Hội làng – nét đẹp truyền thống của người Quan họ

25/03/2019 09:10
(BNP) – Hội làng - nét văn hóa độc đáo, truyền thống của mỗi làng, xã trên mảnh đất Bắc Ninh - Kinh Bắc luôn có sức sống bền bỉ, trường tồn, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi người dân. Cứ mỗi độ xuân sang, khi cây cối đâm chồi nảy lộc, khắp làng trên, xóm dưới lại nô nức tiếng trống khai hội, đây chính là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa của địa phương, là chốn “về nguồn” ý nghĩa trong tâm linh mỗi người con trên quê hương Quan họ.

Lễ rước tại Hội Ném Thượng (Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh)

Bắc Ninh - Kinh Bắc được mệnh danh là quê hương của những lễ hội truyền thống, với khoảng hơn 500 lễ hội diễn ra vào tất cả các mùa trong năm, nhưng mùa xuân là sôi động và đậm đặc nhất. Đến hẹn lại lên, những lễ hội lớn như: Hội Lim, hội Phật Tích, Đền Bà Chúa Kho, hội Diềm, lễ hội Kinh Dương Vương, hội Đền Đô... đã trở thành nét văn hóa đầu xuân, thu hút đông đảo khách thập phương về Bắc Ninh trảy hội. Song song với đó, hầu hết các làng đều tổ chức lễ hội gắn liền với những phong tục, tập quán của từng làng, xã. Mỗi lễ hội đều mang một sắc thái riêng, nhưng điểm chung nhất vẫn là hoạt động mang ý nghĩa sinh hoạt cộng đồng. Đặc biệt, đối với mỗi người con xa quê, hội làng là dịp để họ trở về đoàn tụ với gia đình và thắp nén hương thơm tưởng nhớ Thành hoàng làng - người có công giúp dân làng từ thuở sơ khai.

Thông thường, hội làng của người Quan họ có 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ thường có nghi thức rước, tế, lễ được thực hiện bởi những cụ cao niên có uy tín, địa vị trong làng. Phần lễ nhằm tỏ lòng biết ơn tới những người có công với dân làng, với đất nước được nhân dân trong làng phong làm Thành hoàng làng. Phần hội có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao nghệ thuật quần chúng như kéo co, vật, cờ tướng, cờ người, tổ tôm điếm, hát Dân ca Quan họ... Qua đó làm phong phú đời sống tinh thần của mỗi thành viên, giáo dục tình yêu quê hương đất nước, tạo sức sống lâu bền của văn hóa làng xã.

Những năm qua, công tác quản lý lễ hội luôn được tỉnh chú trọng, tăng cường quản lý thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội đảm bảo vừa mang yếu tố truyền thống nhưng vẫn trang nghiêm. Trong đó, chú trọng tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ và tổ chức các trò chơi dân gian để giữ gìn và phát huy giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương Kinh Bắc. Hát dân ca Quan họ trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu ở tất cả các lễ hội truyền thống, đó là nét văn hóa đặc sắc mà không dễ kiếm tìm ở các lễ hội nói chung trên cả nước, luôn hấp dẫn thu hút du khách thập phương trong và ngoài nước. Đặc biệt, từ khi Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thì việc hát Dân ca Quan họ được tổ chức quy mô, bài bản, đậm nét hơn, góp phần quảng bá hình ảnh về văn hóa, vùng đất, con người Bắc Ninh – Kinh Bắc đến với đông đảo nhân dân và du khách.

 

Hát Dân ca Quan họ là một  trong những hoạt động văn hóa không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống của Bắc Ninh.
 
Hòa chung không khí rộn ràng mùa lễ hội, cứ vào ngày mồng 10 tháng Hai âm lịch hàng năm, những người con làng Thiên Phúc, xã Trung Chính, huyện Lương Tài đang làm ăn, sinh sống trên mọi miền Tổ quốc lại nô nức trở về quê để được hòa mình vào không gian của hội làng. Lễ hội truyền thống được người dân làng Thiên Phúc tổ chức thường niên tại đình làng nhằm tưởng nhớ danh nhân Tô Hiến Thành - một danh nhân kiệt xuất thời Lý (thế kỷ XII) có công trực tiếp giúp hai vua  Lý Anh Tông và Lý Cao Tông trị vì và điều hành đất nước về tất cả các mặt chính trị, kinh tế, quân sự và văn hóa... Mặc dù cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi nhưng người dân làng Thiên Phúc vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống trong lễ hội như: Tổ chức hát Dân ca Quan họ, giao lưu văn nghệ, ăn cơm tập thể và duy trì các trò chơi dân gian như cờ tướng, chọi gà…

Tiếng trống khai hội như lời giục giã những người con xa xứ, thu xếp công việc trở về cố hương tham gia hội làng. Anh Nguyễn Hữu Long hiện đang sinh sống tại đất nước Nhật Bản chia sẻ: Cả gia đình tôi sinh sống ở Nhật Bản được 15 năm, dù công việc có bộn bề nhưng những năm gần đây, gia đình tôi luôn dành thời gian để về thăm quê vào dịp hội làng. Những năm đầu xa xứ, không có điều kiện về, khi làng mở hội, tôi thấy bồi hồi, nhớ nhung. Theo anh Long, về với làng vào dịp lễ hội không chỉ cho anh sống lại kỷ niệm tuổi thơ mà còn là dịp để con của anh nhớ về cội nguồn, tổ tiên.
 
Còn đối với chị Bùi Thị Hạnh, hiện đang sinh sống tại tỉnh Bình Phước thì chia sẻ: “Vì cuộc sống mưu sinh, nên tôi phải xa quê đi làm ăn, nhưng lúc nào cũng dõi theo từng hơi thở quê hương qua lời kể và hình ảnh gia đình, bạn bè gửi cho. Về thăm quê vào dịp này, tôi có dịp đưa các con gặp gỡ người thân, gia đình, tham gia vui văn nghệ và các trò chơi dân gian truyền thống, nhất là giúp chúng hiểu được lịch sử, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của người dân quê mình”.


Không chỉ có anh Long, chị Hạnh mà nhiều người con Bắc Ninh – Kinh Bắc đang làm ăn, sinh sống, học tập, công tác nơi xứ người đều háo hức muốn trở về quê hương trong dịp lễ hội. Bởi những người xa quê khi được hòa mình trong không khí rộn rã của hội làng sẽ có cảm giác như được trở về với tuổi thơ trên mảnh đất quê nhà một thời tấm bé, quan trọng hơn nữa tìm về với quê cha đất tổ để sống lại truyền thống lịch sử, hiểu thêm về vùng đất, phong tục tập quán, nét văn hóa đặc sắc của vùng miền. Tin tưởng rằng, sau ngày hội làng, chắc hẳn ai nấy đều cảm nhận được sự tươi mới trong tâm hồn và trí lực để có thêm động lực mới cho những mục tiêu, công việc sắp tới. Vì vậy, bảo tồn và gìn giữ nét đẹp hội làng là điều quan trọng, bởi đây là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc, gắn kết và làm phong phú đời sống tinh thần, chốn đi về bình yên, thanh tịnh của mỗi người./.