Chùa Cổ Lũng (Chùa Đình Cả)

09/11/2022 07:30

(BNP) – Chùa Cổ Lũng (xã Nội Duệ, huyện Tiên Du) vốn được xây dựng thời Lê (1680 -1705) với quy mô lớn. Trải qua thăng trầm lịch sử, chùa đã nhiều lần trùng tu tôn tạo, ngày càng khang trang tố hảo. Chùa nằm ở phía Bắc của làng, phía bên kia đường sắt, quay hướng Tây Bắc, bên phải là đền, xung quanh giáp cánh đồng.

Lối vào Chùa Cổ Lũng.

Chùa Cổ Lũng là công trình văn hóa tín ngưỡng có lịch sử lâu đời. Hiện chùa còn bảo lưu được nhiều tài liệu, hiện vật quý có niên đại từ thời Lê - Nguyễn như: cây hương đá, bia đá, tượng thờ...

Tòa Tam bảo.

Chùa là nơi thờ Phật, thờ Mẫu, thờ Tổ và thờ Hậu, là nơi giúp con người gạt bỏ tham, sân, si để hướng đến những giá trị “chân, thiện, mỹ”Theo tài liệu ghi chép lại, vợ chồng Quận công Đỗ Nguyễn Thụy là người đã bỏ tiền ra trùng tu chùa; Tiền đường, Hậu đường được sắp xếp với quy mô cao, rộng, hành lang tả hữu uy nghi, chính điện được tu chỉnh, lầu chuông nguy nga tráng lệ... Ngoài ra, Quận công còn cho mở rộng và dựng gác chuông.

Tiền đường 9 gian, xung quanh có hiên.

Bộ khung được bào soi kỹ lưỡng, chạm nổi hình rồng mây.

Hiện chùa có kiến trúc kiểu nội công ngoại quốc và bao gồm các công trình: Toà Tam bảo, dãy Hành lang, Nhà khách, Gác chuông, Nhà Hậu đường, Nhà điện...

Ban thờ tại Tòa Tam bảo.

Tam bảo gồm Tiền đường 9 gian, ống muống 1 gian và Thượng điện 3 gian tạo thành mặt bằng kiến trúc hình chữ Công. Tiền đường 9 gian, xung quanh có hiên, kiến trúc kiểu “chồng giường giá chiêng” kết hợp với “kẻ truyền”, bào soi kỹ lưỡng chạm nổi hình rồng mây.

Hệ thống tượng Phật bằng gỗ thế kỷ XIX.

Ống muống là gian nối giữa Tiền đường và Thượng điện. Thượng điện 3 gian, bộ khung gỗ lim chắc khoẻ, gồm 3 hàng cột dọc và 3 hàng cột ngang liên kết bởi 4 bộ vì kiến trúc kiểu “chồng rường giá chiêng”.

Chuông đồng thế kỷ XX.

Hai dãy hành lang cùng nhìn vào tòa Tam bảo, mỗi dãy gồm 6 gian. Các gian được liên kết với nhau bởi các hàng cột gỗ lim chắc chắn. Nơi đây dùng để khách thập phương nghỉ ngơi, đón tiếp khách mỗi khi có sự lệ hay tổ chức các hoạt động tại chùa.

Nhà thờ Mẫu.

Nhà Hậu đường và tòa gác chuông gồm 7 gian 2 dĩ. Gác chuông làm theo lối 4 hàng cột, 2 gian hai bên trốn cột cái, nổi bật trên nhà Hậu đường với 4 đầu đao cong vút, đỉnh nóc rồng hóa chầu mặt nguyệt, xung quanh sàn chấn song con tiện hòa nhập với cảnh sắc của chùa.

Cây hương đá thế kỷ XVII (Chính Hòa 16-1695).

Bia “Trùng tu Cổ Lũng tự miếu bi ký” TK XVIII (Vĩnh Hựu 5-1739).

Bia “Hậu Phật bi ký” thế kỷ XVII - 1695.

Nhà điện 4 gian kề bên nhà Hậu đường về bên phải, kiến trúc kiểu “bình đầu cánh miếng, cột trụ cây đèn”, gồm 2 tòa: trong và ngoài. Bộ khung chịu lực bằng gỗ lim bào soi không chạm khắc.

Không gian thoáng mát, yên tĩnh tại chùa.

Hàng năm, hội chùa Cổ Lũng được tổ chức cùng với hội làng (13 tháng Giêng). Ngoài ra vào các ngày tiết lệ, lễ thượng Nguyên (15 tháng Giêng), Lễ Phật đản (08 tháng 4), Lễ Vu lan (15 tháng 7)... nhân dân vẫn thường tổ chức dâng hương lễ Phật cầu sức khỏe, bình an.

Chùa Cổ Lũng được xếp hạng là di tích Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia, Quyết định số 74-VH/QĐ ngày 02/02/1993.                                                                                                 

A.T