Phát triển công nghiệp – thế mạnh của Bắc Ninh
Khu công nghiệp Samsung - Yên Phong
Không chỉ được biết đến là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, Bắc Ninh còn gây ấn tượng bởi sức bật ngoạn mục và là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp.
Bắc Ninh là tỉnh nằm ở cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, nằm trong vùng tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh cho nên có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế. Ngoài ra, những yếu tố thuận lợi về địa lý, những nỗ lực của tỉnh trong việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo nhiều cơ chế hỗ trợ đặc thù đã giúp Bắc Ninh trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong năm 2020, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 2.390 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 23,1 nghìn tỷ đồng; vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,66 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, đã thu hút 1.432 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 180 nghìn tỷ đồng; thành lập 18.879 doanh nghiệp với tổng số vốn điều lệ đăng ký là 284 nghìn tỷ đồng; 1.628 dự án FDI còn hiệu lực với số vốn đăng ký đạt 19,9 tỷ USD. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực điện tử và phụ trợ điện tử hàng đầu thế giới như: Samsung, Canon, Foxconn, Hanwha Techwin, Fushan Technology …
Bên cạnh các khu công nghiệp tập trung, tỉnh còn quy hoạch 32 cụm công nghiệp với tổng diện tích 864,89 ha; trong đó, có 22 cụm đã đi vào hoạt động. Ngoài ra, tỉnh còn có 62 làng nghề với các ngành nghề đa dạng, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.
Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp, hơn 20 năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới. Tỉnh cũng chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ phụ trợ như: ngân hàng, logistic, khai thuế hải quan, thông tin liên lạc… để phục vụ tốt nhất hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.Nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư được tỉnh triển khai có hiệu quả như: Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; đổi mới công tác xúc tiến đầu tư nhằm phát triển các chuỗi dự án, các lĩnh vực mũi nhọn; đẩy mạnh hợp tác với các Bộ, ngành Trung ương, đại sứ quán các nước tổ chức các sự kiện ngoại giao, các hoạt động đối ngoại, tăng cường hợp tác giao lưu kinh tế...
Thực tế hiện nay, công nghiệp hỗ trợ có vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển ngành công nghiệp nói riêng và đối với phát triển kinh tế nói chung. Ngoài việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo chiều rộng và chiều sâu, công nghiệp hỗ trợ còn góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Hiện tại, cùng với sự phát triển của các ngành công nghiệp trọng điểm, ngành công nghiệp hỗ trợ của Bắc Ninh trong những năm gần đây cũng đã phát triển khá lớn mạnh ở 3 lĩnh vực là điện - điện tử, cơ khí chế tạo và công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, với khoảng 500 doanh nghiệp.
Ngành công nghiệp Bắc Ninh đang giữ vai trò ngày càng quan trọng trong việc duy trì tốc độ phát triển sản xuất của toàn tỉnh; chính hiệu quả từ thực tiễn đã đưa Bắc Ninh trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về phát triển công nghiệp, thu hút lượng lớn nguồn vốn và các dự án đầu tư nước ngoài.
Với phương châm lấy niềm tin, sự hài lòng của doanh nghiệp làm mục tiêu cốt lõi, Bắc Ninh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, sẵn sàng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư, tập trung phát triển nguồn nhân lực bảo đảm về số lượng và chất lượng cho các doanh nghiệp.
Phát huy những kết quả trong phát triển công nghiệp, với mục tiêu tăng cường thu hút đầu tư, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, thời gian tới, Bắc Ninh đã đề ra các giải pháp điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh, định hướng phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và của cả nước./.