Lan tỏa phong trào Tết trồng cây
(BNP) - Xuân Canh Tý năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng phong trào toàn dân tham gia “Tết trồng cây”. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, khắp các địa phương, cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh lại đồng loạt ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Đây là nét đẹp văn hoá đã được duy trì nhiều năm qua, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trồng cây tại Khu lưu niệm đồng chí Lê Quang Đạo (thị xã Từ Sơn).
Xác định tầm quan trọng về môi trường sinh thái cũng như những giá trị kinh tế mà rừng đem lại, những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã không ngừng tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ, phát triển thêm hàng triệu cây, tăng diện tích che phủ đồi trọc.
Đến nay, diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh Bắc Ninh là 577 ha, trong đó, diện tích rừng là 574 ha; diện tích chưa có rừng là 3 ha. Độ che phủ rừng toàn tỉnh chiếm 0,68%. Năm 2020, toàn tỉnh trồng được 132.700 cây phân tán các loại đạt 100% so với kế hoạch năm. Từ phong trào này, không chỉ diện mạo khắp các vùng đô thị, nông thôn ngày càng văn minh, đẹp hơn, mà diện tích rừng cũng tăng dần qua các năm.
Trong năm, toàn tỉnh đã triển khai thi công các hạng mục trồng rừng nâng cấp, cải tạo là 35 ha; trồng băng xanh cản lửa 2,0 km thuộc Chương trình đầu tư cải tạo nâng cấp rừng phòng hộ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2015-2020, đạt 100% so với kế hoạch. Chăm sóc rừng năm 2, năm 3, năm 4 với 100 ha rừng cải tạo nâng cấp, 6,0 km băng xanh cản lửa.
Để hoạt động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” dịp đầu xuân Tân Sửu 2021 được thiết thực, hiệu quả, trong tháng 1/2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản về việc tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021 trên cơ sở bám sát Chỉ thị số 45-CT/TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, yêu cầu chung là phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của Tết trồng cây; tạo được phong trào mạnh mẽ và huy động được các tầng lớp nhân dân, tổ chức, cơ quan, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang tích cực trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, các điểm trồng cây, phải đảm bảo tính hiệu quả lâu dài về mặt kinh tế, phát huy được giá trị về môi trường, cảnh quan, trước mắt tập trung trồng tại các khu trung tâm, các tuyến phố, trục đường giao thông, tại khu đất trống trong các cơ quan, khu công nghiệp, trường học... Sau khi trồng phải tổ chức chăm sóc và bảo vệ để cây sinh trưởng, phát triển tốt. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến.
Đặc biệt, thực hiện mục tiêu của Chính phủ là trồng 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh dự kiến triển khai trồng cây cả giai đoạn là 1.500.000 cây; trong đó, năm 2021 là 214.0000 cây; năm 2022 là 286.000 cây; năm 2023 là 357.000 cây; năm 2024 là 357.000 cây; năm 2025 là 286.000 cây. Các cây trồng chủ yếu là các loài cây thân gỗ, cây lâu năm, cây đa mục tiêu, ưu tiên các loài cây bản địa.
Bên cạnh đó, huy động nguồn lực về lao động, sự tình nguyện tham gia của các tổ chức, đoàn thể, quần chúng, các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh. Phát động phong trào thi đua như “Ngày Chủ nhật xanh”, “Trồng thêm một cây xanh là thêm một hành động vì môi trường”, “Màu xanh cho tương lai”… để kêu gọi, vận động toàn dân tham gia trồng cây, trồng rừng, tạo nên phong trào thường xuyên, liên tục, hiệu quả trong toàn xã hội. Đưa nhiệm vụ trồng cây trở thành phong trào thi đua của các cấp, các ngành và mọi người dân.
Ngay sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, 8 huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành, đơn vị trong tỉnh đã đồng loạt đăng ký tổ chức “Tết trồng cây”với đa dạng các chủng loại cây và hữu ích cho địa phương. Tại trường học, khu dân cư, bệnh viện trồng các loại cây: Bàng, phượng, xà cừ, muồng ngủ, muồng hoa đào, riềng riềng, hồng, vông, sữa, ngọc lan, long não, dạ hương, bàng lang nước, muồng hoa vàng, vàng anh, bạch đàn, đào phai, dừa, cau đẻ, cau lùn. Tại công viên, vườn hoa, các khu công nghiệp, bến tàu, bến xe, bến cảng, chợ, trồng các loại cây trang trí quý, như vạn tuế, bánh hỏi, trúc phật bà, trà mi, đỗ quyên, huyết dụ, cau bụi, cau lùn, cau ta, trúc đào, tương tư, dẻ, lai, phi lao... Trên các vành đai xanh, giải xanh phòng hộ trồng cây sấu, các loại muồng, bàng, quyếch, chẹo, long não, phi lao…
Thời điểm tổ chức phát động “Tết trồng cây” trên toàn tỉnh bắt đầu từ ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu 2021 - ngày 06 tháng Giêng (tức ngày 17/02/2021). Phấn đấu năm 2021, trồng ít nhất 214 nghìn cây phân tán.
Để phong trào Tết trồng cây tiếp tục được lan tỏa, thực sự ý nghĩa, ngoài việc đẩy mạnh và nhân rộng phong trào trồng cây, gây rừng, các ngành, địa phương cũng cần chú trọng đến chất lượng, hiệu quả, trồng phải gắn với trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ cho tỷ lệ cây sống, phát triển ở mức cao. Đặc biệt, đối với tỉnh Bắc Ninh đang trong quá trình phát triển trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại gắn với bảo vệ môi trường bền vững, thì việc trồng, bảo vệ, chăm sóc cây xanh ở các nhà máy, xí nghiệp và khu vực xung quanh khu công nghiệp cần phải đặt lên hàng đầu. Qua đó, góp phần tích cực đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian sắp tới.