Cụm di tích Lăng và Đền thờ Cao Lỗ Vương - Người chế tạo “nỏ thần”
(BNP) - Đền thờ Cao Lỗ Vương cổ kính, linh thiêng nằm trên bãi bồi ven sông Đuống thuộc thôn Đại Trung (tên nôm là làng Lớ, xã Cao Đức, huyện Gia Bình). Đây là nơi ghi dấu, tưởng niệm và tôn vinh bậc thiên tài quân sự buổi bình minh lịch sử của dân tộc ta, người có công giúp An Dương Vương chế tạo ra “nỏ thần”, dựng thành Cổ loa đánh tan quân giặc Triệu Đà bảo vệ Nhà nước Âu Lạc.
Cổng vào Đền thờ Cao Lỗ Vương.
Theo sử liệu và văn vật của địa phương truyền lại: Cao Lỗ Vương họ Cao tên Lỗ, lại có tên là Thông, sinh tại thôn Sỹ Lộ, trang Đại Than, tổng Vạn Ty, huyện Gia Bình, phủ Thuận Thành, bộ Vũ Ninh (Bắc Ninh xưa).
Đền thờ Cao lỗ vương.
Ngay từ nhỏ, ông đã tỏ ra là người thông minh, hiếu học, khi trưởng thành văn võ đều hơn người và được nhân dân địa phương tôn làm Đô Lỗ. Sau theo phò vua An Dương Vương đánh giặc, nhờ lập được nhiều công trạng, ông được phong tước Hầu. Khi An Dương Vương xây thành Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội ngày nay), ông được giao việc thiết kế, xây dựng thành. Thành xây xong, ông lại chế tạo “nỏ thần” - một kỳ công về kỹ thuật quân sự thời cổ, góp phần quan trọng trong việc chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước. Truyền rằng, nỏ thần do tướng quân Cao Lỗ chế tạo cực mạnh, có thể bắn một phát hàng trăm mũi tên, tiêu diệt được hàng trăm tên giặc, vì vậy được gọi là Linh Quang thần nỏ.
Do có công với dân với nước nên trải qua các đời Vua, triều đại sau này đều có sắc phong ban tặng cho ông là Thượng đẳng Thần. Nhân dân quanh vùng tại quê hương ông cũng đã lập Đền thờ để tưởng nhớ và ghi nhận công ơn của vị tướng quân trung nghĩa với nước, với dân. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, mặc dù đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng Đền thờ tướng quân Cao Lỗ Vương vẫn giữ được dấu ấn kiến trúc điêu khắc của hai thời Lê - Nguyễn.
Khu vực tiền tế, Đền Cao Lỗ Vương.
Đền hiện có quy mô khá lớn bao gồm: Đền Ngoài, Đền Trung và Đền Thượng với kết cấu kiến trúc kiểu “tiền Công, hậu Quốc”. Trong Đền có những bộ khung gỗ với nét chạm khắc hoa văn tinh xảo và mái ngói ẩn hiện dưới những hàng cây cổ thụ thâm nghiêm hướng ra sông Đuống, bao quanh là trời mây, sông nước càng khiến cho cảnh quan nơi đây trở nên yên bình và thơ mộng.
Khu vực hậu cung, thờ Cao Lỗ Vương.
Cùng với hệ thống tượng thờ, Đền thờ Cao Lỗ còn bảo lưu được 20 đạo sắc phong do các triều Vua ban tặng, trong đó, sắc phong cổ nhất còn lưu lại có niên đại Cảnh Hương 4 (1796), sắc phong cận đại nhất có niên đại Khải Định 9 (1924); hệ thống hoành phi, câu đối, ngai thờ, bài vị, siêu đao bát biểu; đôi sấu đá cùng nhiều đồ thờ tự cổ quý khác.
Những tài liệu cổ vật này vừa là chứng tích lịch sử minh chứng cho sự tồn tại của ngôi đền, vừa là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu của hai thời Lê - Nguyễn.
Ngai thờ bài vị trong khu vực hậu cung của Đền.
Hai bên tượng thờ Cao Lỗ Vương là tượng thờ Lục bộ.
Bên tay phải của Đền Cao Lỗ Vương là ngôi Miếu thổ thần.
Với những giá trị đặc sắc về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, Đền thờ Cao Lỗ Vương được UBND tỉnh Hà Bắc (cũ) xếp hạng từ năm 1988, đến năm 2005 được Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đây cũng là một trong 14 điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Cổng vào lăng mộ.
Cùng với Đền thờ, lăng mộ Cao Lỗ Vương được đặt tại làng Tiểu Than, xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình.
Theo những sử liệu, thần tích còn lưu truyền, Cao Lỗ người quê vùng Lục Đầu- Bình Than, trong cuộc chiến đấu đánh đuổi giặc Triệu Đà bảo vệ nhà nước Âu Lạc, ông đã anh dũng hy sinh ở chân thành Cổ Loa, thi hài được hổ tha về quê. Dân làng trông thấy liền kéo nhau ra đánh đuổi hổ và làm lễ an táng ông, dấu tích xưa còn đó là lăng mộ ông tại làng Tiểu Than.
Bia đá tại lăng mộ Cao Lỗ Vương.
Bên trong khu vực mộ Cao Lỗ Vương.
Bao quanh khu lăng mộ Cao Lỗ Vương là các cột đá xanh và tường kiên cố.
Những năm gần đây, khu di tích Lăng và Đền thờ Cao Lỗ Vương được quan tâm đầu tư với kinh phí hàng chục tỷ đồng trùng tu, nâng cấp, mở rộng nhiều hạng mục một cách khang trang và trở thành điểm đến tham quan, du lịch hấp dẫn cho du khách thập phương.