Lễ hội làng Long Khám
Thôn Long Khám, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninhnằm trên một vùng đất cổ kính và màu mỡ dưới chân núi Rồng, núi Hổ, xa xa là dãy Nguyệt Hằng Sơn cong cong tựa như cánh cung vững chắc.
Hội Vật làng Long Khám (Nguồn: Internet)
Từ bao đời nay, cư dân ở đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp, người dân tập trung sinh hoạt tín ngưỡng tại đình và chùa làng, thường lấy ngày mất của Đức Thành hoàng Trần Hưng Đạo(ngày 20/8)làm ngày mở hội làng.
Đình làng Long Khám thờ 4 vị Thành hoàng là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Dực Thánh Vương, Đông Chinh Vương, Vũ Đức Vương là những người có công đánh giặc giúp nước. Đặc trưng của hội làng Long Khám là tục cướp cây mộc tất (cây gỗ đỏ) dành cho trai đinh trong làng, có thể diễn ra thâu đêm suốt sáng.
Là vùng đất có truyền thống võ vật nổi tiếng, tục cướp cây mộc tất trong hội làng thể hiện tinh thần thượng võ của Thành hoàng làng Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Nghi thức cướp cây mộc tất diễn ra như sau: làng Long Khám chia 8 giáp ra làm 2, mỗi bên 4 giáp với đại diện các gia đình đứng ra đăng cai tổ chức lễ hội. Mỗi gia đình được cấp 3 sào ruộng để cấy lấy tiền sắm sửa lễ hội gồm: hương hoa, trầu cau, rượu ngon, đặc sản địa phương trám đen...
Đêm ngày 20/8, 8 giáp soạn lễ gà, lợn, xôi, rượu, trầu mang ra đình tế lễ. Rượu được đổ ra chum, trám đen được nấu chín với giá rồi đổ ra chậu Phù Lãng để những người tham gia lễ hội được ăn uống no say. 8h tối, kỳ mục, tư văn tề tựu ở đình để tế thần. Sau phần tế lễ, đến 12h đêm, khi chủ tế ra hiệu lệnh, mỗi bên chọn ra những trai đinh khỏe mạnh từ 20-50 tuổi của 4 giáp. Chủ tế cởi trần đóng khố, đồng thời cử hai ba người đánh trống lớn liên thanh. Chủ tế ném cây gỗ sơn đỏ ra sân đình. Trai đinh hai bên cùng vỗ tay, miệng la lớn "cướp cướp" và tranh giành nhau cây gỗ đỏ hòa trong tiếng trống và tiếng hô khiến đám hội trở nên náo nhiệt hơn. Bên nào cướp được thì bên ấy giành phần thắng. Sau khi cướp được, dân làng kéo cây gỗ từ sân đình ra ngoài đồng rồi ai về nhà đấy. 10h sáng hôm sau, viên kỳ mục trong xã ra đồng lấy cây gỗ này mang về ao trước đình rửa rồi cất vào hậu cung. Bên nào giành chiến thắng thì năm đó gặp may mắn, làm ăn thuận buồm xuôi gió.
Với người dân nơi đây, lễ hội là dịp gắn kết toàn dân, tục cướp cây mộc tất cũng như tinh thần thượng võ sẽ trường tồn mãi cùng đất nước.