Khẳng định điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư trong nước và thế giới

24/08/2020 16:19

(BNP) - Trong suốt 22 năm thành lập và phát triển, Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) Bắc Ninh luôn bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, triển khai sáng tạo các chủ trương và các chính sách phát triển, góp phần đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, khẳng định là điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH ACC Technologies Việt Nam tại KCN Quế Võ.

Bắc Ninh hiện có 16 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung, có 12 KCN được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và thành lập, trong đó 10 KCN đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất quy hoạch đạt 61,23%. Với nhiều lợi thế về vị trí, điều kiện tự nhiên, đặc biệt là môi trường đầu tư thông thoáng, cùng các chính sách hấp dẫn, các KCN Bắc Ninh không ngừng thu hút các dự án đầu tư lớn, có chất lượng, hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường và có đóng góp lớn cho ngân sách.

Với chức năng nhiệm vụ được giao, những năm qua, lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức của Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh luôn nỗ lực, cố gắng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với các KCN nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh luôn rà soát, tham mưu UBND tỉnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách ưu đãi đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, hấp dẫn nhằm tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phát triển. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước sau đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, thường xuyên rà soát tình hình triển khai thực hiện dự án và nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư, doanh nghiệp, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp KCN, nhất là các vấn đề về cấp điện, cấp nước, thuê đất, ưu đãi đầu tư,...

Đặc biệt, Ban Quản lý KCN Bắc Ninh luôn quan tâm đến công tác cải cách thủ tục hành chính và là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực cải cách hành chính với việc áp dụng bài bản, hoàn chỉnh Hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2015. Duy trì tốt hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, sử dụng hiệu quả hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh, phần mềm một cửa, phần mềm báo cáo trực tuyến. Phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước trong các KCN Bắc Ninh về các lĩnh vực như: môi trường, lao động, quản lý hoạt động doanh nghiệp, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng, chống cháy nổ trong các KCN,…

Với những giải pháp triển khai sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư của Ban Quản lý các KCN, cho thấy, chỉ tính từ năm 2015 đến nay, có tổng số 575 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và 1.746 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh, với tổng số vốn đăng ký và điều chỉnh đạt hơn 10 tỷ USD. Lũy kế đến nay, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh đã cấp hơn 1.500 Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn hơn 19,6 tỷ USD. Hiện có hơn 1.000 dự án thứ cấp đi vào hoạt động. Các dự án tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp hơn 4 triệu tỷ đồng; giá trị xuất khẩu hơn 148 tỷ USD, giá trị nhập khẩu hơn 110 tỷ USD, nộp ngân sách gần 46.000 tỷ đồng. Đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp KCN chiếm 75-80% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; giá trị xuất khẩu chiếm từ 90% trở lên giá trị xuất khẩu toàn tỉnh. Lũy kế đến nay, các KCN Bắc Ninh đã tạo việc làm cho hơn 295.000 lao động.

Số lượng các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Bắc Ninh ngày càng nhiều. Năm 2005, ngoài các dự án có vốn đầu tư trong nước, các dự án đầu tư nước ngoài vào các KCN Bắc Ninh chủ yếu đến từ các nước thuộc Châu Á như: Đài Loan, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Indonesia, đến nay đã có các dự án đến từ các quốc gia khác trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia thuộc Châu Âu, Châu Mỹ như: Mỹ, Đức, Anh, Cộng hòa Samoa… Điển hình là những dự án của các tập đoàn như: Samsung (Hàn Quốc), Nokia (Phần Lan), ABB (Thụy Điển), Canon (Nhật Bản).

Các doanh nghiệp FDI trong các KCN hoạt động trong lĩnh vực điện tử và phụ trợ điện tử với các dự án của những tập đoàn hàng đầu quốc tế như: Samsung, Canon, Foxconn, Hanwha Techwin, Công ty TNHH FUSHAN TECHNOLOGY (đổi tên từ Microsoft)… Vốn đầu tư đăng ký và vốn giải ngân tập trung chủ yếu từ các dự án Hàn Quốc, đặc biệt là 3 dự án Samsung tại KCN Yên Phong với tổng vốn đầu tư thực hiện hơn 9,1 tỷ USD. Đây chính là nhân tố đóng góp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp của tỉnh, góp phần thúc đẩy mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đưa nền kinh tế của tỉnh tham gia hội nhập vào nền kinh tế quốc tế.

Những năm tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến mới, phức tạp và còn nhiều khó khăn, bất ổn, do ảnh hưởng của vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường, tài chính, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Để các KCN trong tỉnh phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh sẽ tham mưu tỉnh hoàn thiện mô hình KCN gắn với đô thị, đẩy nhanh tốc độ xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả, bảo đảm an ninh và môi trường. Phấn đấu xây dựng KCN hiện đại, kiểu mẫu, coi KCN là một chủ thể kinh tế - xã hội. Phấn đấu đến hết năm 2025, tổng vốn đầu tư thứ cấp vào các KCN Bắc Ninh đạt khoảng 23 tỷ USD, giá trị sản xuất công nghiệp chiếm khoảng 80% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; Giá trị xuất khẩu chiếm từ 90% trở lên; Thu nộp ngân sách đạt khoảng 11.000 tỷ đồng/năm.

M.V