Kinh Bắc – Cái nôi của Phật giáo Việt Nam
(BNP) - Bắc Ninh, Kinh Bắc mảnh đất ngàn đời của dân tộc ta, nơi được lưu truyền những giá trị văn hóa truyền thống cổ xưa cho tới tận ngày nay. Đây còn là cái nôi của tinh hoa đất trời như những làn điệu dân ca quan họ đằm thắm, trữ tình; những thức đồ giản dị mà làm xao xuyến lòng người và còn cả văn hóa phật giáo Việt Nam giàu truyền thống.
Chùa Dâu.
Dải đất Kinh Bắc được coi là nơi nâng đỡ nền phật giáo Việt Nam phát triển vì khi xưa, nơi đây là trung tâm văn hóa Phật giáo lớn, cổ kính phải kể đến như thành cổ Luy Lâu, chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Phật tích…
“Dù ai đi đâu về đâu
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về.
Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu.”
Là một người con của xứ Kinh Kỳ, khi nhắc tới văn hóa phật giáo của nước ta, ta không thể không nhắc tới Chùa Dâu - một trong những ngôi chùa cổ bậc nhất của Việt Nam. Nơi đây được khởi công xây dựng từ những năm 187 đầu Công nguyên, nếu tính đến nay, chùa Dâu cũng đã có hơn 2000 năm thăng trầm lịch sử. Chốn đây là nơi lui tới của các thiền sư Ấn Độ trực tiếp truyền dạy đạo Phật và những nhà sư Trung Hoa lập nên một phái thiền ở Việt Nam. Chùa Dâu nay thuộc thôn Khương Tự, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Cùng với thành Luy Lâu, chùa Dâu đã sớm trở thành trung tâm phật giáo lớn của nước ta.
Nền văn hóa phật giáo Việt Nam ta càng được phát triển hưng thịnh vào thời Lý - Trần. Và xứ Kinh Kỳ lại có thêm một ngôi chùa mang đậm hơi hướng phật giáo đó là chùa Phật Tích. Theo tương truyền, ngôi chùa cổ kính này được khởi công xây dựng vào năm 1057 với nhiều tòa tháp lớn. Nơi đây được gắn liền với huyền tích “Từ Thức gặp tiên” và tích Phật A Di Đà xuất hiện. Chùa được xây dựng vào thời nhà Lý do vua Lý Thánh Tông xây dựng lên. Thuở ấy, chùa Phật Tích còn được các triều đại lớn sử dụng vào công việc chính sự như tổ chức thi Trạng nguyên, Tiến sĩ… Hiện nay, Phật Tích tọa lạc tại sườn núi phía nam Lạn Kha, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Thoạt nhìn qua, ta có thể thấy nó cũng trông giống như các ngôi chùa khác, nhưng với bề dày hơn ngàn năm thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, Phật Tích đã trở thành một trong những trung tâm phật giáo lớn nhất của Việt Nam. Chốn đây còn gây ấn tượng đậm nét với Đại Phật tượng - bức tượng phật cao 27m được đặt trên đỉnh núi Lạn Kha được lấy nguyên mẫu theo tượng Phật A Di Đà được thờ trong chùa. Bức tượng đã đạt kỉ lục là bức tượng cao nhất Đông Nam Á. Du khách tới đây có thể thưởng thức bức tranh phong cảnh với núi non trùng điệp, hùng vĩ đến lạ lùng.
Những năm đầu Công nguyên, khi các nhà thiền sư người Ấn Độ mang nền văn hóa phật giáo du nhập vào Việt Nam ta, những công trình kiến trúc phật giáo của nước ta cũng từ đó mà chịu ảnh hưởng. Đến với chùa Dâu, ngôi chùa có bề dày lịch sử gắn liền với dân tộc ta với hơn 2000 năm. Nơi đây được xây dựng theo lối “nội công ngoại quốc” với bốn dãy nhà liên thông hình chữ nhật bao quanh ba ngôi nhà chính: tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Một trong những ấn tượng mà du khách khi tới đây khó có thể quên được là những pho tượng thờ. Ở gian giữa chùa có tượng Bà Dâu, hay nữ thần Pháp Vân, uy nghi, trầm mặc, màu đồng hun, cao gần 2m được bày ở gian giữa. Bên cạnh đó tháp xây bằng loại gạch cỡ lớn, được nung thủ công tới độ có màu sẫm già của vại sành. Thời gian và những cuộc chiến tranh đau thương đã lấy đi sáu tầng trên của tháp, nay chỉ còn ba tầng dưới, cao khoảng 17 m nhưng vẫn uy nghi, vững chãi thế đứng giữa hàng ngàn năm biến động của lịch sử nước nhà. Chân tháp vuông, mỗi cạnh gần 7m, tầng dưới có bốn cửa vòm. Trong tháp, treo một quả chuông đồng đúc năm 1793 và một chiếc khánh đúc đồng năm 1817. Có 4 tượng Thiên Vương cao 1,6 m ở bốn góc. Trước tháp, bên phải có tấm bia vuông dựng năm 1738, bên trái có một bức tượng dài 1,33 m, cao 0,8 m. Tượng này là dấu vết duy nhất còn sót lại từ thời nhà Hán. Bên cạnh đó, ta không thể không nhắc tới kiến trúc điêu khắc của chùa Bút Tháp đây là một trong những công trình có quy mô lớn nhất Đồng Bằng Bắc Bộ. Phật điện của chùa gần như nguyên sơ của một ngôi chùa cổ Việt Nam, gồm 10 nếp nhà nằm trên một trục dài hơn 100m qua cửa Tam quan, đến gác chuông hai tầng, tám mái. Chùa vẫn dùng khung gỗ chịu lực trên nền bệ lan can dùng đá rất phổ biến, xung quanh có những hình động vật được khắc trông sinh động và độc đáo, trang trí được thể hiện ở mọi nơi trên các chất liệu gỗ và đá, ở kiến trúc và ở các đồ thờ. Đặc biệt trên lan can tòa Thượng Điện có 26 bức chạm khắc đá, cầu đá nối với Tòa Thích Thiện Am có 12 bức và ở chân tháp Báo Nghiêm có 13 bức. Như vậy tổng cộng các bức chạm khắc đá ở chùa Bút Tháp là 51 với những đề tài khác nhau, nhưng đều thống nhất với nhau ở mặt chất liệu, phong cách và thống nhất về niên đại. Có như vậy ta mới thấy được những công trình kiến trúc phật giáo cổ xưa của Việt Nam luôn được kế thừa và sáng tạo từ những nhà thiền sư Ấn Độ và Trung Hoa thời bấy giờ.
“Làng quê yên ả thanh bình
Bắc Ninh phong cảnh hữu tình nên thơ”
Bắc Ninh, Kinh Bắc chính là cái nôi của phật giáo Việt Nam bao đời nay. Tỉnh nhà vẫn luôn duy trì và phát huy hết những giá trị văn hóa của dân tộc ta, đem đến cho thế hệ mai sau những bài học về truyền thống lí thú và bổ ích, gây niềm hứng thú với văn hóa của vùng đất địa linh nhân kiệt này.