Họp trực tuyến dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
(BNP) - Chiều 3/12, Bộ Giao thông vận tải tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương, đơn vị về báo cáo giữa kỳ dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Toàn cảnh điểm cầu tỉnh Bắc Ninh.
Dự tại điểm cầu Bắc Ninh có đồng chí Ngô Tân Phượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi giữa kỳ, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có tổng chiều dài tuyến 388,35km, đi qua 9 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng. Đây là tuyến đường sắt vận chuyển hành khách và hàng hóa; tốc độ thiết kế 160km/h; tổng mức đầu tư 221.975 tỷ đồng; toàn tuyến bố trí 34 ga trên tuyến chính, 2 ga trên tuyến nhánh, cự ly 11,5 km/ga. Dự kiến đưa vào khai thác năm 2031.
Với tỉnh Bắc Ninh, dự án đi qua địa bàn thành phố Từ Sơn và thị xã Thuận Thành, có chiều dài 2,89km; bố trí 1 ga Yên Thường là ga lập tàu hàng, xếp dỡ hàng hoá, thuộc phường Châu Khê (thành phố Từ Sơn). Tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản tham gia ý kiến về phương án tuyến và vị trí ga bước lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án; mong muốn khi triển khai sẽ khai thác được quỹ đất của 2 bên hành lang đường, phục vụ phát triển kinh tế của địa phương.
Tại hội nghị, các tỉnh, thành phố cơ bản thống nhất với hướng tuyến, quy mô đầu tư công trình; kiến nghị công tác giải phóng mặt bằng thực hiện 1 lần (quy mô đường đôi); giải phóng phần đất xen kẹp giữa khu vực nhà ga và đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; bố trí trắc dọc đi cầu cạn, hạn chế chia cắt dân cư, ảnh hưởng đến các công trình hiện có, các khu công nghiệp quy hoạch; cập nhật nút giao quốc lộ 1B quy hoạch nút giao ĐT.295C; tiết kiệm sử dụng đất hiệu quả…
Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đã được xác định trong các quy hoạch tổng thể Quốc gia, quy hoạch ngành Quốc gia, quy hoạch vùng (Trung du miền núi phía bắc, đồng bằng sông Hồng), các quy hoạch tỉnh. Dự án phù hợp với mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; đáp ứng nhu cầu vận tải hành lang Đông - Tây, kết nối liên vận quốc tế; phương thức vận tải bền vững, hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.