Đình Đẩu Hàn, phường Hòa Long

11/05/2023 07:30

(BNP) - Đình Đẩu Hàn (Thôn Đẩu Hàn, phường Hoà Long, thành phố Bắc Ninh) vốn được khởi dựng từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII) với quy mô lớn và còn để lại dấu ấn trên kiến trúc và điêu khắc. Đến thời Nguyễn, đình tiếp tục được trùng tu, tôn tạo và giữ nguyên kiến trúc đến ngày nay. Đình được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số1489/QĐ - UBND ngày 05/10/2009.

Toà Đại đình.

Đình ở vị trí trung tâm của làng, theo hướng nam, không gian thoáng đãng, mát mẻ. Xung quanh là khu dân cư đông đúc. 

Cổng chính vào đình.

Đình có kiến trúc kiểu chữ đinh gồm Đại đình và Hậu cung. Tòa Đại đình có kiến trúc kiểu 4 mái đao cong. Bộ khung chịu lực bằng gỗ lim, gồm 6 bộ vì tạo thành 5 gian 2 chái. Mỗi bộ vì gồm 4 hàng chân cột, kết cấu kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ ván mê bảy hiên”. Điêu khắc trang trí tập trung trên các bức cốn, đầu dư… với đề tài tứ linh, tứ quý, rồng ngậm ngọc. Hậu cung 3 gian nối liền và vuông góc với Đại đình. Các công trình của di tích đều trong tình trạng kỹ thuật tốt.

Một số đồ thờ tự có niên đại từ thời Lê - Nguyễn được bảo lưu tại đình.

Căn cứ vào thần tích sắc phong của đình Đẩu Hàn thì Thành hoàng làng là “Thánh Tam Giang” có công đánh giặc Lương ở thế kỷ VI và 3 vị danh thần trên núi Tản Viên thời Hùng Vương có công phù dân giúp nước. Việc tôn thờ người có công với dân với nước là truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta, nhằm giáo dục các truyền thống tốt đẹp đối với các thế hệ.

Giá trị của đình Đẩu Hàn còn được thể hiện ở lễ hội truyền thống. Theo tục lệ hàng năm, cứ đến ngày mồng 10 tháng 8 (âm lịch) đình Đẩu Hàn lại mở hội. Đẩu Hàn cũng là một trong 49 làng Quan họ gốc của xứ Kinh Bắc.

Trong đình còn bảo lưu được nhiều tài liệu cổ vật quý như: thần tích, sắc phong, ngai thờ, sập thờ, một số đồ thờ tự khác của các thời Lê - Nguyễn. Đó là những di sản văn hóa quý, không những là chứng tích của ngôi đình trong lịch sử, mà còn cho biết những thông tin về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, nghệ thuật, phong tục tập quán của làng xã nơi đây. 

Các sắc phong được treo trong đình.

Mái đình được đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt.



Mái đình mang nét đẹp truyền thống xưa.

Khuôn viên sân đình.

Cửa bức bàn được làm bằng gỗ lim.

Trước đình là hồ nước trong xanh tạo không gian thoáng mát, trong lành.

Đình Đẩu Hàn là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng cộng đồng. Những ngày sóc vọng và lễ hội truyền thống, đã thu hút đông đảo nhân dân địa phương hướng về cội nguồn, đoàn kết cộng đồng làng xã, phát huy những truyền thống tốt đẹp cho các thế hệ như: đoàn kết, yêu nước đánh giặc, cần cù sáng tạo trong lao động, học tập…và tham gia vào những sinh hoạt văn hóa văn nghệ, vui tươi, lành mạnh, mang đậm bản sắc dân tộc.

H.Y