PCI 2016: Bắc Ninh trở lại nhóm tỉnh xếp hạng Tốt

12/04/2017 19:07

(BNP) – Ngày 14/3/2017, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016. Với nhiều giải pháp quyết liệt của lãnh đạo tỉnh cùng các ngành chức năng và địa phương, tỉnh Bắc Ninh đã trở lại nhóm tỉnh xếp hạng Tốt trong bảng xếp hạng PCI toàn quốc năm 2016.

Bảng xếp hạng chỉ số PCI năm 2016 của các tỉnh, thành phố.

Năm 2016, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ; Chương trình số 151/CTr-UBND về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020; triển khai thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp dựa trên nền tảng cải thiện môi trường kinh doanh…

Đặc biệt, tại Chỉ thị số 04/CT-UBND, ngày 29/4/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các cấp tập trung thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, chịu trách nhiệm cải thiện các chỉ số thành phần liên quan đến quản lý nhà nước của đơn vị mình; khắc phục và cải thiện những chỉ số thành phần còn thấp và giảm điểm; cải thiện và duy trì các chỉ số ở mức cao và tăng điểm trong năm 2016, cải thiện thứ bậc nhằm đưa tỉnh Bắc Ninh trở lại nhóm có chỉ số PCI tốt trong bảng xếp hạng PCI toàn quốc năm 2016.

Với những giải pháp quyết liệt và cụ thể đã đưa Chỉ số PCI năm 2016 của tỉnh Bắc Ninh trở lại nhóm tỉnh xếp hạng Tốt, theo mục tiêu đã đề ra. 

Bắc Ninh trở lại nhóm tỉnh xếp hạng Tốt

Theo bảng xếp hạng năm 2016, PCI Bắc Ninh đã trở lại nhóm tỉnh xếp hạng Tốt, đạt 60,35 điểm (tăng 0,44 điểm) và xếp thứ 4 vùng đồng bằng Sông Hồng, tuy nhiên thứ hạng trên toàn quốc lại đứng thứ 17/63 giảm 4 bậc so với năm 2015. Bắc Ninh cũng đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Việt Nam trong tương lai, trong đó, lý do doanh nghiệp chọn tỉnh Bắc Ninh để đầu tư kinh doanh vì đánh giá cơ sở hạ tầng tốt (41,8%) và Chất lượng điều hành tốt (26,9%).
 
Nếu như năm 2015, Bắc Ninh có 04/10 chỉ số thành phần tăng điểm thì năm 2016 có 08/10 chỉ số thành phần tăng điểm gồm: Gia nhập thị trường, tăng 0,19 điểm; tiếp cận đất đai, tăng 0,19 điểm; Chi phí thời gian, tăng 0,13 điểm; Chi phí không chính thức, tăng 0,88 điểm; Tính năng động, tăng 0,25 điểm; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tăng 0,29 điểm; Cạnh tranh bình đẳng, tăng 1,27 điểm; Đào tạo lao động, tăng 0,35 điểm, đây là những Chỉ số luôn nằm trong nhóm 10 tỉnh tốt nhất trong nhiều năm qua.


Trong 8 chỉ số thành phần tăng điểm, thì chỉ số Tính năng động tăng 0,25 điểm, tuy có sự cải thiện so với năm 2015, nhưng thứ hạng lại tụt so với năm trước 2 bậc (giảm từ 16 xuống 18). Lý giải cho điều này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nguyễn Phương Bắc cho rằng, nguyên nhân chính từ nhiều năm qua chưa khắc phục đó là: "Doanh nghiệp đánh giá cao tính năng động và tiên phong của Lãnh đạo tỉnh nhưng cho rằng nhiều sáng kiến không được hiện tốt ở cấp Sở, ngành, cấp huyện. đồng thời nhiều tỉnh có những nỗ lực cải thiện nhanh hơn thông qua các sáng kiến mới về cải cách".  
 

Sự giảm điểm đáng tiếc của 2 chỉ số thành phần

Trong 02 chỉ số thành phần giảm điểm gồm tính minh bạch (giảm 1,24 điểm) và Thiết chế pháp lý (giảm 0,53 điểm), thì chỉ số Tính minh bạch có mức giảm sâu nhất bởi trong năm 2015 đây là chỉ số thành phần tăng điểm mạnh và đạt mức điểm cao nhất, tăng 7,11 điểm thì năm 2016 giảm điểm sâu và tụt 50 hạng từ thứ 2 xuống hạng 52.
 
Theo báo cáo khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, khoảng 77,73% doanh nghiệp đánh giá “mối quan hệ” là rất quan trọng để có thể tiếp cận được tài liệu của Sở, ngành; 30% - 46% doanh nghiệp đánh giá tốt chất lượng website của các Sở, ngành.
 
Xét về diễn biến điểm số Chỉ số thành phần Tính minh bạch so với một số tỉnh, điểm số Chỉ số Tính minh bạch của tỉnh Bắc Ninh năm 2014 tương đối cao (cao hơn tỉnh Quảng Ninh và tỉnh trung vị) và năm 2015 có bước nhảy vọt khi đứng thứ 2/63 về số điểm Chỉ số này. Tuy nhiên, điểm số năm 2016 đã tụt nghiêm trọng, thấp hơn tỉnh trung vị và ngược với xu hướng tăng điểm của các tỉnh đứng đầu vùng đồng bằng sông Hồng.

 
 
Thực tiễn kiểm chứng qua việc khảo sát, đánh giá Chỉ số ICT Index tỉnh Bắc Ninh năm 2016 cho thấy biến động này là xác thực. Nhiều Sở, ngành, UBND cấp huyện hầu như không sử dụng phần mềm “một cửa liên thông”; nhiều dịch vụ công trực tuyến đã được đầu tư nhưng thực tế ít được giao dịch; chưa tích cực tạo lập hồ sơ giải quyết công việc qua phần mềm quản lý văn bản.
 
Trong báo cáo phân tích Chỉ số PCI năm 2015, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nguyễn Phương Bắc đã chỉ rõ mâu thuẫn: “Tính minh bạch trong Chỉ số PCI năm 2015 tăng nhưng Chỉ số Chi phí không chính thức lại giảm điểm. Điều này nói lên chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính trên thực tế không tương xứng với những nội dung công khai minh bạch, cho thấy khoảng cách rất đáng tiếc giữa các nội dung các cơ quan công khai và thực hiện trên thực tế. Nguyên nhân ở đây chính là chất lượng của cán bộ liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính, công việc doanh nghiệp còn hạn chế và có thể dẫn tới tính thiếu bền vững của Chỉ số này”.
 
Về Chỉ số Thiết chế pháp lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh cho biết, đây là mức điểm thấp nhất kể từ năm 2013 đến nay và so với một số tỉnh, thành phố, mức điểm số Thiết chế pháp lý của Bắc Ninh năm 2016 thuộc mức dưới trung bình. Đặc biệt, qua khảo sát đánh giá, doanh nghiệp còn hoài nghi vào khả năng bảo vệ của pháp luật tại địa phương trong trường hợp tố cáo tham nhũng. Trong giai đoạn 2013 – 2016, tỉ lệ doanh nghiệp tham gia điều tra PCI cho rằng “nếu một cán bộ làm trái quy định nhà nước, hệ thống pháp luật sẽ có cơ chế giúp doanh nghiệp tố cáo hành vi của cán bộ đó” chưa có sự cải thiện mạnh mẽ.


Điều đáng tiếc, theo ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh là chúng ta đã không giữ được điểm số của 2 chỉ số thành phần này, trong khi chúng ta có thể làm tốt hơn. 
 
Áp lực cải cách

Theo Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nguyễn Phương Bắc, Chỉ số PCI tỉnh Bắc Ninh năm 2016 có sự tiến bộ nhưng trong bối cảnh các tỉnh có những sáng kiến và áp lực cải cách mạnh mẽ thì Bắc Ninh cần có những quyết tâm mới. Trong đó, tập trung vào thực hiện tốt những cam kết, thông điệp của Lãnh đạo tỉnh đã đề ra trên thực tế; thực thi những áp lực cải cách đủ mạnh, nhất là trong đánh giá cán bộ, phát huy tính năng động tiên phong, đề cao tinh thần trách nhiệm, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, tạo áp lực để thực hiện tốt quyết tâm cải cách của lãnh đạo tỉnh. Đồng thời, cần coi trọng quá trình cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy nâng cao chất lượng quản trị địa phương phù hợp với quy mô kinh tế tăng nhanh và quá trình đô thị hóa, xây dựng chính quyền đô thị hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022.
 
Trước mắt, tỉnh cần sớm thành lập và đưa Trung tâm Hành chính công trực thuộc UBND tỉnh và Trung tâm Hành chính công cấp huyện đi vào hoạt động; tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị 09/CT-UBND về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước. Nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, đặc biệt là các dịch vụ công liên quan trực tiếp tới doanh nghiệp và người dân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia giải quyết các công việc liên quan đến hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước...

 

S.T