Khai hội Thập Đình năm Giáp Thìn - 2024

15/03/2024 14:43

(BNP) - Sáng 15/3 (tức ngày mồng 06 tháng 2 năm Giáp Thìn), tại Quần thể di tích lịch sử văn hóa thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, Huyện uỷ - HĐND - UBND - Uỷ ban MTTQ huyện Gia Bình tổ chức khai hội truyền thống Thập Đình năm Giáp Thìn - 2024.

Các đại biểu dâng hương tại đình làng Bảo Tháp.

Lễ hội Thập Đình là lễ hội truyền thống của 10 làng thuộc vùng núi Thiên Thai (Gia Bình) có từ lâu đời và được duy trì trao truyền qua nhiều thế kỷ đến ngày nay. Lễ hội là hoạt động văn hóa tâm linh cộng đồng tiêu biểu thể hiện sự biết ơn và tưởng nhớ tướng Doãn Công - Đào Nương - hai vợ chồng cùng là danh tướng của Hai Bà Trưng và Thái sư Lê Văn Thịnh - Thủ khoa của khoa thi chọn hiền tài đầu tiên trong lịch sử Việt Nam ở thời Lý (năm 1075).

Theo truyền thống, vào ngày 06/2 âm lịch của các năm Thân, Tý, Thìn, nhân dân 10 làng gồm “ngũ đình nội” và “ngũ đình ngoại” tưng bừng mở hội Thập Đình và tổ chức lễ rước quy mô lớn.

“Ngũ đình nội” là đình của 5 làng quanh núi Thiên Thai cùng thờ Doãn Công - Đào Nương và Thái sư Lê Văn Thịnh gồm: Bảo Tháp, Yên Việt, Đông Cao, Hiệp Sơn, Hương Vinh. “Ngũ đình ngoại” là đình của 5 làng thờ Doãn Công - Đào Nương, hoặc thờ Thái sư Lê Văn Thịnh làm Thành hoàng, gồm: Huề Đông, Địch Trung thờ Doãn Công - Đào Nương; đình làng Chi Nhị thờ Lê Văn Thịnh - người có công mở trường dạy học giáo hóa cho dân làng; đình làng Phú Ninh (thị trấn Gia Bình) thờ Thái sư Lê Văn Thịnh; đình làng Thi Xá (còn gọi Vân Xá, thuộc Cách Bi, Quế Võ) là quê hương của thân mẫu Lê Văn Thịnh và Đình Tổ (xã Đình Tổ, thị xã Thuận Thành).

Bí thư Huyện ủy Gia Bình Nguyễn Thị Hà dâng hương.

Lễ hội Thập Đình năm Giáp Thìn 2024 được tổ chức với quy mô cấp huyện nhân kỷ niệm 25 năm tái lập huyện Gia Bình; kỷ niệm 30 năm đền thờ Lê Văn Thịnh được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia; 20 năm đình Bảo Tháp và 10 năm đền thờ Doãn Công - Đào Nương được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Năm nay, hội Thập Đình diễn ra từ ngày 14 đến 16/3 (tức từ ngày 05 đến 07/2 âm lịch) gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ có lễ mộc dục, nghi thức rước lư hương về tế lễ nhập tịch tại đình Bảo Tháp. Điểm nhấn phần lễ vào ngày chính hội 6/2 là nghi thức rước kiệu của 10 làng với quy mô hơn 1.000 người tham gia.

Nghi thức rước kiệu truyền thống của các làng về đình Bảo Tháp.

Phần hội với nhiều hoạt động giao lưu thể thao, văn hóa văn nghệ như: Hát Quan họ, diễn chèo, giao hữu bóng đá, bóng chuyền hơi, cầu lông, kéo co... và nhiều trò chơi dân gian độc đáo. Trảy hội Thập Đình, sau khi dâng hương hoa, lễ vật tế thánh tại đình Bảo Tháp, nhân dân và du khách thập phương được vãn cảnh chùa Thiên Thư, thăm đền thờ Doãn Công để tìm hiểu lịch sử, giá trị nhân văn cao đẹp về các bậc tiền nhân tài cao đức trọng có công với nước với dân.

Đặc biệt, đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh đang lưu giữ Bảo vật Quốc gia “Rồng đá”, du khách được tìm hiểu thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của vị quan khoa bảng danh tiếng thời Lý. Tên tuổi Thái sư Lê Văn Thịnh được khắc ghi trên bảng vàng, bia đá, trở thành niềm tự hào trong lịch sử khoa cử nước ta. Ông là một nhà giáo mẫu mực, đức độ của nước Đại Việt và là một nhà ngoại giao xuất chúng, một danh nhân văn hóa kiệt xuất với tài kinh bang tế thế, một nhà cải cách chính trị, kinh tế đại tài đưa đất nước phát triển cường thịnh. Công lao của ông được các triều đại ghi nhận, lưu truyền trong sắc phong, ngọc phả và trong đời sống tinh thần của nhân dân. Nhiều nơi lập đền thờ và tôn ông làm Thành hoàng làng. Nhiều con đường và ngôi trường vinh dự được mang tên Lê Văn Thịnh.

*Một số hình ảnh về lễ hội:

Toàn cảnh lễ Khai mạc.

Chủ tịch UBND huyện Gia Bình Đặng Đình Mạch phát biểu khai mạc Lễ hội.

Tiết mục trống hội do Câu lạc bộ Trống hội làng Ngăm Lương, xã Lãng Ngâm biểu diễn.

Nghi thức rước kiệu truyền thống của các làng về đình Bảo Tháp.

Tiết mục văn nghệ tại Lễ hội.

N.N