Lễ hội đẹp nhờ ý thức cộng đồng
Mỗi mùa xuân đến, công tác quản lý lễ hội lại được xếp vào danh sách những nhiệm vụ “nóng”, đòi hỏi các ngành chức năng phải dồn sức, tập trung nhiều nguồn lực cùng phối hợp tích cực với quyết tâm giảm thiểu, hạn chế tối đa những mặt trái trong lễ hội.
Lễ hội Kinh Dương Vương (Thuận Thành).
Nhưng năm nào cũng vậy, câu chuyện về quản lý lễ hội vẫn nói mãi chẳng hết và làm thế nào để có được một mùa lễ hội thật sự trong sạch vẫn là điều trăn trở của hầu hết các địa phương trong tỉnh.
Lễ hội có ý nghĩa tích cực trong việc làm phong phú đời sống tinh thần của cộng đồng cũng như góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Hoạt động lễ chùa, du xuân, trảy hội không chỉ là thói quen bình thường mà đã trở thành nét đẹp văn hóa ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân đất Việt. Nhưng, tính thương mại hóa cùng các yếu tố lai căng đang ngày càng xâm nhập, lấn át làm biến dạng lễ hội; nhiều cá nhân, đơn vị vẫn coi lễ hội là “mảnh đất màu mỡ” để kiếm tiền, trục lợi.
Năm 2012, mùa lễ hội miền Quan họ được dự báo sẽ khá nhộn nhịp với sự đậm đặc và rộng mở về quy mô tổ chức đối với một số lễ hội tiêu biểu, mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa Bắc Ninh -Kinh Bắc như: hội Lim, hội Kinh Dương Vương, hội chùa Phật Tích… Chính vì vậy, để các lễ hội trên địa bàn tỉnh được tổ chức lành mạnh, vui tươi, đậm bản sắc truyền thống văn hóa, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý lễ hội, hướng dẫn, kiểm tra từ khâu chuẩn bị đến việc tổ chức lễ hội. Ông Nguyễn Quang Nhị, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Năm nay, cùng với việc quán triệt, rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, quản lý và lên phương án xóa bỏ những “hạt sạn” ở các mùa lễ hội trước, ngành cũng tổ chức triển khai và ban hành hướng dẫn chi tiết về công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Theo đó, việc tổ chức lễ hội phải được thực hiện đúng quy trình, thủ tục và có báo cáo bằng văn bản sau khi kết thúc lễ hội; phần lễ cần được tiến hành trang trọng, nêu bật ý nghĩa, giá trị đặc sắc của từng lễ hội; phần hội phải lựa chọn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi mang tính giáo dục, phù hợp với lối sống, phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của địa phương, dân tộc; các BTC lễ hội cần được củng cố, kiện toàn và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, chuẩn bị tốt nội dung cũng như mọi điều kiện bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, tài sản, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và biện pháp phòng chống cháy nổ. Có biện pháp xử lý nghiêm các hiện tượng: khấn thuê, rút quẻ thẻ; lợi dụng lễ hội để lưu hành, đốt pháp dưới mọi hình thức; các hình thức thu phí không hợp lý; xâm hại, lấn chiếm di tích; hoạt động mê tín dị đoan; lưu hành văn hóa phẩm ngoài luồng; đốt đồ mã sai quy định; các hình thức đánh bạc trá hình bằng trò chơi có thưởng, trộm cắp, hành khất, bán hàng rong và mọi hành vi vi phạm pháp luật khác. Ngoài ra, cần sắp xếp, quy hoạch các dịch vụ ăn uống ở khu vực hợp lý, tránh làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm, linh thiêng của không gian lễ hội…
Có thể thấy rằng, việc tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý sau mỗi mùa lễ hội đều có kết quả với nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh lành mạnh, nâng cao mức hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, giao lưu cộng đồng, thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhưng “sạn” trong lễ hội vẫn còn không ít và để khắc phục triệt để những tồn tại đó không phải dễ, bởi những gì thuộc về văn hóa thì không thể dùng biện pháp xử phạt hành chính đơn thuần được. Vì thế, muốn làm trong sạch lễ hội, bên cạnh việc hoàn thiện các văn bản pháp luật, nâng cao trình độ quản lý, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm thì quan trọng hơn nhất vẫn là tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ ý nghĩa của lễ hội, từ đó nêu cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng và của mỗi người dân khi hòa mình vào không gian lễ hội.
Nguồn:
BBN