Làng nghề đúc đồng nổi tiếng xứ Kinh Bắc

30/06/2019 09:25

(BNP) – Là một trong số những làng nghề gò, đúc đồng truyền thống lâu đời xứ Kinh Bắc, đến nay làng Đại Bái (huyện Gia Bình) đã khẳng định được vị thế làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu của Việt Nam với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo.

Khách hàng đang lựa chọn bộ đỉnh đồng về thờ cúng tổ tiên.

Vẫn biết làng Đại Bái (tên nôm là “Bưởi Nồi” thuộc xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) không phải là một địa phương có nghề gò, đúc đồng sớm nhất trên đất nước ta, nhưng Đại Bái là một làng quê có nghề làm đồ đồng từ rất lâu đời. Trước đây, làng chuyên làm các đồ đồng gia dụng phục vụ đời sống sinh hoạt của các gia đình như nồi, sanh, chậu, ấm, chén…

Đầu thế kỷ XI, một người làng là ông Nguyễn Công Truyền đã có công tổ chức lại sản xuất nghề gò, đúc đồng của làng phát triển lên một bình diện mới. Đến thế kỷ XV, XVI, 05 ông Tiến sỹ người làng Đại Bái gồm: Nguyễn Viết Lai, Nguyễn Xuân Nghĩa, Vũ Viết Thái, Phạm Ngọc Thanh, Nguyễn Công Tâm, sau khi hưu quan, các ông đã về làng thúc đẩy việc sản xuất đồng thành các phường có sự chuyên môn hóa như phường này chuyên gò nồi, phường kia chuyên làm mâm, phường khác lại chuyên làm ấm, làm chậu…Có phường chuyên bán và buôn…

Sau bao thăng trầm của lịch sử, làng Đại Bái ngày nay có 5 xóm, mỗi xóm chuyên một loại sản phẩm như: Xóm Sôn chuyên đồ thờ và chậu; xóm Tây chuyên về mâm, chiêng, cồng, thanh la; xóm Giữa chuyên niêu, siêu; xóm Ngoài chuyên nồi; xóm Đống đất chuyên đúc đồng. Những năm chiến tranh, làng nghề bị thất truyền, số nghệ nhân cũng vì đó mà ít dần. Từ những năm 1990 đến nay, làng nghề được khôi phục. Hiện nay, làng Đại Bái có trên 70 doanh nghiệp và gần 700 hộ làm nghề với hơn 1.700 lao động chuyên làm các mặt hàng từ đồng, nhôm truyền thống.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Đại Bái Nguyễn Văn Quảng cho biết: Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành, một số doanh nghiệp, hộ sản xuất đã nỗ lực bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống của cha ông phát triển, đưa sản phẩm làng nghề tới nhiều vùng miền trong cả nước và vươn ra thị trường quốc tế. Đặc biệt, từ năm 2016 sản phẩm đồ đồng Đại Bái được cấp chứng nhận bảo hộ Nhãn hiệu tập thể, chính vì vậy, bên cạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Đài Loan,... thì nay đồng Đại Bái đã xuất khẩu sang được các thị trường khó tính như Nhật Bản, các nước Châu Âu và Đông Nam Á… nhờ đó doanh thu của xã không ngừng tăng qua các năm, năm 2017 đạt gần 240 tỷ đồng, năm 2018 doanh thu ước đạt 260 tỷ, đời sống của người dân nơi đây ngày càng được tăng lên.

Để gìn giữ và phát triển làng nghề, đồng thời, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất đồ đồng thủ công đã không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm. Giờ đây, những sản phẩm đồng không dừng lại ở việc trau chuốt, trơn nhẵn, mà người ta còn khảm, cẩn các chi tiết hoa văn cầu kỳ, tinh xảo trang trí lên bề mặt các sản phẩm cho thêm phần sinh động, đẹp mắt... Cùng với đó, việc mở rộng thị trường cũng được quan tâm, các sản phẩm của Đại Bái không còn bó hẹp quanh làng nghề mà đã được du khách trong nước và quốc tế biết đến thông qua các cửa hàng đại diện, website quảng bá sản phẩm của làng nghề.

Với khát vọng, hoài bão của những người dân làng nghề đúc đồng Đại Bái, nội lực từ chính đôi bàn tay khéo léo, đức tính cần cù, sáng tạo của những người thợ đúc đồng nơi đây sẽ góp phần tạo dựng cho nghề truyền thống của quê hương Đại Bái ngày càng khởi sắc, vươn xa.
N.N