Quyết liệt xử lý điểm “nóng” môi trường Văn Môn
(BNP) - Xã Văn Môn, huyện Yên Phong với khoảng 1.100 hộ làm nghề tái chế nhôm, buôn bán phế liệu, trong đó, tập trung chủ yếu tại thôn Mẫn Xá, hiện đang là điểm “nóng” ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất của tỉnh, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sức khỏe của nhân dân. Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo quyết liệt bằng nhiều giải pháp cụ thể nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn cho môi trường làng nghề nơi đây.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Quang Khải (thứ 3 từ phải sang) kiểm tra tiến độ Dự án đầu tư xây dựng Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn làng nghề Mẫn Xá.
Làng nghề cô đúc nhôm Mẫn Xá là làng nghề truyền thống có từ lâu đời và phát triển rất mạnh khoảng 25 năm gần đây. Hiện nay, làng nghề có 296 cơ sở cô đúc nhôm, trong đó, 291 cơ sở dùng nhiên liệu đốt bằng than, 05 cơ sở dùng nhiên liệu đốt dầu và 100 cơ sở kinh doanh phế liệu. Các cơ sở sản xuất đa số có quy mô nhỏ, nằm xen kẽ trong khu dân cư, công nghệ lạc hậu, trong quá trình sản xuất chất thải phát sinh như bã, xỉ thải, khí thải không qua xử lý thải trực tiếp ra môi trường.
Theo kết quả rà soát từ mạng quan trắc môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, ô nhiễm không khí và môi trường nước đang là vấn đề đáng lo ngại tại làng nghề Mẫn Xá. Các chỉ tiêu phân tích (tiếng ồn, bụi, SO2, NO2) trong không khí đều vượt quy chuẩn cho phép từ 1,2 - 1,8 lần; các chỉ tiêu phân tích hữu cơ và kim loại nặng tại các ao tiếp nhận nước thải cao hơn quy chuẩn cho phép từ 1,5 - 16 lần. Trung bình mỗi ngày, lượng chất thải rắn phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề từ 35 - 40 tấn; hiện đang tồn đọng khoảng 300.000 tấn xỉ nhôm đổ thải bừa bãi xung quanh làng nghề.
Trước thực trạng trên, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo huyện Yên Phong phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp, thường xuyên tiến hành kiểm tra, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại Văn Môn. Từ năm 2019 đến nay, các cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt 45 vụ việc vi phạm với số tiền hơn 2,1 tỷ đồng; UBND tỉnh xử phạt 12 doanh nghiệp, cá nhân với số tiền 2,7 tỷ đồng, đồng thời, đình chỉ hoạt động 09 tháng đối với các cơ sở vi phạm. Đặc biệt, tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ 140 hộ dân, hộ sản xuất lấn chiếm đất nông nghiệp, dựng lều, xưởng sản xuất cô đúc nhôm tạm bợ gây ô nhiễm môi trường.
Gần đây nhất tại buổi làm việc với UBND huyện Yên Phong sau khi kiểm tra thực tiễn tại khu vực làng nghề Mẫn Xá, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Quang Khải tiếp tục khẳng định quan điểm không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường, tỉnh sẽ xử lý quyết liệt tình trạng ô nhiễm môi trường tại xã Văn Môn.
Các lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ các trường hợp vi phạm tại làng nghề Mẫn Xá.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Quang Khải, việc xử lý ô nhiễm môi trường tại xã Văn Môn cần phải có lộ trình phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi. Hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo huyện Yên Phong khẩn trương triển khai Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề xã Văn Môn, giai đoạn 2022 - 2026, mục tiêu đến năm 2026, dừng hoạt động sản xuất đối với các cơ sở sản xuất cô đúc nhôm không di dời vào Cụm công nghiệp làng nghề hoặc không đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí thải. Đồng thời, tiếp tục đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các dự án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tồn đọng; khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải làng nghề Mẫn Xá và Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá, đây được xem là những giải pháp quan trọng trong lộ trình từng bước làm sạch môi trường tại xã Văn Môn.
Về các giải pháp trước mắt, tỉnh đã giao các cơ quan chức năng thành lập Tổ kiểm tra liên ngành lập chốt kiểm tra thường xuyên tất các các phương tiện vận chuyển phế liệu, chất thải ra vào làng nghề, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Phối hợp với Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) tập trung xây dựng định mức, đơn giá để xử lý lượng chất thải rắn tồn đọng tại xã Văn Môn.
Đối với chất thải rắn mới phát sinh, huyện Yên Phong tiến hành thành lập các Tổ tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề, HTX dịch vụ môi trường, có trách nhiệm giám sát, đôn đốc các hộ sản xuất thực hiện việc đổ thải đúng nơi quy định; thu gom, vận chuyển chất thải rắn mới phát sinh và ký hợp đồng với đơn vị có đủ chức năng để xử lý.
Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường tại làng nghề xã Văn Môn, bên cạnh vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp, cần có sự vào cuộc, chung tay của người dân, ý thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất trong việc thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường.