Hội thảo Văn hóa năm 2022 thành công tốt đẹp
(BNP) - Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 17/12, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (thành phố Bắc Ninh) diễn ra phiên toàn thể Hội thảo Văn hóa năm 2022.
Toàn cảnh Hội thảo.
Các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận Hội thảo.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ vinh dự và phấn khởi khi Bắc Ninh được lựa chọn là địa điểm tổ chức Hội thảo văn hóa 2022. Đồng thời, nhấn mạnh, Bắc Ninh - Kinh Bắc nằm ở Trung tâm vùng châu thổ sông Hồng, là phên dậu phía Bắc của kinh đô Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, được ngợi ca là vùng đất địa linh, nhân kiệt- vùng đất tụ hội những giá trị trầm tích văn hóa truyền thống, là cái nôi sinh thành dân tộc. Nằm trong vùng đất văn hóa xứ Kinh Bắc xưa ngàn năm văn hiến, Bắc Ninh là miền quê nổi tiếng với những sắc thái văn hóa rất độc đáo, mang đậm dấu ấn tiêu biểu nhất của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo Hội thảo.
Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, Hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với sự phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục nói chung và đối với vùng đất văn hóa - con người Bắc Ninh nói riêng. Tỉnh Bắc Ninh hy vọng và tin tưởng được lắng nghe, tiếp thu nhiều ý kiến quý báu từ các nhà nghiên cứu; các nhà khoa học và các quí vị đại biểu; đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đây sẽ là những định hướng gợi mở quan trọng để tỉnh Bắc Ninh triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu trong thời gian tới, tiếp tục xây dựng thể chế, chính sách và nguồn lực, phát huy giá trị bản sắc văn hoá con người Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn phát biểu chào mừng Hội thảo.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, với chủ đề về thể chế, chính sách và nguồn lực phát triển văn hóa, Hội thảo là hoạt động thiết thực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Thường trực Ban Bí thư cho biết, những năm qua, đặc biệt kể từ thời kỳ đổi mới, với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng và các cơ quan nhà nước, tham gia tích cực của MTTQ, đoàn thể các cấp, sự chủ động nỗ lực của ngành Văn hóa, nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam đã có chuyển biến tích cực. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được kế thừa, phát huy; tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái được phát huy cao độ.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh báo cáo kết quả phiên chuyên đề.
Thường trực Ban Bí thư cũng nhấn mạnh, chủ trương của Đảng trên các lĩnh vực quan trọng của văn hóa đã được thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy văn hóa phát triển. Việt Nam đã phê chuẩn, tham gia và nội luật hóa hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có các quyền về văn hóa, thúc đẩy bảo vệ các quyền về văn hóa, phù hợp các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế.
Các đại biểu dự Hội thảo.
Thường trực Ban Bí thư cho rằng, để khơi thông và phát huy giá trị nguồn lực quan trọng này, trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách về văn hóa, cần quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa, phải hiểu đúng, đầy đủ, toàn diện về văn hóa, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Thể chế, chính sách về văn hóa vừa phải có cái riêng, vừa phải được lồng ghép trong thể chế, chính sách về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, với tư cách văn hóa là nền tảng, đồng thời là mục tiêu của các lĩnh vực này, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đảm bảo con người có đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc và phát triển.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tham luận tại Hội thảo.
Tham luận tại Hội thảo, các đại biểu tiếp tục tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Đồng thời đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam theo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart tham luận tại Hội thảo.
Tại phiên thảo luận bàn tròn, các đại biểu đã đề cập nhiều về các nội dung liên quan đến thể chế cũng như các phương án để phát triển văn hoá; nguồn lực để phát triển văn hóa; mô hình đầu tư theo đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa; hiệu quả đầu tư các công trình văn hoá…
Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sau 01 ngày tổ chức khẩn trương khoa học, Hội thảo đã hoàn thành toàn bộ chương trình dự kiến đề ra. Hội thảo đã góp phần tiếp tục thấm nhuần quan điểm thông suốt tư tưởng và xác định việc phải làm về thể chế chính sách và nguồn lực để hiện thực hoá mục tiêu yêu cầu chấn hưng, phát triển văn hóa để văn hóa ngang hàng chính trị và kinh tế.
Thảo luận bàn tròn tại Hội thảo.
Bên cạnh các kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra những tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng thể chế, ban hành chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa; thể chế tự chủ đơn vị sự nghiệp nói chung và các đơn vị trong lĩnh vực văn hóa chậm hoàn thiện; các chính sách khuyến khích xã hội hóa chưa thực sự tạo ra động lực phát huy tiềm năng sáng tạo văn hóa; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và cán bộ làm công tác văn hóa còn nhiều hạn chế cả về số lượng và chất lượng.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần sớm xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa; tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược, Chương trình, Đề án về xây dựng văn hóa công sở, văn hóa học đường, văn hóa doanh nghiệp, ngoại giao văn hóa. Đồng thời, tiếp tục rà soát các nội dung về văn hóa trong 02 Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương tham dự Hội thảo.
Triển khai đầu tư các công trình văn hóa mang tính biểu tượng quốc gia và thời đại Hồ Chí Minh; phát triển các sản phẩm văn hoá có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng, phấn đấu có các tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm. Đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa để thu hút, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.
Cùng với đó, chú trọng các cơ chế, chính sách phát huy, tạo điều kiện, khuyến khích, năng lực sáng tạo của các chủ thể văn hóa; đẩy mạnh thu hút đầu tư cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch, sản phẩm thương mại mang bản sắc văn hóa Việt Nam.