Nghệ nhân Nguyễn Văn Cầu - “Bảo tàng sống” của Dân ca Quan họ

24/11/2022 09:10

(BNP) - Nghệ nhân Nguyễn Văn Cầu, sinh năm 1935, là 1 trong 6 nghệ nhân của Bắc Ninh vừa vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Ông Cầu năm nay gần 90 tuổi, song có tới gần 70 năm theo đuổi niềm đam mê Quan họ. Không chỉ là người truyền dạy Quan họ cho các thế hệ, ông Cầu còn được mọi người ví là “bảo tàng sống” của Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Cầu (bên phải) tự hào về Bằng công nhận Nghệ nhân Ưu tú do Chủ tịch nước công nhận.

Tâm sự về niềm đam mê Dân ca Quan họ, ông Cầu cho biết, sinh ra ở làng Quan họ gốc Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh, ông bén duyên với Quan họ từ năm 16 tuổi và được một số nghệ nhân giỏi trong làng như cụ Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Thị Khuê, Nguyễn Thị Lựu dìu dắt và chỉ bảo. Đến năm 30 tuổi, giọng hát của ông đã đạt đến độ “vang, rền, nền, nảy” của một “anh hai Quan họ”.  Năm 1969, khi biết Đoàn Quan họ Hà Bắc cũ về Thị Cầu thực tế học hỏi các nghệ nhân của địa phương, ông Cầu đã thu xếp thời gian để được tham gia cùng. Vì vậy, những câu Quan họ cổ khó, độc đáo riêng có của Thị Cầu ông đều có được và thể hiện rất hay.

Thời gian ấy, ông đã thuộc và hát được khoảng 80 câu Quan họ cổ. Ông Cầu thường xuyên tham gia nhiều canh hát giao lưu để trau dồi, học hỏi văn hóa, lề lối, trang phục, ẩm thực, các tục của người Quan họ. Ông cũng trực tiếp mở canh hát tại nhà và mời “liền anh, liền chị” các làng Quan họ bạn đến giao lưu và tham gia nhiều cuộc thi hát dân ca trong tỉnh.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Cầu cũng là người tập hợp, thành lập Câu lạc bộ Quan họ Thị Cầu do ông là chủ nhiệm. Từ năm 1993 đến nay, mặc dù không còn làm chủ nhiệm nhưng ông vẫn là “linh hồn” của câu lạc bộ khi vẫn tích cực tham gia truyền dạy quan họ cho nhiều thế hệ trong tỉnh; tham gia giảng dạy tại Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh; truyền dạy lớp Quan họ măng non...

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Cầu bên các liền anh, liền chị trong Câu lạc bộ Quan họ Thị Cầu. 

Đến nay, với mong muốn lan tỏa và gìn giữ vốn quý quê hương, nghệ nhân Nguyễn Văn Cầu tích cực hợp tác cung cấp tư liệu phục vụ công tác sưu tầm, lưu giữ, nghiên cứu về Di sản văn hóa Quan họ; các tư liệu, cách hát Quan họ Thị Cầu cho các cơ quan chuyên môn. Đặc biệt, ông cũng là một trong những người đóng góp tư liệu để Dân ca Quan họ Bắc Ninh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Chia sẻ về vai trò của nghệ nhân Nguyễn Văn Cầu trong công tác bảo tồn Quan họ, ông Lê Văn Trọng, Chủ nhiệm câu lạc bộ Quan họ Thị Cầu cho biết, ông Cầu là “bảo tàng sống” của Quan họ Thị Cầu nói riêng và Dân ca Quan họ Bắc Ninh nói chung. Hiện ông là cố vấn, truyền dạy cho các thành viên về cách “chơi” quan họ, cách tổ chức buổi hát canh theo lối cổ...

Ông Nguyễn Văn Cầu đang bước vào tuổi cửu thập, nước da tuy đã kém phần căng mượt, thay vào đó là những nếp nhăn của tuổi tác nhưng đôi mắt vẫn tinh anh, giọng hát vẫn “vang, rền, nền, nảy”. Ngoài những giải thưởng đạt được trong hơn 70 năm theo đuổi đam mê Quan họ, ông Cầu được UBND tỉnh vinh danh là nghệ nhân Dân ca Quan họ Bắc Ninh; Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.

H.H