Chùa Khánh Lâm
(BNP) - Chùa Khánh Lâm còn gọi là chùa Chằm (thôn Công, xã Mão Điền) vốn là ngôi chùa chung hai xã Mão Điền xưa (Mão Điền Đông và Mão Điền Đoài), nay theo sự phân chia địa giới các thôn, chùa hiện nằm trên địa phận thôn Công.
Tam bảo chùa Khánh Lâm.
Chùa hiện tọa lạc trên bãi Cao, nằm ở phía Tây Bắc của thôn Công, quay hướng Nam. Trong chùa có nhiều cây cổ thụ xanh tốt tạo cảnh quan thâm u, tĩnh mịch.
Tam quan chùa Khánh Lâm.
Chùa gồm các công trình chính: Tam quan, Tam bảo, Nhà tổ, Nhà mẫu và các công trình phụ của chùa.
Cửa bức bàn thượng song hạ bản.
Tam quan nằm phía trước Tam bảo, theo nhân dân địa phương, xưa Tam quan chùa Khánh Lâm được làm bằng gỗ rất to và đẹp nhưng đã bị phá năm 1979. Tam quan hiện nay được dựng lại vào năm 1989, đổ bê tông 3 tầng. Tầng trên nhỏ gọi là tầng chóp, tầng thứ 2 treo chuông đồng, tầng dưới là lối đi được cuốn vòm.
Ngôi chùa được trang trí chạm khắc tinh xảo nghệ thuật.
Tam bảo có kiến trúc hình chữ Đinh, kiểu “đầu hồi bít đốc, cột trụ cánh phong”, mái lợp ngói mũi, giữa bờ nóc đắp nổi tên chùa “Khánh Lâm tự”. Tiền đường 5 gian, ba gian giữa mở cửa bức bàn thượng song hạ bản, hai gian bên trổ cửa sổ hình chữ thọ tròn.
Bàn thờ chính.
Bộ khung tiền đường được làm bằng gỗ lim, liên kết với nhau bởi 6 hàng cột ngang, 4 hàng cột dọc. Kết cấu vì làm theo kiểu “con chồng giá chiêng, cốn, bẩy”, trên các mảng cốn, bẩy, thanh rường, được trang trí chạm khắc các đề tài hoa lá cách điệu.
Thượng điện 3 gian, bộ khung gỗ lim liên kết với nhau bởi 16 cây cột ngang dọc, kết cấu vì được làm theo lối “con chồng giá chiêng”, xà nách gác tường, hai bên hồi và hậu xây gạch kín, có trổ cửa ngách hai bên.
Hệ thống tượng bằng gỗ có niên đại thời Nguyễn.
Nhà Tổ: nằm phía sau Tam bảo gồm 5 gian và một gian chuôi vồ, toàn bộ cột, xà được làm bằng chất liệu bê tông, mái lợp ngói. Nhà Mẫu: nằm chếch phía trước nhà tổ, phía hồi phải của thượng điện, Công trình này được nhân dân tu bổ năm 2001 gồm 5 tiền đền, 1 gian hậu cung.
Trên các mảng cốn, bẩy, thanh rường, được trang trí chạm khắc cách điệu.
Bộ khung làm bằng chất liệu bê tông cốt thép, riêng phần khung mái làm bằng gỗ, mái lợp ngói mũi. Kết cấu vì làm theo lối “con chồng giá chiêng”, quá giang gác tường, phía trước mở cửa ở 3 gian giữa, hai gian bên xây gạch kín, trang trí cửa sổ hình chữ Thọ tròn, hai hồi bít đốc, cột trụ cánh phong.
Bức hoành phi có niên đại thời Nguyễn.
Hiện chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật tiêu biểu như: 01 bia “Trùng tu Khánh Lâm tự bi tạo” niên đại Vĩnh Tộ 1 (1626); 01 bia “Hậu bi ký” niên đại Tự Đức 5 (1852); 01 bia, niên đại thời Nguyễn; chuông cổ, hoành phi, câu đối, bát hương có niên đại thời Nguyễn...
Bát hương đồng thời Nguyễn.
Hội chùa Khánh Lâm được mở vào ngày mồng 1 đến ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm, là một trong những lễ hội lớn, thu hút đông đảo nhân dân và phật tử trong vùng. Đặc biệt vào những năm chẵn, hội được tổ chức quy mô lớn với nghi thức “thỉnh kinh rước nước”.
Bát biểu.
Ban thờ Phật bà Quan Âm.
Hệ thống bia đá cổ có niên đại thời Nguyễn.
Chùa Khánh Lâm được Nhà nước xếp hạng là di tích Lịch sử - văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 1160 /QĐ-UBND ngày 30/08/2012.