Gốm Đức Thịnh – Chất “hồn quê” trong từng dòng sản phẩm

06/10/2021 15:36

(BNP) – Từ những sản phẩm gốm dân dụng, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, cơ sở gốm Đức Thịnh (thôn Phù Lãng, xã Phù Lãng, huyện Quế Võ) đã chuyển hướng sản xuất gốm mỹ nghệ vừa đẹp, tinh xảo, vừa giản dị, mộc mạc, mang đậm chất “hồn quê” trong từng dòng sản phẩm gốm.

Một số sản phẩm gốm tham gia Chương trình OCOP của cơ sở gốm Đức Thịnh.

Phù Lãng vốn nổi tiếng với nghề sản xuất đồ gốm có từ lâu đời, trải qua thăng trầm của lịch sử, nhất là vào những năm 90 của thế kỷ XX, làng nghề gốm Phù Lãng phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm nhựa gia dụng. Đứng trước sự thăng trầm của nghề, nhiều người dân Phù Lãng với lòng yêu nghề, sáng tạo, đã nỗ lực học hỏi, thậm chí xâm nhập thị trường nước ngoài để làm nên một diện mạo mới cho sản phẩm truyền thống của làng quê, bắt đầu từ việc đa dạng hóa các loại sản phẩm, mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước. 

Nghệ nhân Nguyễn Đức Thịnh, chủ cơ sở gốm Đức Thịnh là một trong số những nghệ nhân trẻ được biết đến với sự đột phá, đa dạng hóa mẫu mã mà vẫn giữ được những nét truyền thống trên các sản phẩm mới của mình cho biết: Gia đình đã có hơn 20 năm làm gốm. Trước kia các sản phẩm từ gốm rất thô sơ, do vậy chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của người tiêu dùng. Từ năm 2007, nhờ nắm bắt được xu hướng phát triển của thị trường, gia đình anh mạnh dạn thay đổi hướng sản xuất làm đồ gốm trang trí, trưng bày. Với các sản phẩm như: tranh gốm, lọ hoa, lục bình, đèn, phù điêu… mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ cao, trang trí không gian nội, ngoại thất tại các khách sạn, nhà hàng, nhà vườn, khu resort, phù hợp với thị hiếu, thị trường.

Nghệ nhân Nguyễn Đức Thịnh thực hiện công đoạn đắp nổi sản phẩm tranh gốm.

Nét riêng làm nên thành công của gốm Đức Thịnh là trên nền màu men truyền thống, đã có sự sáng tạo trong cách phối nhiều màu sắc khác nhau như màu nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu… vừa bền, vừa lạ với những hình vẽ trang trí theo các chủ đề về cảnh sắc làng quê, văn hóa dân gian Việt Nam, gần gũi với thiên nhiên, ca ngợi lao động sản xuất, vẻ đẹp quê hương, đất nước.

Một số sản phẩm điển hình tại cơ sở gốm Đức Thịnh như: bộ tượng say lúa - giã gạo; đôi lục bình phong thủy; bình hút tài lộc; tranh gốm và bộ tượng mẹ con… điều dễ nhận thấy chủ đề xuyên suốt trong các sản phẩm gốm Đức Thịnh là “hồn quê”, dung dị, gần gũi, mộc mạc nhưng đầy tinh tế và cũng thể hiện được sự sắc xảo, tay nghề tài hoa trong kỹ thuật làm gốm.

Một người thợ thực hiện công đoạn gắn trang gốm.

Đặc biệt, tất cả những công đoạn của quá trình tạo sản phẩm, từ khâu nhào đất đến khi đưa vào lò nung, cho ra thành phẩm vẫn được làm thủ công từ bàn tay tài hoa của người thợ. Có lẽ vì đó mà gốm Đức Thịnh được thị trường đón nhận và ngày càng phát triển.

Hiện nay, sản phẩm gốm Đức Thịnh được nhiều khách hàng trong, ngoài nước ưa thích đặt mua và đã xuất khẩu sang thị trường các nước Mỹ, Hàn Quốc… Trong năm 2020, doanh thu của cơ sở đạt gần 2 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho gần 10 lao động với mức thu nhập bình quân từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Gian trưng bày gốm của cơ sở Đức Thịnh.

Năm 2021, cơ sở gốm Đức Thịnh được lựa chọn tham gia Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm tỉnh Bắc Ninh (OCOP). Đây sẽ là cơ hội đưa sản phẩm gốm Đức Thịnh cũng như sản phẩm làng nghề gốm Phù Lãng ngày càng phát triển, vươn xa, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng diện mạo mới cho quê hương trong thời kỳ hội nhập.

H.H