Một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2019
(BNP) - Công chức tố cáo sai sự thật có thể bị xử lý hình sự, học sinh lớp 1 học kỹ năng phòng chống xâm hại… là những chính sách mới sẽ có hiệu lực từ tháng 5/2019.
Học sinh lớp 1 sẽ học kỹ năng phòng chống xâm hại.
Dạy kỹ năng phòng chống xâm hại cho lớp 1
Tại Thông tư 05/2019/TT-BGDĐT ngày 05/4/2019, Bộ Giáo dục & Đào tạo yêu cầu danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 phải có bộ tranh về phòng tránh bị xâm hại, giúp học sinh hình thành năng lực tìm tòi khám phá kiến thức thông qua quan sát, vận dụng vào thực tế cuộc sống.
Bộ tranh gồm 2 tờ tranh minh họa về phòng tránh bị xâm hại. Trong đó, một tranh minh họa quy tắc bảo vệ cơ thể bé trai và bé gái phải có dòng chữ “Hãy nhớ! Không để ai sờ, động chạm vào cơ thể được đồ lót che kín. Trừ khi học sinh cần được bác sỹ thăm khám”.
Một tranh khác minh họa 3 bước phòng tránh xâm hại thông qua hình ảnh như bỏ chạy để thoát khỏi tình huống nguy hiểm hoặc kể lại với người thân… về những gì đã xảy ra với mình.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 21/5.
Công chức tố cáo sai sự thật có thể bị xử lý hình sự
Nghị định 31 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo được Chính phủ ban hành ngày 10/4 và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 28/5.
Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định là quy định các biện pháp xử lý đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức tùy theo tính chất, mức độ, vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có một trong các hành vi như biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần hoặc biết vụ việc đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần mà không có bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo.
Hành vi cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật hoặc sử dụng họ tên của người khác để tố cáo gây mất đoàn kết nội bộ hoặc ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cũng sẽ có hình thức xử lý tương tự.
Cộng điểm ưu tiên cho thí sinh có bằng trung cấp nghề
Thông tư 03 của Bộ Giáo dục & Đào tạo sửa đổi Quy chế thi THPT quốc gia nêu rõ, học sinh THPT, học viên giáo dục thường xuyên có giấy chứng nhận nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề trong thời gian học THPT thì được cộng điểm ưu tiên khi xét tốt nghiệp THPT.
Cụ thể, cộng 2 điểm nếu xếp loại giỏi với Giấy chứng nhận nghề, loại xuất sắc và giỏi đối với bằng trung cấp; cộng 1,5 điểm nếu xếp loại khá với Giấy chứng nhận nghề, loại khá và trung bình khá với bằng trung cấp; cộng 1 điểm nếu xếp loại trung bình.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 3/5.
Lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ôtô
Quyết định 16 của Thủ tướng có hiệu lực từ 15/5 quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ôtô tham gia giao thông và ôtô đã qua sử dụng nhập khẩu ngày 28/3.
Lộ trình áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải đối với ôtô tham gia giao thông. Cụ thể, ôtô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ôtô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất trước năm 1999 được tiếp tục áp dụng Mức 1; ôtô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ôtô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất từ năm 1999 đến hết năm 2008 áp dụng Mức 2 từ ngày 1/1/2021.
Ôtô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ôtô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất sau năm 2008 áp dụng Mức 2 từ ngày 1/1/2020.
Chỉ được nhập khẩu ôtô dưới 16 chỗ chở người qua 5 cửa khẩu
Thông tư 06 của Bộ Công thương có hiệu lực từ ngày 8/5 quy định ôtô chở người dưới 16 chỗ ngồi chỉ được nhập khẩu về Việt Nam qua các cửa khẩu cảng biển: Quảng Ninh (Cái Lân), Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thông tư 06 không áp dụng đối với các trường hợp như nhập khẩu, tạm nhập tái xuất của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ, Thanh tra chính phủ; Phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo kế hoạch do Thanh tra chính phủ phê duyệt hoặc mục đích cá biệt theo quyết định của Thanh tra chính phủ.
Đơn giản hóa điều kiện cấp giấy phép cho thuê lại lao động
Theo Nghị định 29 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 5/5, doanh nghiệp được cấp giấy phép cho thuê lại lao động khi đáp ứng 2 điều kiện.
Thứ nhất, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cho thuê lại lao động đảm bảo điều kiện: là người quản lý doanh nghiệp; không có án tích; đã làm việc trong lĩnh vực cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động từ đủ 3 năm trở lên trong thời hạn 5 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.
Điều kiện thứ hai là doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ 2 tỷ đồng.
So với trước đây, Nghị định mới này đã bãi bỏ điều kiện về vốn pháp định (2 tỷ đồng) và điều kiện về địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp.