Di tích lịch sử đình Hòa Đình
(BNP) - Đình Hòa Đình, khu Hoà Đình, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh vốn được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng với quy mô to lớn, chạm khắc tứ linh, tứ quý. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình bị tiêu thổ. Năm 2003, nhân dân địa phương đã góp công, góp của phục dựng lại ngôi đình mới trên nền xưa đất cũ với dáng vẻ kiến trúc truyền thống.
Nghi môn đình Hoà Đình làm theo kiểu tứ trụ.
Căn cứ vào bản thần tích còn lưu tại đình cho biết, đình Hòa Đình thờ thành hoàng là Đô thống Lê Phụng Hiểu và hai danh tướng thời Lý có công phò giúp Lý Thái Tông lên ngôi vua và đánh giặc Chiêm Thành là Lê Cả và Lê Hai.
Tòa Đại đình có kiến trúc hình chữ Nhất.
Lai lịch, công trạng của các ngài được tóm tắt như sau: Lê Phụng Hiểu sinh ngày 6 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (982), từ nhỏ đã mồ côi cha mẹ, được ông bà Lê Thừa nhận nuôi. Ngay từ nhỏ, Lê Phụng Hiểu đã bộc lộ tư chất thông minh, tinh thông võ nghệ. Lê Cả và Lê Hai là hai người con trai sinh đôi của ông bà Lê Thừa, hai ông sinh ngày 6 tháng 2 năm Giáp Thìn. Ba ông đều là những danh tướng giỏi dưới thời vua Lý Thái Tổ và được nhà vua trọng dụng.
Bờ nóc đắp nổi lưỡng long chầu nguyệt.
Bấy giờ, đất nước có giặc Chiêm Thành nhòm ngó, ba ông đã theo vua Lý Thái Tổ đi dẹp giặc và được phong thưởng. Sau này, khi vua Lý Thái Tổ mất, các ông đã phò Thái tử Phật Mã lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Lý Thái Tông, thiên hạ thái bình, nhân dân no ấm.
Bên trong gian thờ chính tại đình.
Bức hoành phi.
Bộ sưu đao bát bửu.
Vua phong cho ba ông Lê Phụng Hiểu, Lê Cả và Lê Hai được hưởng thực ấp tại huyện Tiên Du, ba ông bái tạ nhà vua, trở về nhiệm sở, xây dựng doanh trại ở trang Lôi Đình (nay là Hoà Đình). Lê Phụng Hiểu hóa ngày 4 tháng Tư, hai ông Lê Cả và Lê Hai hóa ngày 15 tháng 12. Sau khi các ông mất, nhà vua đã cho trùng tu miếu điện để thờ phụng các ông tại trang Lôi Đình.
Nét kiến trúc chạm khắc tinh xảo trong đình.
Hiện đình Hòa Đình gồm các công trình Nghi môn làm theo kiểu tứ trụ, tòa Đại đình có kiến trúc hình chữ Nhất gồm 5 gian 2 chái 4 mái đao cong, cửa mở 3 gian giữa, hệ thống cửa thượng song hạ bản. Đình có bộ khung gỗ to lớn liên kết bởi 10 hàng cột ngang, 6 hàng cột dọc, kết cấu vì nóc kiểu “giá chiêng chồng rường”, vì nách có kết cấu kiểu “cốn chồng rường”. Trên tất cả các bộ phận vì nóc, con rường, cốn, bẩy, đầu dư... đều chạm khắc, trang trí tứ linh, tứ quý và hoa lá cách điệu nghệ thuật.
Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Các hiện vật tiêu biểu gồm: 01 hương án, 01 đỉnh đồng, 01 đôi hạc, 01 bộ sưu đao bát bửu, 01 hoành phi, 07 đôi câu đối thế kỷ XXI.
Hồ bán nguyệt phía trước đình tạo không gian cảnh quan cho di tích.
Lễ hội truyền thống hàng năm của đình Hòa Đình được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng 2 âm lịch. Trong những ngày hội có nhiều trò chơi đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân như hát Quan họ, tuồng, chèo, đu cây, thi vật, bóng chuyền, bóng đá... đã thu hút đông đảo nhân dân địa phương tham gia, hướng về nguồn cội.
Cổng vào khu phố Hoà Đình.
Đình Hòa Đình đã được xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 56/QĐ – UBND ngày 18/1/2011.