Khái quát tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh năm 2021
Một Bắc Ninh xanh và phát triển
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025. Đây cũng là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và của tỉnh.
Cùng với cả nước, Bắc Ninh gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là tác động của đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, nền kinh tế bị ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực. Song, nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành; cùng sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực, cố gắng của cácban ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tỉnh Bắc Ninh đã phấn đấu thực hiện tốt “mục tiêu kép”, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng đề ra; tổ chức thành công cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 và đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực.
Kinh tế Bắc Ninh vẫn tăng trưởng tốt, vượt kế hoạch đề ra, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 (giá SS năm 2010) ước 133.609 tỷ đồng, tăng 6,9% so với năm 2020 (đứng thứ 7 vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 13 cả nước); GRDP bình quân đầu người ước 6.738 USD (đứng thứ 4 toàn quốc).Cơ cấu kinh tế tiếp tục dịch chuyển đúng hướng, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỉ lệ 77,3%; dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm 20%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,7%.
Về thu ngân sách nhà nước ước đạt 33.257 tỷ đồng, vượt 19,5% dự toán năm, trong đó thu nội địa 25.518 tỷ đồng, vượt 14,3% dự toán. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước 8.247 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 3,6% so với năm trước, đạt 100,2% kế hoạch năm. Thu nhập bình quân đầu người 71,8 triệu đồng (đứng thứ 5 toàn quốc). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước 84,1 tỷ USD, vượt 22,2% kế hoạch, tăng 16,2%, trong đó xuất khẩu hàng hóa ước 45,2 tỷ USD, vượt 24%, tăng 15,7% (đứng thứ nhất toàn quốc).
Về giải quyết việc làm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 28.000 lao động, tăng 1,8% so với năm 2020, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76%.
Công tác an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo, đẩy nhanh tiến độ và hỗ trợ xây dựng 578/684 nhà ở cho người có công (đạt 85% kế hoạch)và hộ nghèo được 135/195 nhà (đạt 69,2% kế hoạch). Ngoài ra, hỗ trợ cho người lao động và Nhân dân do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 224 tỷ đồng; vận động ủng hộ quỹ phòng chống Covid-19 được hơn 546 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,15% (theo chuẩn mới).
Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được đẩy mạnh; ký kết thỏa thuận phát triển Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, biên bản ghi nhớ với đối tác chiến lược của Nhật Bản phát triển dự án kho vận tại Khu công nghiệp Yên Phong 2A; tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng đạt 98%, đứng thứ 3 cả nước. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1,2 tỷ USD. Cấp mới đăng ký đầu tư 58 dự án trong nước với tổng vốn 22,64 nghìn tỷ đồng; thành lập mới 2.334 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 28,62 nghìn tỷ đồng.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả các chỉ số năng lực điều hành của chính quyền các cấp. Trong đó, chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) vượt lên đứng thứ 4/63 (tăng 46 bậc); chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) đứng thứ 9/63 (tăng 7 bậc); chỉ số PAR Index tăng 3,1%, đứng thứ 17/63 (tăng 1 bậc); chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số PCI duy trì trong nhóm 10 tỉnh tốt nhất cả nước.
Năm 2022, với chủ đề “Tiếp tục đoàn kết - sáng tạo - kỷ cương - trách nhiệm; đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tập trung kiểm soát tốt dịch Covid-19; phát triển kinh tế - xã hội bền vững; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị”.
Một số chỉ tiêu chủ yếu:
Tổng sản phẩm (GRDP) tăng 5-6% so với năm 2021.
Thu nhập bình quân đầu người 77,1 triệu đồng.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 92.070 triệu USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu 48.650 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu 43.420 triệu USD.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 70 nghìn tỷ đồng.
Thu hút vốn FDI vào các khu công nghiệp 1 tỷ USD.
Tổng thu NSNN 30.567 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa 23.267 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 7.300 tỷ đồng.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo 77%.
Tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm 2022 là 1,1%.
Xác định năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm kỷ niệm 190 năm thành lập, 25 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh, năm bản lề tạo đà thực hiện các mục tiêu Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Dự báo trong bối cảnh còn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là dịch Covid-19 với biến chủng mới, đòi hỏi cần sự linh hoạt sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, địa phương, cụ thể hóa chủ trương, Nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống một cách phù hợp. Tỉnh Bắc Ninh sẽ phát huy những truyền thống tốt đẹp và thành quả đạt được, tận dụng thời cơ, nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, quyết tâm phấn đấu thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra hướng đến sự phát triển bền vững.