Lễ tiễn ông Công, ông Táo - nét văn hóa trong tín ngưỡng của người Việt
(BNP) - Lễ cúng ông Công, ông Táo từ lâu đã trở thành một phong tục, một nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt. Tiễn ông Táo về chầu trời, người dân gửi gắm nhiều điều ước vọng để đón một năm mới bình an, hạnh phúc.
Ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày tiễn ông Công, ông Táo về trời.
Hằng năm, cứ vào ngày 23 tháng chạp mọi người dân Việt đều thành kính chuẩn bị mâm cơm cúng, cá chép, hương hoa làm lễ tiễn ông Công, ông Táo. Không ai biết chính xác nét đẹp văn hóa này có từ bao giờ, chỉ biết rằng nó tồn tại từ rất lâu, đi vào tiềm thức của người dân qua nhiều thế hệ. Theo tín ngưỡng dân gian, ngày cúng ông Công, ông Táo chính là ngày vua bếp lên chầu trời báo cáo việc bếp núc, làm ăn, cư xử của gia đình trong năm đó.
Cá chép đỏ không thể thiếu trong dịp cúng ông Công, ông Táo cuối năm.
Lễ cúng thường được tiến hành trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp (có thể cúng từ 21 đến trưa ngày 23 tháng Chạp) bởi dân gian quan niệm, sau thời khắc này, các vị thần đã lên chầu trời nên sẽ không nhận được đồ cúng. Tiễn ông Công, ông Táo, người dân gửi gắm mong muốn các vị thần mang đi những vất vả, muộn phiền trong năm cũ để chuẩn bị tâm thế nhẹ nhàng bước vào một năm mới an lành, hạnh phúc.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo được người dân chuẩn bị từ sớm.
Xôi hình cá chép bày được trong mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo.
Đây cũng là dịp mọi người trở về nhà sum họp, quây quần sau một năm làm việc vất vả. Theo tục lệ cha ông truyền lại, mâm cỗ để tiễn ông Táo về trời, thường là các món ăn truyền thống để cúng Táo Quân, qua đó, gửi gắm mong muốn một năm mới bình an, sức khỏe cho cả gia đình.
Nghi lễ cúng ông Công ông Táo không cần quá rườm rà nhưng cũng phải chỉn chu, đúng với phong tục tập quán của từng vùng. Tuy nhiên đồ lễ cúng không thể thiếu bộ mã ông Công và ba bộ mã ông Táo. Ngoài ra còn có hương, hoa, oản, quả, cau, trầu; cùng một mâm cỗ được chuẩn bị cẩn thận, đầy đủ với xôi, gà, giò, nem, canh măng miến... Tuỳ theo khả năng, sự tín ngưỡng của từng gia đình mà nghi lễ cúng ông Công, ông Táo có thể khác nhau nhưng đều mang một sự tôn kính, trang trọng và thể hiện được lòng thành của gia chủ.
Những loại quả bày mâm ngũ quả như: Thanh long, cam, táo, bưởi, chuối, trầu cau...
Và để chuẩn bị “phương tiện” đi lại cho các vị thần, người dân cũng không quên cúng lễ vật mô phỏng hình cá chép hoặc phóng sinh cá chép. Phóng sinh cá chép ngày tết ông Công, ông Táo không chỉ là một nghi lễ tâm linh mà còn hướng con người đến những điều thiện, giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp. Nhiều người dân dẫn theo con em mình để đi phóng sinh cá, truyền lại những nét đẹp truyền thống trong văn hóa, phong tục mà người đời xưa để lại cho đến ngày nay. Nhằm giáo dục con em của mình phải biết giữ gìn, bảo vệ những nét đẹp nguồn cội.
Phóng sinh cá chép ngày tết ông Công, ông Táo không chỉ là một nghi lễ tâm linh mà còn hướng con người đến những điều thiện, giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Một năm mở đầu bằng Tết Nguyên đán và kết thúc bằng Tết ông Táo vào 23 tháng Chạp. Lễ cúng ông Công, ông Táo là một nét văn hóa đẹp, mang nhiều nét tâm linh. Tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời, chia tay mọi vất vả, muộn phiền của năm cũ khiến cho tâm của mỗi người trở nên thanh thản, nhẹ nhõm hơn để sẵn sàng tâm thế bước vào một năm mới bình an và hạnh phúc.