Gói bánh chưng – nét đẹp Tết cổ truyền

01/02/2019 15:52

(BNP) – Những ngày Tết, nhà nào cũng có ít nhất đôi ba cặp bánh chưng để thắp hương trên bàn thờ tổ tiên. Từ bao đời nay, bánh chưng trở thành món ăn đặc trưng trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc, thể hiện niềm vui, sự đoàn viên, sum họp những ngày đầu năm mới.

 
Để làm ra một chiếc bánh chưng ngon, việc chọn lựa nguyên liệu vô cùng quan trọng. Đầu tiên lá dong là loại lá bánh tẻ, dày, xanh mướt, bản rộng thì khi luộc mới có mùi thơm và thấm vào bánh. Lá được rửa sạch cả hai mặt, để ráo nước, dùng khăn sạch lau khô, tước cuống, cắt bớt ngọn và phần cuống lá.




 
Sau đó, chọn gạo nếp nhung hoặc nếp cái hoa vàng với những hạt bóng mẩy đều nhau để vỏ bánh được thơm, dẻo. Gạo nếp phải được ngâm trong khoảng 10 – 12 tiếng với nước lạnh cho gạo nở, để ráo rồi xóc muối trắng cho thêm vị đậm đà. 
 

 
Nhân bánh được làm bằng thịt lợn ba chỉ hoặc nạc mông, bọc trong lớp đỗ xanh tách vỏ nấu nhuyễn, tạo nên sự hài hòa cho các nguyên liệu từ trong ra ngoài. 
 

 
Khâu gói bánh đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, chặt tay để chiếc bánh chưng khi luộc sẽ dền và vuông vắn. Các bà, các mẹ xưa chỉ cần thoăn thoắt vài phút đã cho ra chiếc bánh như ý. Ngày nay, tuy người ta đã sáng tạo ra nhiều loại khuôn gói, song nhiều người vẫn thích gói bánh theo cách truyền thống.
 


 
Những lá còn thừa sau khi gói xong bánh sẽ được đặt dưới đáy nồi để chống sát nồi và giữ nhiệt khi đun. Trung bình bánh được luộc trong khoảng thời gian từ 6 - 8 tiếng trên ngọn lửa đều thì mới đủ độ chín và không lại gạoThường thì bánh chưng được luộc bằng bếp củi sẽ thơm ngon và nhừ hơn các loại bếp khác.
 
 

 
Ngồi quanh nồi bánh chưng, trò chuyện và ôn lại kỷ niệm của một năm đã qua là hình ảnh dễ dàng bắt gặp trong mỗi gia đình. Qua đó, càng cảm nhận được không khí ấm áp, rộn ràng ngày Tết, khiến ta thấy thêm yêu Tết cổ truyền của dân tộc./.
T.L