Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật
(BNP) – Ngày 29/10, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ 13.
Buổi sáng, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (viết tắt là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật).
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên họp tổ tại Tổ 13 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk).
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Vân tham gia ý kiến tại tổ.
Thảo luận tại tổ 13, đại biểu Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Đầu tư công theo như Tờ trình của Chính phủ. Nội dung dự án Luật đã phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm A, B và C. Tuy nhiên, theo đại biểu cần làm rõ quy định tại khoản 1 về đầu tư chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Khi dự án tách ra thành các dự án thành phần thì khi đưa vào trung hạn để thực hiện có được đưa từng dự án thành phần hay không? Vì khi dự án được tách ra được thực hiện ở 02 kỳ trung hạn nếu đưa cả các dự án thành phần vào thì sẽ bị chênh lệch tổng mức đầu tư dẫn đến vi phạm tổng mức đầu tư được chuyển tiếp sang giai đoạn sau.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật, tại khoản 2, Điều 8 dự thảo luật bỏ quy định chứng từ kế toán phải có: “Tên địa chỉ cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân nhận chứng từ kế toán”, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng như vậy là phù hợp do địa chỉ có thể thay đổi. Tuy nhiên, để tránh tình trạng mua, bán trái phép; sử dụng hóa đơn, chứng từ kế toán không hợp pháp. Nếu quy định này bị bãi bỏ sẽ dẫn đến khó khăn trong việc xác minh đối chiếu của đơn vị kế toán, khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra. Vì vậy, đề nghị xem xét việc thay chỉ tiêu “địa chỉ cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân nhận chứng từ kế toán” bằng một chỉ tiêu khác, như mã định danh cá nhân, số điện thoại hoặc tài khoản mạng xã hội (đối với trường hợp bán hàng qua mạng, hoặc giao dịch điện tử)…
Đại biểu Nguyễn Như So.
Tham gia ý kiến đối với nội dung sửa đổi Luật Chứng khoán, đại biểu Nguyễn Như So, ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đánh giá cao việc dự thảo bổ sung thêm các hành vi bị cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc bổ sung hành vi không công bố thông tin của người nội bộ của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan của các đối tượng này (tại Khoản 45, Điều 1 Dự thảo) là chưa phù hợp. Bởi lẽ, việc công bố thông tin theo luật hiện hành là nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chứng khoán, trường hợp các tổ chức cá nhân này vi phạm thì phải chịu chế tài xử phạt theo quy định tương ứng của pháp luật. Việc tổng kết, nghiên cứu các tình huống thực tế để xây dựng các quy định pháp luật điều chỉnh là cần thiết, nhưng cần xem xét đến tính bao quát, đại diện, tránh điều chỉnh từng hành vi, vụ việc riêng lẻ dẫn đến bỏ sót, bỏ lọt. Chúng ta không thể vì không quản lý được thì cấm, mà nên căn cứ theo mức độ nghiêm trọng của các hành vi để xử lý theo hướng thật nặng đối với các hành vi cố tình vi phạm và xử lý ở mức độ hợp lý đối với các vi phạm do vô ý.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Như So, việc hạn chế các nhà đầu tư cá nhân chỉ được phép mua trái phiếu có tài sản đảm bảo, có bảo lãnh của tổ chức tín dụng có thể gây ra sự can thiệp không cần thiết vào thị trường. Thay vì giới hạn quyền của nhà đầu tư, nên tập trung vào các biện pháp thúc đẩy sự minh bạch thông tin và nâng cao hiểu biết của nhà đầu tư, để họ có thể tự quyết định và tự chịu trách nhiệm đối với các giao dịch của mình. Điều này không chỉ hỗ trợ sự phát triển của thị trường vốn mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Anh Tuấn.
Tham gia ý kiến tại tổ, đại biểu Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho biết, theo Nghị quyết của Quốc hội, tỉnh Bắc Ninh đang thực hiện dự án đầu tư cầu Kênh Vàng nối giữa tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hải Dương. Trước đây đã có chủ trương của Quốc hội, nhưng quy trình thủ tục mất đến gần 3 năm, vì vậy tháng 9 vừa rồi mới khởi công được. Qua đây có thể thấy, đối với những địa phương đã cân đối được ngân sách, điều tiết về Trung ương và có nhu cầu phát triển hạ tầng chiến lược liên vùng để đảm bảo kết nối vùng thì việc cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm chủ trương đầu tư các công trình liên vùng là cần thiết, Ủy ban nhân dân cấp huyện đầu tư các công trình giữa 2,3 huyện cũng là cần thiết.
Đại biểu cũng đồng tình và đề nghị ủng hộ việc quy định hạn mức chuyển tiếp giữa hai kỳ trung hạn tối đa là 50%, bởi vì chúng ta có kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm. Tuy nhiên tiêu chuẩn và tiêu chí để giới hạn nên quy định là những địa phương có cân đối ngân sách về Trung ương và tự chủ được nguồn này.
Về việc quy định chi ngân sách địa phương này hỗ trợ các địa phương khác với mục đích an sinh xã hội theo chủ trương chung của Trung ương và của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hiện nay đang giới hạn là chỉ thiên tai mới được chi ngân sách hỗ trợ. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Anh Tuấn đề nghị cho phép những địa phương tự cân đối được ngân sách và điều tiết về Trung ương thì có thể hỗ trợ các địa phương khác để thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội.