Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước

14/09/2023 14:32

(BNP) - Sáng 14/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Thường trực Chính phủ với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. Cùng tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Bắc Ninh.

Tham dự tại điểm cầu Bắc Ninh có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng; lãnh đạo một số Sở, ngành; DNNN trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có gần 680 DNNN, nắm giữ khối tài sản khoảng 3,8 triệu tỷ đồng, chiếm gần 38% tổng GDP của cả nước. DNNN đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao và đóng vai trò chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế. Các DNNN hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập của người dân lao động tăng lên. Một số tập đoàn, tổng công ty đạt kim ngạch xuất khẩu lớn, đóng vai trò quan trọng, lực lượng nòng cốt cùng với doanh nghiệp tư nhân trong nước và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công của quốc gia.

Tuy nhiên, có thể thấy, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Các tập đoàn, tổng công ty chưa chú trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực và chưa có sự phối hợp, liên kết, tận dụng thế mạnh của doanh nghiệp trong các lĩnh vực để thực hiện các dự án lớn, trọng điểm. Một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ. Các dự án đầu tư mới trong thời gian qua không được thúc đẩy. Việc không tạo ra được năng lực tăng thêm này sẽ dẫn đến trong 5 năm tới, đóng góp của khu vực doanh nghiệp nhà nước rất hạn chế.

Tại hội nghị, các DNNN đã có nhiều đề xuất với Chính phủ bao gồm việc tạo cơ chế, chính sách đặc thù về vốn và quy trình thủ tục để doanh nghiệp có thể cộng hưởng các nguồn lực với nhau trong hợp tác đầu tư; giải quyết vướng mắc về thể chế, đồng thời mong muốn được tham gia hợp tác quốc tế để đầu tư phát triển, đặc biệt là hợp tác về công nghệ. Doanh nghiệp cũng kiến nghị cần sửa đổi một số điểm, điều khoản trong các thông tư, nghị định, luật để giải quyết một số vướng mắc, hạn chế trong hoạt động điều hành, kinh doanh của doanh nghiệp được chủ động, hiệu quả hơn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng phát biểu tại điểm cầu Bắc Ninh.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ biểu dương, ghi nhận nỗ lực đồng thời chia sẻ khó khăn với DNNN trong thời gian vừa qua.

Thủ tướng Chính phủ đưa thông điệp tới các doanh nghiệp cần chung sức đồng lòng, vượt qua thách thức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ. Chính phủ cũng tiếp thu toàn bộ những ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp. Trên cơ sở những ý kiến, đề xuất của các đại biểu, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo sát sao, mạnh mẽ theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tháo gỡ khó khăn, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm quyền tự chủ trong hoạt động của DNNN theo nguyên tắc thị trường.

Thời gian tới, DNNN tiếp tục bảo toàn và phát triển vốn, tài sản, tích cực, chủ động ứng dụng công nghệ, mô hình quản trị hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho xã hội và là cánh tay nối dài để Nhà nước thực hiện điều hành các chính sách, ổn định kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội...

Bên cạnh đó, cần tập trung tái cơ cấu, sắp xếp chuyển đổi số trong doanh nghiệp, tham gia tích cực các chương trình dự án lớn của Nhà nước; thúc đẩy có trọng tâm, trọng điểm 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); tiếp tục củng cố, phát huy lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, vực dậy lĩnh vực công nghiệp, trong đó tập trung cho lĩnh vực chế biến, chế tạo, tháo gỡ khó khăn thị trường, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng...

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Bắc Ninh.

Ngay sau hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng đề nghị các Sở, ngành, DNNN tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về định hướng, giải pháp trong thời gian tới, các DNNN cần xác định chiến lược phát triển, ngành nghề, định hướng kinh doanh, sản phẩm, thị trường; đổi mới quản trị doanh nghiệp; xây dựng phương án cơ cấu lại tài chính, vốn, tài sản của doanh nghiệp; phương án cơ cấu lại nhân sự, tổ chức bộ máy quản lý; xác định lộ trình cải tiến công nghệ phù hợp với năng lực, định hướng phát triển của doanh nghiệp; chăm lo đời sống cho cán bộ, nhân viên, người lao động; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp; phát huy vai trò các tổ chức Đảng trong các DNNN.

H.H