Mô hình “Sinh kế” bảo vệ môi trường của Hội LHPN thị trấn Thứa

27/05/2020 07:00

(BNP) – Thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2019-2025, đầu năm 2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Thứa, huyện Lương Tài triển khai mô hình “Sinh kế” thu gom, phân loại và ủ rác thải sinh hoạt thành phân vi sinh để bón cho cây trồng. Mô hình thiết thực này đã giúp hội viên phụ nữ và người dân tạo thói quen phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình, qua đó góp phần làm sạch môi trường.

Các chị em trong Tổ "Sinh kế" đang chăm sóc những luống rau sắp đến ngày thu hoạch. 

Thông qua mô hình “Sinh kế” sáng tạo của Hội LHPN thị trấn Thứa nhằm tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và nhân dân trên địa bàn thực hiện phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình, giảm thiểu tối đa lượng rác thải ra môi trường. Mô hình “Sinh kế” đầu tiên ra mắt tại thôn Phượng Trì với việc thành lập Tổ “Sinh kế” gồm 10 thành viên là hội viên phụ nữ. Qua trao đổi với Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Thứa Phạm Thị Vẻ, được biết: Sau khi lựa chọn thôn Phượng Trì là đơn vị làm điểm, Hội LHPN thị trấn Thứa đã cử Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Phượng Trì đi học tập kinh nghiệm xử lý rác thành phân vi sinh tại Hà Nội sau đó về truyền đạt kinh nghiệm cho các chị em trong Tổ. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt phụ nữ, trên hệ thống loa truyền thanh thôn về sự cần thiết, ý nghĩa của mô hình, vận động hội viên và người dân tích cực làm theo.

Quy trình xử lý rác theo mô hình “Sinh kế” rất đơn giản, hàng ngày, các loại rác thải sinh hoạt được thu gom và phân loại ngay từ hộ gia đình. Đối với rác hữu cơ như vỏ rau củ, cơm thừa… sau khi được thu gom được trộn với chế phẩm vi sinh theo tỷ lệ nhất định để tạo phân bón cho cây. Chế phẩm vi sinh không những thân thiện với môi trường, giúp cây trồng hấp thụ được sinh chất kích thích cây tăng trưởng, đồng thời, ức chế và tiêu diệt các vi khuẩn mầm bệnh có hại. Các loại rác vô cơ như túi nilon, nhựa… có thể tái chế sẽ được thu gom để bán phế liệu gây quỹ hoạt động của Tổ, phần rác còn lại được thu gom đến nơi quy định để đem ra bãi rác tập trung.

Là thành viên của Tổ “Sinh kế”, bà Nguyễn Thị Huyền cho biết: Khi được Chi hội Phụ nữ thôn tuyên truyền, phổ biến về lợi ích của việc dùng chế phẩm vi sinh để ủ rác thành phân bón cho cây và vận động chị em tham gia Tổ “Sinh kế”, tôi nhiệt tình đăng ký ngay. Ban đầu, phân vi sinh được dùng bón trên diện tích rau nhỏ, sau khi thấy rau, củ, quả lên xanh tốt, quả chín đều đẹp, chịu được môi trường mưa gió, ít bị dập nát hơn so với sử dụng phương pháp bón phân truyền thống, thì tôi cùng các thành viên trong Tổ đã mở rộng diện tích trồng trọt lên hơn 900 m2, chủ yếu trồng các loại rau bí, rau cải, rau muống, rau ngải cứu, tía tô... không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng rau sạch của chị em trong Tổ mà còn có thể bán để gây quỹ hoạt động.

Các loại rác hữu cơ được chị trộn với chế phẩm vi sinh cho vào thùng phi để ủ.

Nhờ chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm mà các loại rau, củ, quả của Tổ được tiêu thụ nhanh, bà con trong thôn, thị trấn hết sức tin tưởng đặt hàng sử dụng làm thực phẩm hằng ngày. Nhờ vậy mà mỗi chị em trong Tổ đều đặn thu nhập từ 2-2,5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, Tổ còn trích một phần quỹ để tặng quà cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn do đợt dịch Covid-19.

Từ khi triển khai đến nay, mô hình “Sinh kế” đã thu hút đông đảo hội viên và nhân dân trong thôn tham gia thực hiện. Đến nay, đã có 90/115 hộ gia đình (chiếm 78,2% số hộ trong thôn) tự giác thực hiện thu gom, phân loại rác thải ngay từ đầu nguồn. Trước đây, mỗi ngày thôn Phượng Trì phải thu gom 2 xe rác để lẫn lộn, không được phân loại, nhưng từ khi triển khai mô hình, lượng rác thải phải thu gom đã giảm hẳn, việc thu gom, phân loại cũng thuận tiện hơn. Đặc biệt, người dân không còn tình trạng vứt, đổ rác bừa bãi ở rìa đường, các bờ kênh mương, tạo môi trường trong lành cho thôn, xóm.

Đánh giá về hiệu quả thực hiện mô hình, bà Phạm Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lương Tài cho biết: Thời gian qua, Hội LHPN huyện đã phát động, triển khai nhiều mô hình thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần đưa huyện Lương Tài về đích nông thôn mới. Năm 2020, mô hình “Sinh kế” là một trong 3 mô hình (mô hình Khu dân cư không rác thải và mô hình An toàn trong môi trường canh tác) được Hội LHPN huyện chỉ đạo các cấp Hội triển khai, nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo hội viên phụ nữ và các tầng lớp nhân dân, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, môi trường thôn, xóm được đảm bảo. Tới đây, các mô hình sẽ tiếp tục được chỉ đạo, khuyến khích nhân rộng, góp phần chung tay bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện, tỉnh.

N.N