Hội Đền Đậu

15/04/2021 10:00

Đền Đậu - một ngôi đền cổ thuộc làng “Đậu”, nay là Làng Mộ Đạo, xã Mộ Đạo, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, đây là nơi chính đền của ba tổng chín làng xã xưa.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet).

Đền Đậu thờ một vị danh tướng có công đánh giặc dưới thời vua Hùng Vương. Đã từ rất lâu, hội của chín làng vùng ven sông Đuống này đã trở thành hội vùng rất nổi tiếng. Theo tục lệ, cứ vào ngày 16 đến ngày 20 tháng 3 âm lịch, 3 năm một lần vào các năm Tý, Dậu, Mão, 9 làng này sẽ mở hội lớn tại đền Đậu .

Những làng tham gia hội đền Đậu, xưa kia thuộc 3 tổng là Mộ Đạo, Quảng Lãm và Đại Toán, ngày nay là 3 xã Mộ Đạo, Yên Giả và Chi Lăng. Chín làng gồm các làng sau: Đức Tái, Đô Đàn, Mộ Đạo, Mai Ổ, Tập Ninh, Trúc Ổ, Trạc Nhiệt, Yên Giả, La Miệt. Trong 9 làng này cùng thờ một thánh, trên đền Mộ Đạo được xem là nơi chính đền (anh Cả), tám làng còn lại chỉ là hàng từ và phân chia 3 “tích”: Tích thứ nhất gồm 3 làng là Mộ Đạo, Mai Ổ và Trạc Nhiệt; tích nhì gồm làng Tập Ninh, Đô Đàn và  Đức Tái; tích ba gồm các làng Trúc Ổ, Yên Giả và  La Miệt. Những làng này đến nay vẫn còn bảo lưu được thần phả sắc phong, hoành phi, bia đá, câu đối, ghi chép phản ánh lai lịch của người được thờ.

Căn cứ vào thần tích và sắc phong thì vị thần được 9 làng trên thờ là “Bình Thiên hiển đức đại vương”, là một vị danh tướng có công lao hiển hách thời Vua Hùng thứ 18. Theo người xưa kể lại, thần thường linh ứng trợ giúp các triều vua đánh giặc và phù hộ cho người dân người khang vật thịnh, nên các triều vua đã gia phong mỹ tự và ban sắc lệnh cho chín làng xã nơi đây phải thờ phụng thần.

Để chuẩn bị cho ngày vào hội, các chức sắc của chín làng phải tổ chức cuộc họp bàn về kế hoạch tổ chức hội. Làng Mộ Đạo là nơi có chính đền, thuộc tích nhất nên phải chuẩn bị các lễ vật để dâng lên tế thần tại đền Đậu. Sáng ngày đầu tiên của hội, cả 9 làng phải rước kiệu thần đi từ đình của làng mình ra đến điểm tập trung là tại đền Đậu để tế lễ và tiến hành mở hội. Đoàn rước kiệu của các làng có vai cờ kiệu là “là những trai tráng to khỏe, cởi trần, đóng khố, có đầy đủ cờ kiệu, siêu đao, tàn lọng, bát bửu, đội “quân cờ” và trống chiêng. Đội quân cờ gồm có tướng cờ và quân cờ, diện các bộ trang phục màu đỏ, tướng cờ sẽ được người cầm lọng che đi theo và đội quân cờ này chính là để tượng trưng cho nghĩa binh của thần khi đi đánh giặc. Khi các đoàn rước của 9 làng tập trung đông đủ tại khu vực đền Đậu, theo thứ tự các làng sẽ rước kiệu vào đền trong, đền ngoài các quan viên tế của 9 làng sẽ cùng nhau tế. Trong khi tế lễ sẽ hát ca trù để thờ thần. Làng Mộ Đạo là một trong những cái nôi của nghệ thuật ca trù, các nghệ nhân không chỉ tham gia hát thờ, mà còn hát trong hội. Lễ hội đền Đậu kéo dài đến hết ngày 20, sau khi tế “rã đám” người dân các làng sẽ rước kiệu thần về làng mình.

Trong những ngày diễn ra lễ hội đền Đậu, sau phần lễ sẽ là phần hội. Phần hội thường náo nhiệt hơn bởi các trò chơi dân gian hay các trò giải trí như: ca trù, tuồng, chèo, đu cây, nhảy phỗng, thi vật, thi dệt vải, bắt trạch, bắt vịt… thu hút hàng ngàn khách thập phương đến lễ hội.

Lễ hội đền Đậu đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của Bắc Ninh.

Nguồn: lehoi.info