định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài tại 39 doanh nghiệp, với 59 vị trí việc làm. Rà soát người Hàn Quốc và Đài Loan có nhu cầu tiêm vắc xin phòng Covid-19. Hướng dẫn thực hiện hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Trong tháng chấp thuận sử dụng 179 vị trí lao động người nước ngoài làm việc cho doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, cấp 71 giấy phép lao động, xác nhận 46 trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép; trung tâm dịch vụ việc làm đã tư vấn việc làm, chính sách lao động cho 5.632 lượt lao động. Tiếp nhận và giải quyết 1.700 hồ sơ đề nghị giải quyết trợ cấp thất nghiệp. Tổ chức phiên tuyển dụng lao động theo hình thức online kết nối 11 tỉnh khu vực phía Bắc, thu hút 48 lao động đến làm việc tại Bắc Ninh.
Công tác an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo; hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện quy định mới về chính sách trợ giúp đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Tổ chức triển khai các hoạt động Kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh liệt sĩ. Kết quả, toàn tỉnh có 81.811 lượt suất quà tặng đến đối tượng người có công tại các huyện, thị xã, thành phố và đối tượng nuôi dưỡng chăm sóc ở các đơn vị, tổng kinh phí 48,3 tỷ đồng, trong đó bằng nguồn Trung ương ủy quyền tặng 24.902 đối tượng, số tiền 7,58 tỷ đồng, tặng 25.938 suất từ ngân sách tỉnh trên 33 tỷ đồng, quà tặng từ ngân sách cấp huyện 9.786 suất, số tiền 3,76 tỷ đồng, quà từ cấp xã và doanh nghiệp tặng 21.185 người, số tiền 3,83 tỷ đồng. Tổ chức các đoàn lãnh đạo tỉnh đi tặng quà đối tượng người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học nhân Kỷ niệm 60 năm ngày thảm họa da cam tại Việt Nam. Đề xuất UBND tỉnh tiêm vacxin đối với người có công.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em; kế hoạch hành
động phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; tổng hợp thông tin trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đề xuất giải pháp hỗ trợ; Hỗ trợ trẻ em bị nhiễm Covid-19 và trẻ em thuộc diện phải cách ly y tế theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến hết ngày 10/8/2021 có 897 trẻ em được hỗ trợ, với số tiền 487 triệu đồng. Đẩy mạnh các hoạt động, công tác phòng chống ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác.
9.2. Hoạt động y tế, phòng, chống dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm
Trong thời gian qua tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát và từng bước được đẩy lùi; tuy nhiên đến ngày 15/8/2021 trên địa bàn tỉnh xuất hiện chùm ca bệnh liên quan đến ổ dịch Viettel Post huyện Lương Tài. Để kịp thời ngăn chặn, không để dịch lây lan xâm nhập vào cộng đồng, ngành Y tế đã phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Ban chỉ đạo tỉnh phòng, chống dịch Covid-19 và triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch chủ động như: Thiết lập vùng cách ly y tế toàn bộ huyện Lương Tài để phòng chống dịch Covid-19; lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 diện rộng trên địa bàn huyện Lương Tài; triển khai thí điểm cách ly y tế tại nhà phòng, chống dịch Covid-19 cho người tiếp xúc gần (F1) trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; … Tình hình mắc, tử vong một số bệnh truyền nhiễm gây dịch trên địa bàn tỉnh như sau:
Dịch bệnh Covid-19: (Từ ngày 29/4 - đến 6h00’ ngày 16/8/2021), toàn tỉnh ghi nhận 1.759 ca mắc Covid-19 tại 08 huyện, thị xã, thành phố; toàn tình hiện đang điều trị cho 35 bệnh nhân, trong đó không có trường hợp nặng, 01 trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính, 1.676 bệnh nhân đã được xuất viện; toàn tỉnh có 1.289 trường hợp đang cách ly tại cơ sở y tế và khu cách ly tập trung; trên địa bàn toàn tỉnh có 02/126 xã, phường xếp loại nguy cơ rất cao, 05/126 xã, phường xếp loại nguy cơ cao, 07/126 xã, phường xếp loại nguy cơ; 07/08 huyện, thị xã được xếp loại Bình thường mới, huyện Lương Tài được xếp loại nguy cơ cao theo quy định tại Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG.
Đối với bệnh truyền nhiễm khác gây dịch: Trong tháng, không ghi nhận trường hợp mắc Sốt xuất huyết Dengue; 6 trường hợp mắc Thủy đậu; 57 trường hợp cúm, 02 trường hợp nghi Sởi/rubella. không ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh dịch truyền nhiễm gây ra trên địa bàn tỉnh.
Công tác tiêm chủng: Tính đến 6h00’ ngày 16/8/2021, trên toàn tỉnh đã tiêm được 354.650 mũi vắc-xin COVID-19 cho 302.292 người, trong đó có 249.934 người được tiêm mũi 1, có 52.358 người được tiêm đủ 2 mũi.
Số trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện: Trong tháng là 01 ca, thực hiện rà soát đối tượng nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, tổng số đối tượng nhiễm HIV/AIDS quản lý trên địa bàn tại thời điểm báo cáo là 839 người, trong đó số chuyển sang giai đoạn AIDS là 133 trường hợp; trong tháng ghi nhận 02 trường hợp tử vong do nhiễm HIV/AIDS. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng tiếp tục được khống chế dưới 0,3%.
Công tác an toàn thực phẩm: Trong tháng không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Ngành chức năng đã tăng cưởng kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã tiến hành xét nghiệm test nhanh: 19 mẫu, trong đó: Số mẫu đạt: 19 mẫu (chiếm 100%) trong đó 02 mẫu kiểm tra hàm lượng Foocmol, 10 kiểm tra hàm lượng hàn the, 06 mẫu kiểm tra phẩm mầu, 01 mẫu kiểm tra ôi khét dầu mỡ.
9.3. Giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ
Giáo dục và đào tạo, trong tháng, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện các biện pháp về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. chỉ đạo các đơn vị tiến hành kiểm tra, đánh giá cuối học kỳ II năm học 2020-2021 đối với học sinh các cấp học; học viên các trung tâm GDTX, GDNN-GDTX; sinh viên trường CĐSP đến trường hoàn thành các nhiệm vụ năm học 2020-2021; tiếp tục triển khai công tác bồi dưỡng giáo viên hè 2021 và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo kế hoạch: rà soát, chỉ đạo đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên lớp 1, lớp 2 và lớp 6; bồi dưỡng giáo viên cốt cán; tiếp tục chỉ đạo công tác tăng cường cơ sở vật chất trường học, chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới 2021-2022. Trong đợt thi tốt nghiệp THPT năm 2021: Kết quả toàn tỉnh có 776 lượt học sinh đạt từ 27,0 điểm trở lên. Trong đó khối A có 127 lượt học sinh, khối B có 56 lượt học sinh, khối C có 69 lượt học sinh, khối D có 254 lượt học sinh, khối A1 có 168 lượt học sinh và khối D07 có 99 lượt học sinh; 462 bài thi có điểm 10 tuyệt đối; điểm trung bình chung toàn tỉnh đạt 6,53, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt 98,96% (đứng thứ 19 toàn quốc).
9.4. Văn hoá thông tin, thể dục thể thao, phát thanh truyền hình
Các hoạt động văn hóa, thông tin địa phương trong tháng tuyên truyền tập trung các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7), 100 năm ngày sinh Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo (08/8/1921 - 08/8/2021), 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021); ngày Cách mạng tháng Tám (19/8) và Quốc khánh (2/9), ngày truyền thống ngành Văn hóa - Thông tin (28/8); tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Hoạt động chiếu phim, khai thác chương trình phim, tổ chức chiếu phim theo kế hoạch gắn với các chủ đề tuyên truyền đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống bạo lực gia đình, các tệ nạn xã hội…;
Thể dục thể thao: Duy trì nề nếp sinh hoạt và tập luyện của vận động viên tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh đồng thời đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19; tạm hoãn các giải thể thao và hoạt động dịch vụ tại Nhà thi đấu do tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Phát thanh truyền hình: Phát thanh, sản xuất và phát sóng 93 chương trình thời sự tổng hợp, 186 chương trình chuyên đề, chuyên mục, 31 chương trình văn nghệ, ca nhạc, phát sóng 511,5 giờ, chất lượng tốt; Truyền hình, sản xuất phát sóng 186 chương trình thời sự tổng hợp, 93 chương trình tạp chí, chuyên mục, chuyên đề, 77,5 chương trình văn nghệ, 77,5 chương trình thể thao, 31 chương trình dành cho thiếu nhi, Phát sóng 744 giờ, chất lượng tốt; Thông tin điện tử: Upload 62 chương trình truyền hình, 31 chương trình phát thanh, 31 chương trình sân chơi, tạp chí, chuyên mục, tổng số lượt người truy cập trong tháng 71.300 người.
9.5. An ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông
An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội: Duy trì cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, phòng chống dịch Covid-19, tuần tra canh gác, kiểm soát quân sự bảo đảm an toàn. Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tiếp tục ổn định. Tháng 8/2021, toàn tỉnh xảy ra 54 vụ phạm pháp hình sự (tăng 15 vụ so với tháng trước) làm 6 người bị thương, tài sản thiệt hại trên 2 tỷ đồng; điều tra làm rõ 51 vụ, 104 đối tượng, đạt tỷ lệ điều tra 94,45. Đáng chú ý công an tỉnh đã triệt xóa 02 đường dây làm giả giấy xét nghiệm Covid-19 trên địa bàn. Phát hiện, bắt giữ 06 vụ cờ bạc với 31 đối tượng (giảm 1 vụ so với tháng trước), thu giữ 295 triệu đồng, đồng thời khởi tố 06 vụ, 31 bị can; bắt giữ và khởi tố 02 vụ, 02 đối tượng mại dâm (bằng so với tháng trước); phát hiện mới 33 vụ việc, 53 đối tượng vi phạm về kinh tế (tăng 23 vụ, 43 đối tượng), khởi tố 10 vụ, 30 bị can, xử phạt hành chính 18 vụ, 18 đối tượng với số tiền phạt 363,5 triệu đồng; phát hiện, bắt giữ 55 vụ, 110 đối tượng mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý (giảm 9 vụ nhưng tăng 11 đối tượng); thu giữ 9,14g Heroin, 166,02g ma tuý tổng hợp.
Tình hình an toàn giao thông: 8 tháng đầu năm 2021, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh giảm cả 3 tiêu chí, toàn tỉnh xảy ra 50 vụ TNGT, (giảm 08 vụ so với kỳ năm trước), làm chết 39 người, (giảm 06 người) và làm 17 người bị thương, (giảm 05 người). Riêng trong tháng 8, xảy ra 08 vụ TNGT, so với tháng trước và cùng kỳ năm trước lần lượt là (giảm 01 vụ và bằng năm trước); làm chết 06 người (bằng tháng trước và tăng 01 người); làm bị thương 01 người (giảm 03 người và giảm 04 người).
9.6. Phòng chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường
Công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH): Trong tháng, thời tiết nắng nóng, nguy cơ cháy nổ cao, do vậy Cảnh sát PCCC tăng cường thực hiện giám sát, kiểm tra công tác PCCC trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các khu, cụm công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, khu đông dân cư, làng nghề, cơ sở vui chơi giải trí tập trung đông người,vv... nên đã không xảy ra vụ cháy nào trong các khu vực nói trên nhưng vẫn có xảy ra 1 vụ cháy rừng tại phường Vân Dương, TP. Bắc Ninh, tuy mới chỉ cháy phần thảm cỏ và thực bì, không có thiệt hại về cây rừng và người. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ cháy, làm chết 3 người, làm thiệt hại 141 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước giảm 7 vụ cháy, tăng 2 người chết, tăng hơn 125 tỷ đồng.
Công tác bảo vệ môi trường: Trong tháng 8, các ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra, phát hiện 49 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm (so với tháng trước tăng 02 vụ), đồng thời xử lý vi phạm hành chính 64 vụ, xử phạt 36 cá nhân, 28 tổ chức, với số tiền phạt hơn 6,2 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến nay các cơ quan chức năng đã phát hiện 391 vụ vi phạm môi trường và đã xử lý 344 vụ với tổng số tiền xử phạt 22,7 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm trước phát hiện tăng 10 vụ, đã xử lý tăng 15 vụ, số tiền xử phạt tăng 17,7 tỷ đồng). Về xử lý tình trạng môi trường ở Phong Khê, TP. Bắc ninh và Phú Lâm, H. Tiên Du đến nay tình trạng ô nhiễm môi trường đã giảm hẳn, đường giao thông sạch sẽ, công thoát nước được khơi thông, nên tình trạng hôi thối, khói bụi giảm nhiều...
Biểu tình hình KTXH tháng 8 và 8 tháng năm 2021./.