Du lịch văn hóa, tâm linh tỉnh Bắc Ninh
Với mật độ di tích lịch sử văn hoá dày đặc, nơi được mệnh danh là “xứ sở của hội hè” - Bắc Ninh được coi là địa phương hội tụ rất nhiều tiềm năng thuận lợi để phát triển ngành du lịch, nhất là du lịch văn hóa, tâm linh.
Ít có miền quê nào lại có kho tàng văn hóa đặc sắc, đồ sộ như ở Bắc Ninh với 1.558 di tích lịch sử, 547 lễ hội lớn nhỏ, 44 làng Quan họ gốc, phong phú các loại hình diễn xướng dân gian, trong đó, nổi bật nhất là Dân ca Quan họ và Ca trù đã được thế giới vinh danh là Di sản văn hóa... Bắc Ninh cũng là miền quê của nhiều Danh nhân văn hóa, Anh hùng dân tộc, tiền bối cách mạng, là vùng đất có những làng nghề truyền thống nổi tiếng vài trăm năm như nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, đúc đồng Đại Bái, giấy Phong Khê, sắt thép Đa Hội…
Du lịch Bắc Ninh có xuất phát điểm muộn. Chỉ vài năm trở lại đây, lĩnh vực này mới bắt đầu phát triển, đây cũng là mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Ngành du lịch đã bước đầu hình thành một số tour trọng điểm như: Bên dòng Như Nguyệt (gồm các điểm đến: đền Bà Chúa Kho - làng cổ Quan họ Viêm Xá - các di tích chiến tuyến sông Như Nguyệt - làng Tiến sỹ Kim Đôi - trải nghiệm làng nghề gốm Phù Lãng); Huyền thoại một dòng sông (gồm các điểm đến: Lăng Kinh Dương Vương - chùa Dâu- chùa Bút Tháp - làng tranh Đông Hồ - chùa Phật Tích - núi Thiên Thai, đền thờ Lê Văn Thịnh - làng mây tre Xuân Lai - khu di tích Lệ Chi Viên - chùa Đại Bi - đền thờ Cao Lỗ Vương - bến Bình Than). Ngoài ra, còn nhiều tour du lịch trải nghiệm cuối tuần, khám phá làng quê Bắc Bộ hoặc các tour chuyên đề theo dòng lịch sử, khám phá chùa cổ, hành trình qua các đền thờ Thủy tổ...
Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bắc Ninh đã và đang đang tập trung hoàn thiện hệ thống tour, tuyến, điểm du lịch hấp dẫn, phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ tiện ích chất lượng cao để phục vụ du khách. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch tiếp tục phát triển mạnh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh hiện có 637 cơ sở lưu trú du lịch với 8.050 phòng (trong đó có 03 khách sạn 5 sao, 04 khách sạn 2 sao, 10 khách sạn 1 sao); 12 đơn vị kinh doanh lữ hành được cấp giấy phép…
Hiện tại, so với các hoạt động khác, du lịch văn hoá, tâm linh vẫn được coi là tiềm năng lớn và có sức hút nhất đối với du khách, nhất là du khách quốc tế, nhưng thử thách lớn nhất đối với ngành “công nghiệp không khói” này là phải vừa giữ được những nét hấp dẫn truyền thống vừa đưa vào những tiện nghi hiện đại để đáp ứng mọi kỳ vọng của du khách. Chính vì vậy, để biến tiềm năng thành thế mạnh, biến thách thức thành cơ hội thì cần phải có những giải pháp đồng bộ nhằm tập trung phát triển chất lượng nguồn lao động, chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, củng cố cơ sở hạ tầng… chuyển từ xu hướng phát triển về số lượng sang chất lượng, từ chiều rộng sang chiều sâu.
Bên cạnh đó, khởi động xúc tiến đầu tư một số dự án khu du lịch như: Khu du lịch văn hóa Quan họ Cổ Mễ tại khu vực Đồng Trầm (thành phố Bắc Ninh), Khu du lịch Đền Đầm (Từ Sơn), Khu du lịch sinh thái Thiên Thai (Gia Bình)… Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh sẽ đón 7 triệu lượt khách, thu nhập từ du lịch đạt khoảng 7.000 tỷ đồng; đồng thời trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự phát triển của quê hương Kinh Bắc – Bắc Ninh.