Hội thảo khoa học về Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính

30/08/2022 15:09

(BNP) - Sáng 30/8, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, Ban Quản lý di tích tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổ chức Hội thảo khoa học Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính - Danh nhân khoa bảng thời Lê Trung Hưng.

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng hoa chúc mừng Hội thảo.

Tham dự có lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Khoa học và Công nghệ; Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; các chuyên gia nghiên cứu; đại diện dòng họ Nguyễn Xuân.

Các đồng chí lãnh đạo dự Hội thảo.

Quê hương Bắc Ninh vốn có bề dày lịch sử, truyền thống văn hiến, cách mạng và khoa bảng. Thời nào người dân Bắc Ninh cũng luôn thể hiện đức tính  chịu thương, chịu khó, tinh thần đoàn kết, dũng cảm, kiên cường. Tính từ khoa thi đầu tiên năm 1075 đến khoa thi cuối cùng năm 1919, nước ta có 188 khoa thi, tỉnh Bắc Ninh có tới 393 vị đỗ đại khoa trên tổng số 2.971 vị của cả nước, trong đó có 16 Trạng nguyên trên tổng số 47 Trạng nguyên của cả nước cùng nhiều làng khoa bảng, dòng họ khoa bảng, gia đình khoa bảng tiêu biểu, góp phần tô thắm nền văn hóa đậm đà bản sắc Bắc Ninh- Kinh Bắc.

Chủ trì Hội thảo.

Theo lịch sử, Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính sinh ra và lớn lên ở phường Phù Chẩn, thành phố Từ Sơn. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Xuân Chính đã tỏ rõ là người thông minh, nhất là được sự chỉ bảo của nhiều người thầy giỏi lúc đương thời. Trải qua 9 kỳ thi với sự nỗ lực bền bỉ không ngừng, năm 1637, ông đỗ Trạng nguyên. Cuộc đời của ông trải qua nhiều chức quan, kiêm nhận phụ trách nhiều nơi. Dù ở cương vị nào, ông đều tỏ rõ là vị quan tài năng, thanh liêm, đức độ. Đặc biệt, ông có công lớn trong đào tạo nhân tài và ổn định giáo dục được triều đình vua Lê, chúa Trịnh ghi công, gia tộc và nhân dân tưởng nhớ tôn thờ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại Hội thảo.

Các tham luận tại Hội thảo tập trung lý giải, chứng minh, làm rõ các nội dung về thân thế, cuộc đời của Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính; Những đóng góp của trạng nguyên cho gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước; Gia đình, dòng họ, quê hương ảnh hưởng đến tính cách, cuộc đời và sự nghiệp của Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính; Bối cảnh xã hội, chính sách xã hội tác động đến cuộc đời và sự nghiệp của Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính; Vấn đề sưu tầm, khai thác, truyền bá những tác phẩm của Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính; Công tác giáo dục, phát huy truyền thống hiếu học trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ…

Đại diện gia đình, dòng họ Nguyễn Xuân phát biểu tại Hội thảo.

Bên cạnh đó, một số bài tham luận cũng đề xuất những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị, ý nghĩa di tích lịch sử văn hóa đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính nói riêng, truyền thống hiếu học khoa bảng nói chung nhằm góp phần xây dựng gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp văn minh.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Hội thảo nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

Thông qua Hội thảo tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững; tập trung nghiên cứu, xác định triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới./.

H.H