Di tích lịch sử nhà thờ họ Nguyễn

15/05/2023 07:30

(BNP) - Họ Nguyễn ở thôn Phú Trên, xã Phú Hoà, huyện Lương Tài là một trong 14 dòng họ trong thôn có bề dày lịch sử. Nhà thờ họ Nguyễn là công trình kiến trúc được dòng họ xây dựng vào năm Ất Dậu (1825) để thờ cúng tổ tiên và các vị đỗ đạt của gia tộc. Trải qua thời gian, nhà thờ được tu bổ nhiều lần. Năm 2001, toàn thể gia tộc đã góp công góp của xây dựng lại nhà thờ của dòng họ như hiện nay.

Nhà thờ họ Nguyễn.

Nhà thờ họ Nguyễn là công trình kiến trúc được dòng họ xây dựng để thờ cúng tổ tiên và các vị đỗ đạt của gia tộc. Gian giữa của Từ đường phụng thờ thủy tổ Nguyễn Quý Công, tự Phúc Toàn, hiệu Minh Thông. Ngoài ra, còn có: Nguyễn Công tự Phúc Sinh, hiệu Đoan Nghiên; Nguyễn Công tự Trung Tín; Nguyễn Công tự Đăng Tiên, hiệu Phúc Hiền; Nguyễn Công tự Đăng Lưỡng, hiệu Phúc Cao; Tiến Công thứ lang hiện thừa huyện Vĩnh Khang; Nguyễn Công tự Huy Hoa, hiệu Chính Trực; Nguyễn Công tự Đăng Chuyên, hiệu Đoan Lương.

Hậu đường là nơi đặt bài vị của các vị đỗ đạt của gia tộc.

Gian bên trái thờ Ất Chi: Giáo tử đăng khoa Nguyễn Công, tự Huy Trứ, hiệu Chí Thanh, phía dưới phụ thờ thế thứ. Gian bên phải thờ Giáp Chi: Nguyễn Công tự Bá Thực, hiệu Thuần Chất. Phía dưới thờ Bính Chi: Nguyễn Công tự Lý Dã, hiệu Cần Thận, phải trái bên cạnh phụ thờ người mất sớm. Hai bên hai dải vũ, gian bên trái phụng thờ ngoại tổ họ Trần và các tiên linh; gian bên phải phụng thờ ngoại tổ họ Phương và các tiên linh.

Hoành phi “Quang tiền dụ hậu”.

Nhà thờ họ Nguyễn quay theo hướng Nam gồm 3 gian 2 chái, 4 mái đao cong, 4 hàng cột ngang và 4 hàng cột dọc. Kiến trúc vì theo kiểu kẻ truyền giá chiêng, bộ khung gỗ lim có các bộ vì và hệ thống cột liên kết chắc chắn, các cấu kiện gỗ trung bình, toàn bộ được gia công kỹ thuật soi gờ thẳng, bào trơn đóng bén, trên bờ nóc ghi “Nguyễn từ đường”.

Bia đá trong khuôn viên nhà thờ.

Nhìn chung tổng thể nhà thờ cơ bản vẫn giữ được dáng vẻ kiến trúc truyền thống. Phía trước là hệ thống cửa gỗ, gian giữa bên trong có bức cửa võng sơn son thếp vàng, phía dưới bài trí hương án và đồ thờ tự. Bên trong, Hậu đường 3 gian kết cấu kiến trúc kiểu vì kèo, bên trong xây bệ gạch 2 cấp, phía trên cùng bài trí ngai thờ, bài vị của cụ Thủy tổ và 39 bài vị thờ các bậc tiên tổ của dòng họ Nguyễn, hai bên của ban thờ chính là ban thờ Thổ công.

Các tài liệu hiện vật tiêu biểu: gồm 01 Hoành phi “Quang tiền dụ hậu”, 03 đôi Câu đối, 01 Ngai thờ, 39 Bài vị, 01 Hương án, với chất liệu gỗ sơn thếp có niên đại thế kỷ XX; 06 Bia đá thời Nguyễn.

Trên bờ nóc ghi “Nguyễn từ đường”.

Nhà thờ họ Nguyễn được xây dựng từ nửa đầu thế kỷ XIX là công trình tín ngưỡng văn hóa tiêu biểu của dòng họ, bảo lưu được 06 bia đá thời Nguyễn ghi lại cuộc đời và sự nghiệp của những bậc tiên tổ đỗ đạt trong dòng họ Nguyễn. Vì vậy nhà thờ không chỉ đơn thuần là nơi thờ tổ, là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa của gia tộc mà còn là nơi tưởng niệm sâu sắc về những bậc tiên tổ và các vị đỗ đạt của gia tộc họ Nguyễn. Đây cũng là nơi nuôi dưỡng giáo dục truyền thống học hành khoa bảng cho con cháu ngàn đời sau của gia tộc noi gương.

Nhà thờ họ Nguyễn được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 53 QĐ- UBND ngày 18/01/2011.

H.H