Di tích lịch sử cấp tỉnh Nghè Bươu
(BNP) - Nghè Bươu (thôn Lộ Bao, xã Nội Duệ, huyện Tiên Du) vốn được khởi dựng từ năm 1798, nơi thờ Thái úy Lý Thường Kiệt, một nhà quân sự kiệt xuất, có tài thao lược lỗi lạc, phá Tống bình Chiêm, một nhà chính trị tài giỏi và ngoại giao xuất sắc, người anh hùng dân tộc bậc nhất của đời Lý mà tên tuổi và sự nghiệp vẫn sáng chói mãi trong lịch sử vinh quang của dân tộc.
Toàn cảnh Nghè Bươu.
Nghè Bươu là nơi phụng thờ Thái úy Lý Thường Kiệt, người có công với triều Lý và dân tộc, đặc biệt là người chỉ huy đánh tan quân Tống xâm lược nước ta thế kỷ XI. Đây là nơi Thái úy Lý Thường Kiệt cùng quân binh tập kết trước khi trên đường đến phòng tuyến sông Như Nguyệt để đánh quân Tống. Nhân dân nơi đây tưởng nhớ, nhớ ơn và đã lập miếu để phụng thờ ngài.
Tòa Tiền tế làm theo kiểu "bình đầu bít đốc tay ngai".
Hiện Nghè Bươu có kết cấu mặt bằng kiểu chữ Nhị gồm có 2 công trình: Tiền tế và Hậu cung. Tòa Tiền tế làm theo kiểu "bình đầu bít đốc tay ngai", trụ biểu lồng đèn, 2 mái lợp ngói vẩy hến. Hệ khung chịu lực làm bằng gỗ xà cừ gồm 6 bộ vì tạo thành 5 gian. Mỗi bộ vì có 2 hàng chân cột, kết cấu như sau: Bốn bộ vì gian giữa có kết cấu kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ ngồi bảy hiên”, hai bộ vì gian hồi có kết cấu kiểu “thượng chồng rường cốn giữa, hạ kẻ ngồi bảy hiên”.
Hai hồi xây tường trổ cửa hình chữ “Thọ”.
Hệ thống cửa thượng song hạ bản mở 3 gian giữa, hai hồi xây tường trổ cửa hình chữ “Thọ”. Kiến trúc chủ yếu được bào trơn đóng bén, không chạm khắc hoa văn trang trí.
Gian thờ trong tòa Tiền tế.
Hậu cung 3 gian là công trình kiến trúc cổ còn bảo lưu của thời Tây Sơn (1798). Kiến trúc Hậu cung kiểu “bình đầu bít đốc”. Hệ chịu lực bằng gỗ lim gồm 4 bộ vì tạo thành 3 gian. Mỗi bộ vì có 4 hàng chân cột kết cấu như sau: vì nóc kiểu “vì kèo trụ giữa, xà lòng”, vì nách kiểu “kẻ truyền”.
Phía trước là hệ thống cửa bức bàn ở cả 3 gian. Điêu khắc trang trí trên đầu kẻ với đề tài “rồng”.
Các câu đối thế kỷ XX.
Hàng năm, lễ hội truyền thống của Lộ Bao được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng. Sáng ngày 11 làm lễ mở cửa đình, bao sái ngai bài vị, cắm cờ quạt lọng tàn. Chiều 11 tổ chức yết kiến các vị thần tại các nghè. Sáng ngày 12 tổ chức rước bát hương các vị thần tại miếu, các nghè về đình để tổ chức lễ hội.
Ngai thờ thế kỷ XX.
Bộ chấp kích thế kỷ XX.
Giá văn thế kỷ XX.
Sau phần tế của làng là phần tế lễ của các dòng họ, các gia đình và những người con của quê hương đi làm ăn xa, dịp hội làng trở về để tế thánh cầu cho cuộc sống được bình an, ấm no, gia đình hạnh phúc. Sáng ngày 14 tế xuất tịch, chiều làng làm lễ rước các ngài về an vị tại nghè, miếu và làm lễ tạ.
Cây cối xanh mát xung quanh khuôn viên Nghè Bươu.
Nghè Bươu đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 2309/QĐ-UBND, ngày 19/12/2018.