Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Bắc Ninh

29/08/2012 11:54
Một trong những thành tựu tiêu biểu và nổi bật là Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Ca trù là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Múa rối nước Đồng Ngư (xã Ngũ Thái, Thuận Thành) đã được kiểm kê, lập hồ sơ khoa học và đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ảnh: T.C
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Quan họ Bắc Ninh” với nhiều nội dung và giải pháp tích cực, tạo được sự đồng thuận xã hội và đạt hiệu quả.
 
Đối với di sản văn hóa phi vật thể, từ năm 2011 tới nay, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành kiểm kê và lập hồ sơ khoa học cho 11 di sản đặc sắc, tiêu biểu đề nghị UBND tỉnh trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội Kinh Dương Vương (xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành); lễ hội rước nước chùa Phả Lại (xã Đức Long, huyện Quế Võ); lễ hội Đền Đô (phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn); làng nghề Gò đồng Đại Bái (xã Đại Bái, huyện Gia Bình); làng nghề Giấy dó Đống Cao (Phong Khê, thành phố Bắc Ninh); làng nghề Dệt Đình Cả (xã Nội Duệ, huyện Tiên Du); làng nghề Tơ tằm Vọng Nguyệt (huyện Yên Phong); làng nghề đúc đồng Quảng Bố (xã Quảng Phú, huyện Lương Tài); hội Dâu (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành); Nghề truyền thống tranh dân gian Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành); múa rối nước Đồng Ngư (xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành).
 
Đây là những di sản văn hóa có lịch sử văn hóa truyền thống lâu đời, mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương hiện vẫn được gìn giữ và phát triển cho đến hôm nay. Việc đề nghị đưa những di sản văn hóa trên vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa các di sản và nâng cao ý thức người dân trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa tại địa phương.
 
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá vật thể cũng được ngành quan tâm nghiên cứu đề nghị nhà nước xếp hạng các di tích lịch sử văn hoá nhằm bảo tồn và phát huy giá trị theo Luật Di sản văn hoá. Đến nay, toàn tỉnh đã có 458/1.259 di tích được Nhà nước xếp hạng bảo vệ, trong đó, 194 di tích cấp quốc gia và 264 di tích cấp tỉnh. Hai di tích chùa Dâu và chùa Phật Tích đang được ngành hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp loại di tích quốc gia đặc biệt quan trọng. Các hiện tượng vi phạm Luật Di sản văn hóa trong quản lý và sử dụng di tích cơ bản được ngăn chặn và khắc phục…
 
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia chống xuống cấp các di tích lịch sử văn hoá, ngoài nguồn ngân sách Nhà nước, Bắc Ninh đã huy động sự đóng góp của toàn dân và các nguồn lực xã hội với hàng nghìn tỷ đồng, hàng triệu ngày công cho việc bảo tồn và tu bổ di tích nên không chỉ khắc phục tình trạng xuống cấp của nhiều di tích mà còn tu bổ, tôn tạo, phục dựng ngày càng bền vững, tôn nghiêm, thiết thực phục vụ cho phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng làng văn hóa, khu phố văn hóa.
 
Các di tích cách mạng tiêu biểu và công trình văn hóa lớn được tập trung đầu tư xây dựng như: Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Ngô Gia Tự, khu tượng đài và công viên Hoàng Quốc Việt; khu tượng đài và quảng trường Lý Thái Tổ, trùng tu tôn tạo Văn miếu Bắc Ninh, chùa Dâu, chùa Phật Tích…
 
Bên cạnh đó, việc xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình văn hóa lớn như: Bảo tàng, Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc… không những đáp ứng nhu cầu bảo tồn và phát huy di sản văn hóa mà còn thiết thực phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước và quê hương Bắc Ninh.
 
Ngoài ra các hoạt động nghiên cứu, tuyên truyền và giới thiệu truyền thống văn hiến, cách mạng cũng như các di sản văn hóa Bắc Ninh thường xuyên được triển khai và đạt hiệu quả tốt. Có thể nói, với sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là có sự tham gia tích cực của cộng đồng nhân dân, sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hoá ngày càng được xã hội hoá sâu sắc, tạo sức lan tỏa rộng lớn.
 
Các tổ chức xã hội nghề nghiệp như: Hội di sản văn hoá Bắc Ninh, Hội sưu tầm nghiên cứu cổ vật Kinh Bắc, Hội những người yêu dân ca quan họ Bắc Ninh… cùng với hàng trăm, hàng nghìn câu lạc bộ văn hoá nghệ thuật, các đội văn nghệ cơ sở, câu lạc bộ Quan họ… đang hoạt động ngày càng có hiệu quả, thu hút nhiều thành phần, lực lượng xã hội tham gia, huy động sự đóng góp to lớn về trí tuệ, sức lực và kinh phí của nhiều tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh và nước ngoài cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hoá trên quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc, thiết thực góp phần vào công cuộc xây dựng tỉnh Bắc Ninh giàu đẹp, dân chủ và văn minh.
Võ Thị Thúy Hằng
Nguồn: BBN