Quan họ - Thanh âm xứ Kinh Bắc

02/03/2022 08:40

(BNP) - Chảy trong mình dòng máu của người con Kinh Bắc là những làn điệu dân ca quan họ trữ tình, mượt mà, da diết mà cũng rất đỗi ngọt ngào. Dân ca quan họ cứ thế đi vào trong tâm thức, trở thành món ăn tinh thần quý báu, nét văn hoá rất riêng của xứ kinh kỳ.

Ảnh minh họa.

Quan họ là một làn điệu, một loại hình dân ca đặc sắc, một lối hát giao duyên nổi tiếng của vùng đồng bằng Bắc Bộ – Việt Nam mà tập trung chủ yếu ở vùng Bắc Ninh – Kinh Bắc. Tên gọi “Quan họ” đã có từ rất xa xưa, không ai biết chính xác vì sao lại có tên gọi này. Có rất nhiều giả thuyết lý giải nhưng cho đến nay chưa có giả thuyết nào có đủ tính thuyết phục. Có giả thuyết cho rằng “quan họ” là thể loại âm nhạc của “họ nhà quan” nên được gọi là “Quan họ” (khác với các thể loại dân ca khác, quan họ không được sinh ra từ tầng lớp nhân dân lao động, mà được sinh ra từ tầng lớp trung lưu nông thôn). Cũng có truyền thuyết cho rằng, có một ông quan cưỡi ngựa đi qua làng Diềm Xá (xã Hòa Long, huyện Yên Phong), gặp một cô gái đang hát điệu dân ca. Ông quan dừng ngựa lại (họ) để nghe, mê tiếng hát và đặt tên là làn điệu quan họ.

Quan họ như con người xứ này, vừa khéo léo, tế nhị mà lại rất kín đáo. "Mỗi khi khách đến chơi nhà", không chỉ "rót nước pha trà" mời khách, mà cùng với đó là những câu hát thắm đượm nghĩa tình: "Mỗi khi khách đến chơi nhà/ đốt than quạt nước pha trà mời người xơi/ trà này quý lắm người ơi/ Mỗi người một chén cho tôi vui lòng"... Qua từng lời ca, câu hát, bao tâm tình được gửi gắm. Như các làn điệu mời nước, mời trầu thật chân tình, nồng thắm mỗi khi có khách đến chơi nhà “đôi tay nâng chén rượu đào, đổ đi thì tiếc, uống vào thì say". Quan họ uống chén rượu mừng xuân, mừng hội, vui bầu, vui bạn… rồi ca xướng cho tan canh mãn võ, cho tàn đêm rạng ngày, rồi các làn điệu chia tay giã bạn đầy quyến luyến trong câu hát "Người ơi người ở đừng về"tàn canh, giã hội rồi mà quan họ vẫn còn ngậm ngùi tiếc nhớ "Người về tôi vẫn ngậm ngùi, để thương, để nhớ cho tôi thế này... Người về tôi chẳng dám nài, áo trong người mặc, áo ngoài người để làm tin"… Và để rồi kết thúc bằng những lời hứa hẹn tha thiết "Đến hẹn lại lên"… trong mùa hội tới.

Quan họ không chỉ đẹp về cả lời ca mà còn cả thanh điệu du dương, nhẹ nhàng như những cô gái đằm thắm. Thanh điệu lên xuống trầm bổng, âm vực cao thấp khác nhau khiến người nghe không thể dứt ra được, nghe một lần mà lưu luyến mãi không buông. Những vị khách lần đầu đến đây cũng vì những lời ca da diết này mà đem lòng yêu mến mảnh đất hiếu khách thân thương, đem lòng say đắm luôn cả những liền anh, liền chị duyên dáng trong tà áo “mớ ba mớ bảy’. Có thể nói Bắc Ninh là cái nôi của lễ hội dân gian dân tộc, khi có hơn 500 lễ hội truyền thống khác nhau. Mỗi lễ hội là một viện bảo tàng sống văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng. Mỗi độ xuân đến, hòa cùng sắc đỏ rực rỡ của hoa đào, sắc vàng tươi thắm của hoa mai, là tiếng cười nói rôm rả, không khí náo nhiệt sôi động, sắc áo tứ thân lấp ló trong dòng người tấp nập, nhộn nhịp đi lễ, trẩy hội. Và chẳng biết từ bao giờ, những thứ thanh âm tha thiết ấy đã ngấm vào trong máu thịt, trở thành một phần tiềm thức, là hiện hữu cho quê hương thân yêu của mình.

Giờ đây, chúng ta chỉ còn những câu hát quan họ ở các lễ hội hay những ngày lễ lớn của dân tộc. Phải chăng, giới trẻ đã dần quên đi làn điệu da diết ấy, dần quên đi một phần cội nguồn, gốc rễ, những nét đẹp văn hóa lâu đời. Thật ra vẫn còn rất nhiều người trẻ yêu dòng nhạc xưa cũ này, và họ đã sử dụng những cách riêng của mình để đưa âm nhạc dân gian, đặc biệt là quan họ đến gần hơn với khán giả. “Bèo dạt mây trôi, chốn xa xôi. Anh ơi, em vẫn đợi bèo dạt.” Đó là một làn điệu dân ca quan họ vô cùng nổi tiếng, thể hiện nỗi nhớ thương tha thiết của cô gái dành cho chàng trai. Nhưng bạn nghĩ sao nếu chúng ta phổi khí với những nhạc cụ hiện đại như piano hay hát bằng lời Anh. Quả là vô cùng sáng tạo đúng không? Bằng cách đó, âm nhạc dân gian đã đến gần hơn với những thính giả trẻ. Hay ca sĩ Đức Phúc với bài Người ơi người ở đừng về. Anh đã mượn những chất liệu cổ xưa như làn điệu quan họ” Người ơi người ở đừng về” và nhạc cụ dân gian kết hợp với lời ca, phối khí hiện đại. Vừa cũ vừa mới, vừa lạ lại vừa quen. Đó là cách một thế hệ trẻ đầy tài năng thổi hồn vào những thứ bị xem là xưa cũ.

Hãy thử lắng lại và ngồi nghe một bài quan họ, ngắm nhìn các liền anh liền chị duyên dáng thướt tha trong chiếc áo tứ thân, hay ngồi nghe từ chính những người nghệ sĩ nghiệp dư ông, bà của chúng ta, bạn sẽ nhận ra rằng: Thật ra những giá trị tốt đẹp ấy chưa hề mất đi mà còn giữ nguyên giá trị, vị trí độc tôn trong tim ta.

A.V