Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo các dự án quan trọng Quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải

10/08/2022 15:24

(BNP) - Sáng 10/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng Quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) chủ trì Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo với 33 địa phương có các dự án trọng điểm.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang phát biểu tại điểm cầu Bắc Ninh.

Tại điểm cầu Bắc Ninh, đồng chí Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số Sở, ngành liên quan dự.

Ngày 23/7/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 884/QÐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng Quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải. Theo đó, Ban Chỉ đạo giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện các công trình, dự án quan trọng Quốc gia, trọng điểm gồm: Ðường Hồ Chí Minh; các dự án đường bộ cao tốc: Bắc - Nam phía Ðông, Bến Lức - Long Thành, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cũng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; các tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành…

Tại Hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương thông tin về tình hình triển khai các công trình, dự án; những khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ như khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu đắp nền đường; giá nhiên, nguyên, vật liệu có biến động lớn, dẫn đến thiếu hụt tài chính và thua lỗ cho nhà thầu, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án. Đặc biệt, năng lực của một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công xây dựng còn hạn chế, chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai đồng thời các dự án với phạm vi, quy mô đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, thời gian triển khai ngắn như hiện nay.

Bên cạnh đó, một số dự án triển khai với các nguồn vốn khác nhau nên cần sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc bố trí vốn, triển khai các dự án. Các dự án sử dụng vốn vay các tổ chức quốc tế, thủ tục triển khai phức tạp đan xen giữa các thông lệ quốc tế, các quy định của pháp luật Việt Nam, nên việc điều chỉnh dự án, bổ sung vốn, quản lý hợp đồng khá phức tạp và kéo dài.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, cả nước đang tập trung triển khai 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về hạ tầng. Trong đột phá chiến lược về hạ tầng, có hạ tầng về giao thông, tập trung vào các công trình giao thông liên vùng, liên tỉnh. Mục tiêu đến năm 2030 cả nước hoàn thành ít nhất 5.000 km đường cao tốc, trong khi 20 năm vừa qua mới thực hiện được 1.100 km đường bộ cao tốc.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị thành viên Ban Chỉ đạo ngoài thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo chức danh quy định, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức vì nhân dân phục vụ, dành thời gian, công sức, trí tuệ thực hiện nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo. Đặc biệt, khắc phục bằng được khâu yếu nhất là tổ chức thực hiện; theo dõi, đôn đốc, xử lý hiệu quả những vướng mắc phát sinh.

Thời gian tới phải đổi mới về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, cách quản lý, đôn đốc kiểm tra, giám sát, phòng, chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng, từ đó tạo ra không gian, động lực phát triển mới cho các vùng miền, tạo công ăn việc làm, góp phần phát triển nhanh, bền vững sau đại dịch và không lãng phí nguồn lực. Trước mắt, từ nay đến tháng 9/2022, các Bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ để hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, chọn tư vấn thiết kế, giám sát, các nhà thầu đảm bảo quy định của pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan thành lập ngay các Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải của cấp mình; xây dựng chương trình, quy chế làm việc, triển khai các công việc, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, nghiệm thu các công trình.

Phát biểu tại điểm cầu Bắc Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang yêu cầu các Sở, ngành, địa phương nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Bắc Ninh là một trong 3 tỉnh có đường Vành đai 4 đi qua, dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội. Để dự án được triển khai theo đúng kế hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh. Đồng thời, đề xuất phương án lựa chọn đơn vị tư vấn khảo sát, lập hồ sơ thiết kế để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Đối với Sở Xây dựng, rà soát tổng thể tuyến đường Vành đai 4 xác định chỉ giới để có cơ sở thu hồi đất. Khẩn trương đề xuất đơn vị thực hiện dự án, thành phần, giải phóng mặt bằng đoạn qua tỉnh Bắc Ninh. Thành phố Bắc Ninh, các huyện Quế Võ, Thuận Thành, Gia Bình sớm thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư nằm trong dự án.

A.T