Hiệu quả bước đầu triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt
(BNP) - Không mất nhiều thời gian xếp hàng chờ thanh toán viện phí; phương thức thanh toán đơn giản, nhanh chóng, chính xác… là những ưu điểm nổi bật từ việc thanh toán không dùng tiền mặt hiện đang được Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh triển khai thực hiện, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực.
Người dân sử dụng thẻ ATM để thanh toán viện phí tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh.
Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế về việc triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, từ tháng 12/2019, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh đã bắt đầu thực hiện và là một trong các cơ sở y tế đầu tiên triển khai dịch vụ này. Hiện tại, Bệnh viện đã lắp các điểm POS thanh toán, thanh toán quét mã QR Code offline đặt tại phòng Kế toán, Quầy thuốc và Quầy thanh toán viện phí, áp dụng cho các trường hợp có tài khoản tại ngân hàng. Bệnh nhân đến làm thủ tục thanh toán viện phí sẽ cung cấp Mã bệnh nhân cho cán bộ làm công tác thanh toán để được cung cấp số tiền cần trả. Tiếp theo, bệnh nhân sử dụng thẻ để trả viện phí qua POS tại quầy thanh toán, POS sẽ in ra hóa đơn giao dịch để Bệnh viện giao lại biên lai thu phí cho bệnh nhân xác nhận việc thanh toán viện phí thành công.
Trong quá trình lựa chọn ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh đã tiến hành khảo sát cách thức triển khai của các bệnh viện lớn cũng như tham khảo dịch vụ của các ngân hàng. Qua khảo sát cho thấy, phí thu của các ngân hàng trên mỗi giao dịch khá cao, vì vậy, việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt phụ thuộc rất lớn vào từng nhóm khách hàng. Hầu hết người dân lựa chọn sử dụng thanh toán qua POS tập trung chủ yếu ở nhóm đối tượng khách hàng trẻ tuổi, thường xuyên dùng thẻ ngân hàng như công nhân, nhân viên... Tính từ cuối năm 2019 đến nay đã có gần 1.000 lượt bệnh nhân sử dụng thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Còn lại phần lớn các đối tượng khác vẫn giữ thói quen thanh toán viện phí bằng tiền mặt.
Hiện nay, quy trình khám, chữa bệnh nếu chỉ tính riêng thời gian chờ đợi, xếp hàng để được nộp tiền viện phí, chi phí xét nghiệm và các hoạt động cận lâm sàng đã mất khoảng 30 phút. Những ngày đông bệnh nhân, thời gian sẽ kéo dài hơn khiến bệnh nhân mệt mỏi, bệnh viện cũng phải bố trí thêm cán bộ làm công tác thanh toán viện phí. Từ khi triển khai dịch vụ thanh toán không sử dụng tiền mặt, bệnh nhân không phải chờ đợi lâu để thanh toán viện phí như trước nữa. Chị Trần Thị Hồng (phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh) cho biết: “Tôi làm công nhân nên có sử dụng thẻ ATM. Việc thanh toán qua thẻ tôi thấy rất đơn giản, nhanh gọn và tiện lợi”. Cùng suy nghĩ với chị Hồng, anh Nguyễn Văn Nam (huyện Yên Phong) chia sẻ: “Tôi đưa vợ đến viện để sinh và được nhân viên bệnh viện hướng dẫn chỉ cần quét mã QR trên phiếu viện phí bằng ứng dụng của ngân hàng là có thể thanh toán được tiền viện phí. Dịch vụ này rất hay vì tránh được tình trạng mất tiền do bị rơi hay bị móc ví vì phải chen lấn chờ đợi thanh toán”.
Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh Phạm Xuân Yến cho biết: “Sau một thời gian khảo sát, Bệnh viện đã chọn Ngân hàng Vietcombank là đơn vị cung cấp dịch vụ cho mình. Đây là một dịch vụ mới nên nhiều người dân vẫn chưa tiếp cận được, việc thanh toán mới chỉ áp dụng được với khách hàng đã kích hoạt thẻ tại ngân hàng. Tới đây, khi Bệnh viện triển khai được bệnh án điện tử sẽ tiến hành các giải pháp cho cả những bệnh nhân không có thẻ tại ngân hàng có thể thanh toán không dùng tiền mặt bằng việc phát hành thẻ thanh toán. Sau khi hoàn thành triển khai hệ thống quản lý bệnh viện bằng phần mềm (HIS), sẽ tích hợp thanh toán QR Code online kết nối với hệ thống thanh toán của ngân hàng. Tuy nhiên, việc thanh toán online vẫn chưa thực hiện được do chưa chọn được ngân hàng cung cấp dịch vụ”.
Việc thanh toán không dùng tiền mặt hiện đang là xu hướng của nhiều ngành, nghề vì mang lại rất nhiều tiện ích cho người sử dụng. Song, muốn triển khai rộng rãi phương thức này cần có sự đầu tư đồng bộ về trang thiết bị công nghệ thông tin, sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh viện - ngân hàng - khách hàng và nâng cao nhận thức của người dân, nhất là khi việc sử dụng tiền mặt vẫn là thói quen của mọi người.