Chùa Nội Viên (Viên Quang tự)
(BNP) – Chùa Nội Viên (xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du) vốn được khởi dựng từ lâu đời. Thời Lê Trung Hưng, chùa được trùng tu mở rộng với quy mô lớn. Trong kháng chiến chống Pháp, ngôi chùa đã bị phá dỡ để tiêu thổ kháng chiến. Đến năm 2006, chùa được xây lại mới hết bằng bê tông, cốt thép.
Cổng vào chùa Nội Viên.
Chùa nằm ở xóm Tây, tọa lạc trên thửa đất rộng hơn 1.000 m2, mặt hướng phía Nam, 3 phía còn lại giáp với khu dân cư đông đúc của làng. Giống như tất cả các ngôi chùa khác, chùa Nội Viên được dựng lên để thờ Phật, thờ Mẫu, thờ các vị tổ sư, là trung tâm sinh hoạt tôn giáo đạo Phật của nhân dân địa phương.
Tiền đường 3 gian 2 chái, chồng diêm 2 tầng 8 mái đao cong.
Hiện nay chùa có quy mô khá lớn. Tòa Tam bảo có kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm: Tiền đường 3 gian 2 chái, chồng diêm 2 tầng 8 mái đao cong. Thượng điện 3 gian, mái lợp ngói ta; bộ khung vững chắc bằng bê tông cốt thép, đắp trang trí “tứ linh”, “tứ quý” và hoa lá.
Các mái đao cong.
Tiền đường 3 gian 2 chái.
Tiền đường 3 gian 2 chái, bộ khung được làm bằng chất liệu bê tông cốt thép, kết cấu vì nóc theo kiểu con chồng giá chiêng, được liên kết bởi 4 hàng cột dọc và 6 hàng cột ngang.
Gian thờ chính trong chùa.
Gian giữa có màn giếng, đắp nổi hình “tứ linh hội tụ” đó là 4 linh vật long, ly, quy, phượng đang bay múa rất nghệ thuật. Tường xây bít kín 2 đầu hồi và 2 gian phía trước. Cửa mở ở 3 gian giữa theo kiểu “Thượng song hạ bản”.
Gian giữa có màn giếng, đắp nổi hình “tứ linh hội tụ”.
Bộ khung vững chắc, đắp trang trí hoa lá.
Thượng điện 3 gian, được liên kết bởi 4 hàng cột dọc và 4 hàng cột ngang. Tường xây bít đốc hậu và 2 bên hồi, mở 2 cửa ngách ở 2 bên hồi để thông với những công trình phụ trợ khác.
Các pho tượng Phật được chạm khắc tinh xảo.
Cho đến nay, chùa Nội Viên còn bảo lưu được một số cổ vật thời Lê - Nguyễn quý giá, như: tượng Tam thế thời Nguyễn; pho tượng Adida thời Nguyễn; cây hương đá thời Lê Trung Hưng…
Cây hương đá thời Lê Trung Hưng.
Chùa Nội Viên là trung tâm sinh hoạt tôn giáo thờ đạo Phật của nhân dân địa phương. Tại đây các ngày tuần rằm, mồng một, các ngày lễ, Tết nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, Vu lan báo hiếu, ngày Phật đản (15 tháng 4), rằm tháng Bảy... nhân dân địa phương tới chùa dâng lễ Phật, gửi gắm ước vọng cho bản thân và gia đình.
Gian nhà Mẫu.
Tượng Quan Thế âm Bồ tát.
Chùa Nội Viên với các công trình kiến trúc và đồ thờ tự có giá trị về mặt thẩm mỹ, nghệ thuật, có ý nghĩa trong nghiên cứu, tìm hiểu kiến trúc và đồ thờ tự truyền thống của dân tộc.
Chùa Nội Viên được xếp hạng là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh, Quyết định số 988/QĐ-UBND, ngày 29/7/2008.