Từ đường họ Trịnh
(BNP) – Từ đường họ Trịnh (thôn Đinh, xã Tri Phương, huyện Tiên Du) vốn được lập lên từ thời Lê (khoảng thế kỷ XVII). Trải qua thời gian, trong kháng chiến chống Pháp năm 1952, Từ đường bị giặc phá hoại. Đến năm 1965, Từ đường mới được dựng lại với 3 gian nhà nhỏ. Đến năm 1997, con cháu dòng họ cùng góp công sức, tiền của để xây dựng lại ngôi từ đường theo nối kiến trúc truyền thống.
Từ đường có kiến trúc hình chữ “Nhất”.
Từ đường có kiến trúc hình chữ “Nhất” gồm 5 gian, bộ khung gỗ xoan. Nơi đây bảo lưu khá nguyên vẹn từ kiểu dáng, kết cấu đến chất liệu và điêu khắc trang trí. Nghệ thuật trang trí của Từ đường tập trung trên các bộ vì, các bức cốn, hoành phi, cửa võng, hương án, đồ thờ tự.
Không gian thờ bên trong Từ đường.
Bức hoành phi "Quốc ân Gia Khánh".
Bức hoành phi "Thi Lễ Đình".
Các cấu kiện kiến trúc trên bộ vì gian giữa ít chạm khắc, phần lớn gia công kỹ thuật soi gờ thẳng, bào trơn, đóng bén. Bộ vì gian hồi chạm khắc trang trí đẹp với đề tài tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai) và hoa văn hoa lá, vân mây, bảy hiên chạm khắc đề tài rồng. Bộ khung gỗ liên kết với 4 hàng cột ngang và 3 hàng cột dọc. Kiến trúc kiểu bình đầu bít đốc, phía trước xây cột trụ lồng đèn.
Các cấu kiện kiến trúc trên bộ vì gian giữa.
Trên thân cột trụ đắp nổi đôi câu đối có nội dung: “Trịnh gia đồng tộc tân kiến thiết/ Trọng danh truyền thống đắc vinh quang”. Hệ thống cửa được mở ở 3 gian giữa theo kiểu cửa bức bàn. Phần mái lợp ngói mũi, trên đỉnh nóc đắp nổi chữ Hán “Trịnh tộc từ đường”. Phía trước Từ đường là một sân gạch, bên trái có nhà sửa soạn lễ nghi để con cháu vào làm lễ.
Trên đỉnh nóc đắp nổi chữ Hán “Trịnh tộc từ đường”.
Trên thân cột trụ lồng đèn đắp nổi đôi câu đối.
Theo tư liệu ghi lại, dòng họ Trịnh đã sinh sống lâu đời ở thôn Đinh, đây là dòng họ có nền nếp gia phong, có truyền thống thuần phong mỹ tục. Tổ tiên và hậu duệ của dòng họ Trịnh đã có nhiều người đỗ đạt làm quan đóng góp công lao với dân với nước.
Bài vị của các vị cụ tổ họ Trịnh.
Mũ cánh chuồn (quan phục).
Trong đó, tiêu biểu có cụ tổ đời thứ 4 tên là Trịnh Trọng Ánh vừa có tài về nghề thuốc được triều đình phong kiến phong chức Y phó của Thái y viện, lại có tài về chính trị nên được phong chức Tham chính sứ Thái Nguyên tước Triều Liệt Đại phu Cẩn Trung hầu. Cụ tổ đời thứ 5 tên là Trịnh Trọng Diệm được phong Ngự y chính chức Mậu lâm lang của Thái y viện, tước Diệm Trung tử. Đời thứ 9 có cụ Trịnh Bá Bình được nhận quyền Quản cơ của bộ Binh hưởng thụ Chánh bát phẩm.
Bát hương sứ thời Nguyễn.
Khay, đài nước gỗ thời Nguyễn.
Nhờ ý thức giữ gìn, bảo vệ của con cháu dòng họ Trịnh nên hiện trong Từ đường còn lưu giữ nhiều tài liệu, cổ vật quý như: ngai và bài vị của các bậc tiên tổ dòng họ, sắc phong, hoành phi, câu đối, bằng, quan phục, gia phả, đồ thờ tự… không những là chứng tích của ngôi từ đường trong lịch sử mà còn là tâm điểm để con cháu gia tộc hướng về nguồn cội, biết ơn tiên tổ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của cha ông.
Sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng 35.
Sắc phong niên hiệu Tự Đức 35.
Sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng 11.
Hàng năm, vào ngày 03/3 Âm lịch là ngày giỗ tổ của dòng họ Trịnh ở thôn Đinh, toàn thể con cháu gia tộc dù xa hay gần đều tề tựu đông đủ tại Từ đường để cúng cáo tổ tiên, thể hiện truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của các thế hệ con cháu đời sau đối với tổ tiên. Ngoài ngày giỗ tổ, hàng năm tại Từ đường còn có các ngày sự lệ, ngày giỗ riêng của các cụ tổ.
Từ đường họ Trịnh được UBND tỉnh xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 1626/QĐ-UBND ngày 21/12/2012.