Hội nghị Quỹ Đầu tư phát triển địa phương lần thứ IV

17/06/2019 15:37

(BNP) - Sáng 17/6, UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Quỹ Đầu tư phát triển địa phương năm 2019 nhằm đánh giá tình hình hoạt động năm 2018 và bàn giải pháp phát triển hệ thống Quỹ trong năm 2019.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Thành chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo một số Quỹ Đầu tư phát triển.

Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Hữu Thành, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ tỉnh; Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính); đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và lãnh đạo 44 Quỹ đầu tư phát triển các địa phương.

Phát biểu chào mừng Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Thành bày tỏ sự vui mừng khi Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Bắc Ninh được đăng cai tổ chức Hội nghị Quỹ Đầu tư phát triển địa phương lần thứ IV, năm 2019, đồng thời nhấn mạnh, được thành lập từ năm 1997, hệ thống Quỹ Đầu tư phát triển địa phương ngày càng phát triển, tạo thành kênh huy động vốn quan trọng cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh, thành phố. Hội nghị là cơ hội để các Quỹ đánh giá kết quả đã đạt được, trao đổi, học hỏi những sáng tạo mới, và rút ra những bài học kinh nghiệm, nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn Hội nghị sẽ có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận, bổ sung được nhiều vấn đề có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương, đồng thời, thúc đẩy và tăng cường đoàn kết, phối hợp giữa các Quỹ Đầu tư phát triển trên toàn quốc. 

Tính đến hết năm 2018, cả nước có 44 Quỹ Đầu tư phát triển địa phương với tổng vốn điều lệ khoảng 22.745 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2017; vốn chủ sở hữu khoảng 27.632 tỷ đồng. Trong đó, tổng vốn sử dụng cho các hoạt động nghiệp vụ cho vay, đầu tư trực tiếp và góp vốn thành lập doanh nghiệp đạt 14.810 tỷ đồng, chiếm 42,51% tổng vốn; tổng chênh lệch thu chi sau thuế của các Quỹ là 1.247 tỷ đồng, tăng 0,6% so với năm 2017.

Về hoạt động ủy thác và nhận ủy thác, có 34 Quỹ hoạt động theo đúng mô hình và chức năng của Quỹ; 07 Quỹ hoạt động theo mô hình lồng ghép nhiệm vụ với các Quỹ tài chính khác và 03 Quỹ nhận thêm chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn Nhà nước trực thuộc UBND mà chưa có thẩm quyền cho phép.
 
Tại Hội nghị, đại diện Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) đã trao đổi và giải đáp một số ý kiến, kiến nghị của các đại biểu liên quan đến hoạt động cho vay đầu tư; đầu tư trực tiếp; công tác tổ chức bộ máy; thuế thu nhập doanh nghiệp; huy động vốn; nợ xấu; hoạt động tín dụng, ủy thác; hoạt động bảo lãnh... Đồng thời tiếp thu, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị và sớm có đề xuất với Chính Phủ về việc bổ sung, sửa đổi chính sách đối với các hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương, nhằm phát huy hơn nữa vai trò và hiệu quả hoạt động của các Quỹ.
T.L