Hiểm họa tai nạn giao thông từ những "sân phơi thóc"

12/06/2019 08:25

(BNP) - Những ngày đầu tháng 6, khi các địa phương bước vào cao điểm thu hoạch vụ Xuân 2019, từ các tuyến đường Tỉnh lộ, huyện lộ, đường liên xã, liên thôn, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân biến lòng đường, vỉa hè thành sân phơi lúa, rơm rạ. Việc này không chỉ gây mất mỹ quan mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

Người dân mượn lòng đường để phơi thóc tại thôn Từ Phong, xã Cách Bi, huyện Quế Võ.

Không chỉ chiếm dụng lòng, lề đường, bất chấp sự an toàn của các phương tiện tham gia giao thông, nhiều người dân còn tự ý đốt rơm ở cánh đồng và ngay trên đường, khiến cho không khí bị ô nhiễm, khói mù bao trùm trong nhiều giờ liền tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và gây cảm giác khó chịu cho người tham gia giao thông.  

Anh Phạm Văn Hậu, xã An Thịnh, huyện Lương Tài bức xúc nói: “Tôi làm nghề lái xe taxi nên thường xuyên phải chạy qua nhiều tuyến đường Tỉnh lộ và đường liên xã, liên thôn. Người dân phơi thóc, rơm rạ tràn lan lòng đường khiến cánh lái xe chúng tôi rất khó điều khiển được phương tiện ở một số đoạn đường cong che khuất tầm nhìn. Đặc biệt, người dân còn đốt rơm rạ vào cuối các buổi chiều, vừa hạn chế tầm nhìn lại gây cay mắt dễ gây ra tai nạn giao thông”.

Khi đề cập đến việc phơi thóc, rơm rạ tràn ra lòng đường gây ảnh hưởng đến giao thông và tiềm ẩn tai nạn giao thông, nhiều người dân lý giải do nhà không có sân phơi, giờ thu hoạch đều cơ giới hóa khiến lượng thóc trong ngày dồn lại, phải phơi thóc trên đường, không ít người cho rằng phơi trên đường nhanh khô hơn, mùa thu hoạch chỉ vài ba ngày là xong, cả làng đều thế chứ riêng gì nhà ai đâu…

Những câu trả lời ấy đã cho thấy nhận thức hạn chế của một bộ phận người dân về Luật Giao thông đường bộ và các quy định xử phạt hành chính về lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tai nạn giao thông trên các tuyến đường luôn tiềm ẩn và chỉ tính bằng giây, bằng phút. Nếu gia đình nào cũng tranh thủ 2 – 3 ngày mượn lòng đường để phơi thóc lúa thì mức độ nguy hiểm cho người, phương tiện tham gia giao thông càng cao. Không chỉ tự ý chiếm dụng lòng đường, lề đường để phơi thóc, một số hộ dân còn dùng gạch, đá, gỗ… để chắn ngang “sân phơi” nhà mình làm cản trở các phương tiện tham gia giao thông, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông là rất lớn.

 

Đốt rơm rạ sau khi gặt gây khói mù các tuyến đường.

Mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể về số vụ tai nạn giao thông xảy ra do nguyên nhân từ việc người dân phơi lúa, rơm rạ lấn chiếm lòng đường, song trên thực tế đã có những vụ tai nạn giao thông đau lòng xảy ra mà thủ phạm chính là những đống rơm rạ, bãi lúa được phơi ngay trên đường. Mới đây nhất, cái chết đau lòng của ông Tạ Hữu Lễ ở xã Trừng Xá, huyện Lương Tài, khi đi trên đường liên thôn thuộc xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, do trời tối đã lao vào đống rơm trên lòng đường và ngã ra đường dẫn đến tử vong.

Được biết, hàng năm, vào trước những mùa thu hoạch lúa và nông sản, Ban An toàn giao thông tỉnh đều tích cực phối hợp với các ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh và tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không phơi rơm, rạ, thóc, để máy tuốt lúa trên đường giao thông, đặc biệt là không đốt rơm, rạ làm hư hỏng mặt đường và gây khói bụi, ảnh hưởng đến việc bảo đảm an toàn giao thông. Song có lẽ, do chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền nhắc nhở nên cứ mỗi khi bước vào mùa thu hoạch, tình trạng người dân biến đường làm sân phơi lại tiếp tục tái diễn.

Việc phơi lúa, rơm rạ dưới lòng đường không chỉ đơn giản là thói quen xấu, thiếu ý thức của người dân mà đây còn là hành vi vi phạm pháp luật. Thiết nghĩ, thời gian tới, cùng với công tác tuyên truyền, nhắc nhở, các cơ quan chức năng, các địa phương trong tỉnh cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa, nhất là kiên quyết xử phạt các trường hợp cố tình vi phạm, để trả lại sự thông thoáng, an toàn cho người và các phương tiện khi lưu thông trên đường./.
M.L