Nhà thờ họ Nguyễn Công đón nhận Bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh
(BNP) - Sáng 18/2, UBND phường Đông Ngàn (thành phố Từ Sơn) tổ chức Lễ trao nhận Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh Nhà thờ họ Nguyễn Công.
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh Nhà thờ họ Nguyễn Công cho phường Đông Ngàn.
Đến dự có lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý di tích tỉnh, thành phố Từ Sơn.
Họ Nguyễn Công là một trong những dòng họ lớn được thành lập sớm ở khu Phù Lưu, phường Đông Ngàn. Hiện nay, tại nhà thờ họ Nguyễn Công còn bảo lưu cuốn gia phả bằng giấy dó, được biên chép vào tháng 4 năm Thành Thái 14 (1902). Nội dung gia phả cho biết Cụ tổ đầu tiên của dòng họ Nguyễn Công là cụ ông Nguyễn Công, hiệu Trung Tín phủ quân và Cụ bà Nguyễn chính thất Chu Lệnh Thị, hiệu Trinh Thành nhụ nhân, sinh được 5 người con và phân làm 5 chi. Trong đó có cụ Nguyễn Quý Công, tên thụy Phúc Trung, tự Hoằng Dũ phủ quân được coi là trưởng chi thứ nhất. Cụ tham dự kỳ thi Hương khoa thi năm Giáp Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng 35 (1774) (đời vua Lê Hiển Tông) và đỗ Hương cống, làm quan đến chức Hàn Lâm viện Trước tác, lĩnh Lâm Thao phủ trấn phủ.
Căn cứ theo phả đồ của các chi thì đến nay dòng họ Nguyễn Công đã nối được khoảng 15 đời và được phân bổ chủ yếu ở Phù Lưu (phường Đông Ngàn, thành phố Từ Sơn), Hòa Đình (phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh) và thành phố Hà Nội với khoảng 500 xuất đinh.
Lễ rước Bằng xếp hạng về Nhà thờ họ Nguyễn Công.
Nhà thờ họ Nguyễn Công là nhà thờ đại tôn của gia tộc, nơi tôn thờ cụ Thủy tổ cùng các vị trưởng chi của dòng họ. Trải thời gian, nhà thờ bị xuống cấp và đã qua nhiều lần tôn tạo sửa chữa, dấu tích trùng tu thời phong kiến gần nhất vào niên hiệu Bảo Đại 6 (1930).
Hiện nay, nhà thờ có kiến trúc hình chữ Nhị gồm Tiền đường và Hậu đường. Tiền đường 5 gian có kiến trúc kiểu "bình đầu bít đốc". Tại vị trí mặt trước của mái ngói được xây dựng hệ thống "tường hoa chắn mái" chạy dài suốt 5 gian, kiểu kiến trúc cung đình Huế, trang trí khá công phu, mang dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn (đầu Thế kỷ XX). Toà Hậu đường 5 gian, kiến trúc kiểu "bình đầu bít đốc tay ngai cột trụ cánh phong". Bộ khung chịu lực bằng gỗ lim. Điêu khắc trang trí tập trung chủ yếu tại các bức cốn, con chồng, đấu kê với các đề tài tứ linh, tứ quý, hoa văn triện dải, lá lật.
Nhà thờ họ Nguyễn Công.
Hiện nhà trong thờ còn bảo lưu được nhiều tài liệu, cổ vật, đồ thờ tự có giá trị như: gia phả, hoành phi, câu đối… đây là những di vật, cổ vật, tài liệu chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, mặt khác còn cung cấp nhiều thông tin quý giá về truyền thống vẻ vang của dòng họ cũng như của quê hương Phù Lưu trước đây.
Họ Nguyễn Công tổ chức sinh hoạt giỗ họ hai lần, vào các ngày 28 tháng Giêng (giỗ tổ bà) và 25 tháng 6 (giỗ tổ ông).
Với những giá trị của di tích, Nhà thờ họ Nguyễn Công được Chủ tịch UBND tỉnh cấp Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa, Quyết định số 1049/QĐ-UBND ngày 24/10/2022.