Hạ tầng y tế phát triển toàn diện

13/04/2020 10:33

 

Kể từ khi tái lập tỉnh, ngành Y tế Bắc Ninh với 23 năm xây dựng và phát triển đã in đậm những dấu mốc quan trọng, ghi nhận sự phát triển ngày càng toàn diện của hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở.

Thực  hiện Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XII) nhằm tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ngành Y tế là một trong những đơn vị đi đầu trong tỉnh về tinh giản bộ máy. Đến nay, tổ chức bộ máy ngành Y tế đã giảm 22 đầu mối so với năm 2016, hiện chỉ còn Sở Y tế và 20 đơn vị trực thuộc. Các đơn vị y tế tuyến huyện như Trung tâm Y tế, Bệnh viện đa khoa, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện được sáp nhập thành Trung tâm Y tế huyện, thị xã, hoạt động theo mô hình Trung tâm y tế đa chức năng, một đầu mối thực hiện nhiệm vụ y tế tại địa phương.

Về nhân lực, toàn ngành hiện có gần 3,3 nghìn công chức, viên chức, hợp đồng lao động, trong đó có 65 Tiến sĩ, bác sỹ CKII; 345 Thạc sỹ, bác sỹ CKI; 588 bác sỹ và 33 dược sỹ Đại học. Năm 2016 có 10,1bác sỹ/vạn dân, đến 2019 lên đến 10,2 bác sỹ/vạn dân; số giường bệnh/10.000 dân là 27,7 năm 2016 lên đến 32,4 năm 2019; tỷ lệ tham gia BHYT năm 2016 là 81% đã tăng lên 91,3% năm 2019; duy trì tỷ lệ 100% xã đạt tiêu chí Quốc gia về Y tế xã.

Hệ thống y tế cơ sở được quan tâm, đầu tư. Trung tâm Y tế các huyện, thị xã đều được trang bị đầy đủ trang thiết bị: Siêu âm Doppler, X-quang, máy chụp cắt lớp vi tính, máy lọc máu chu kỳ, hệ thống phẫu thuật nội soi,... Trạm Y tế xã được đầu tư sửa chữa, xây mới, nâng tỷ lệ xã đạt bộ tiêu chí Quốc gia năm 2015 từ 73% (92/126 trạm) lên 100% năm 2017 (126/126 trạm) vượt chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 204/2015/NQ-HĐND17 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, ngành Y tế tập trung đầu tư và triển khai hàng loạt kỹ thuật chuyên khoa mũi nhọn, góp phần giúp nhân dân địa phương được tiếp cận với dịch vụ y tế tiên tiến, hiện đại.

Công tác phòng, chống HIV/AIDS được triển khai thường xuyên, liên tục. Các hoạt động tư vấn xét nghiệm tự nguyện, giám sát nhiễm HIV ở các nhóm đối tượng nguy cơ cao, can thiệp giảm tác hại, điều trị thay thế nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, điều trị ARV, dự phòng lây truyền mẹ con... được triển khai có hiệu quả. Kết quả số người bị nhiễm mới HIV hằng năm giảm, tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng ở mức dưới 0,3%. Các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng xử trí kịp thời các bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm, không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn. Đặc biệt, chủ động phòng và kiểm soát tốt dịch COVID-19.

Công tác tiêm chủng mở rộng đạt tỷ lệ cao. Lập hồ sơ sức khỏe người dân, theo mẫu quy định của Bộ Y tế, tính đến nay số người dân được lập hồ sơ quản lý sức khỏe tại Trạm Y tế đạt gần 80%.

Với cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ chuyên môn tại các tuyến đều được nâng cao. Các chương trình mục tiêu y tế Quốc gia, những kỹ thuật mới, tiên tiến, hiện đại được thực hiện thành công… Điều đó góp phần quan trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của y tế tuyến tỉnh, giảm tải cho các bệnh viện tuyến T.Ư, đồng thời tạo điều kiện cho người dân được chăm sóc sức khỏe với kỹ thuật, chất lượng cao ngay tại tuyến tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng sức khỏe toàn dân, thúc đẩy kinh tế, xã hội ngày càng phát triển.