Khuyến cáo thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản phổ biến hiện nay

28/10/2022 09:26

(BNP) - Hiện nay, trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Bắc Ninh nói riêng xuất hiện tội phạm lừa đảo ngày càng nhiều, phức tạp với những chiêu trò, thủ đoạn tinh vi khác nhau, làm thiệt hại lớn về tài sản của người dân, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, mất ổn định an ninh trật tự.

Ảnh minh hoạ (nguồn internet).

Vì vậy, người dân cần chủ động phòng ngừa, nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các loại tội phạm sau:

1. Giả danh Công an, Viện kiểm sát:

Giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát thông báo vi phạm, yêu cầu nạn nhân phải chuyển tiền/cài ứng dụng “Bộ Công an” rồi chiếm đoạt.

2. Lừa tình, lừa tiền từ thiện:

Giả làm quân nhân, doanh nhân, người nước ngoài muốn gửi quà có giá trị hoặc tiền từ thiện về Việt Nam. Sau đó, giả làm hải quan yêu cầu đóng phí cho chúng rồi chiếm đoạt.

3. Lừa đảo mua bán hàng trực tuyến:

Gửi đường dẫn thanh toán giả mạo để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Yêu cầu chuyển cọc trước sau đó chiếm đoạt tiền cọc.

4. Giả nhân viên ngân hàng hỗ trợ kỹ thuật:

Giả danh là nhân viên ngân hàng hướng dẫn kiểm tra tài khoản hoặc nâng cấp ứng dụng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.

5. Lừa đảo qua hình thức trúng thưởng:

Giả danh là nhân viên công ty, ngân hàng điện thông báo trúng thưởng (tiền, quà có giá trị),  yêu cầu đóng phí để nhận thưởng rồi chiếm đoạt.

6. Hack Facebook, Zalo lừa đảo mượn tiền:

Chiếm quyền tài khoản Facebook, Zalo sau đó nhắn tin hỏi mượn tiền bạn bè . Số tài khoản nhận tiền luôn là số tài khoản không chính chủ.

7. Lừa đảo tìm người làm việc tại nhà:

Công việc: lắp ráp bút bi, dán tem son, xâu vòng,..Muốn nhận sản phẩm về nạn nhân phải đặt cọc. Sau khi nhận cọc xong của nạn nhân thì chiếm đoạt.

8. Mạo danh công ty tài chính lừa vay:

Chủ động liên hệ nạn nhân hứa hẹn cung cấp những khoản vay lãi suất thấp, thủ tục đơn giản. Yêu cầu đóng phí vay, phí để sửa thông tin trong hồ sơ rồi chiếm đoạt.

9. Mạo danh công ty bảo hiểm xã hội:

Thông báo bạn nợ tiền hoặc trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội. Yêu cầu đóng phí, nếu không họ sẽ báo công an.

10. Cố tình chuyển khoản nhầm để ép vay:

Giả chuyển khoản nhầm và yêu cầu nạn nhân chuyển lại vào tài khoản khác. Sau một thời gian, quay lại đòi đóng lãi nếu không sẽ kiện ra tòa và quấy rối.

11. Lừa nâng cấp SIM 4G:

Giả nhân viên nhà mạng đề nghị nâng cấp SIM. Sau khi nạn nhân nhắn tin theo cú pháp được hướng dẫn sẽ mất quyền kiểm soát SIM dẫn đến mất các tài khoản ngân hàng, mạng xã hội liên kết với SIM của bạn.

12. Lập sàn giao dịch tiền ảo, chứng khoán:

Quảng cáo hấp dẫn về lợi nhuận để thu hút người chơi, khi người chơi nạp số tiền lớn vào sàn hoặc vào ứng dụng thì không cho rút tiền.

13. Lừa đảo “cho số lô, số đề”:

Để nhận được số người chơi phải đóng phí, nếu không trúng thì mất phí. Nếu trúng thì phải chia hoa hồng cho các đối tượng theo giá trị, yêu cầu đóng phí để nhận thưởng rồi chiếm đoạt.

14. Làm nhiệm vụ qua ứng dụng, tuyển cộng tác viên:

Làm nhiệm vụ: thanh toán đơn hàng Shopee, Tiki, theo dõi Facebook, Tiktok người nổi tiếng,…Từ 1 đến 2 lần đầu sẽ được hoàn tiền, khi nhiệm vụ có số tiền lớn hơn sẽ bị lỗi, đóng liên tiếp/không đóng đều mất tiền.

15. Giả danh cán bộ viễn thông, Cục Văn thư:

Thông báo nạn nhân nợ cước hoặc tín dụng sau đó chuyển sang bên xưng là Công an để yêu cầu nạn nhân đóng tiền cho chúng để phục vụ “điều tra”.

16. Giả mạo lãnh đạo tỉnh, Sở, ban ngành:

Lập tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo,…) sử dụng hình ảnh, uy tín lãnh đạo nhắn tin cấp dưới để mượn tiền đơn giản. Yêu cầu đóng phí vay, phí để sửa thông tin trong hồ sơ rồi chiếm đoạt.

Khi gặp các thủ đoạn trên, người dân cần tỉnh táo, đề cao cảnh giác, không làm theo, không cung cấp thông tin cá nhân, không chuyển tiền cho bất kỳ ai mà chưa biết rõ thông tin, tuyệt đối không cung cấp số OTP, tài khoản E-Banking cho bất kỳ ai để tránh bị lừa mất tiền oan.

S.T