Tầm quan trọng của Cảng biển đối với kinh tế đất nước
Cảng biển có vai trò hết sức quan trọng - động lực phát triển kinh tế biển nói riêng, kinh tế đất nước nói chung. Đây là cửa ngõ giao thương hàng hóa xuất, nhập khẩu, đầu mối chuyển đổi phương thức vận tải đường biển sang vận tải đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet).
Là quốc gia ven biển, nước ta có gần 1/2 số tỉnh, thành phố có biển, với tổng chiều dài bờ biển trên 3.260 km chạy dọc theo chiều dài đất nước; có vùng biển rộng với nhiều bán đảo, vũng, vịnh sâu, kín gió, án ngữ tuyến đường hàng hải quốc tế giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Từ các hải cảng ven biển Việt Nam trên Biển Đông qua eo biển Malacca thông ra Ấn Độ Dương, Trung Đông, châu Âu, châu Phi,… qua eo biển Bashi đi vào Thái Bình Dương đến các cảng của Nhật Bản, Nga, châu Mỹ.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của biển, đảo và phát triển kinh tế biển, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chiến lược quy hoạch, xây dựng, phát triển cảng biển, như: Quyết định số 202/1999/QĐ-TTg, ngày 12/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển cảng biển Việt Nam đến năm 2010, Quyết định số 1037/QĐ-TTg, ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030,… và triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Nhờ đó, hiện nay, hệ thống cảng biển nước ta được quy hoạch, đầu tư phát triển khá toàn diện cả về quy mô, số lượng, chiều dài cầu cảng, công suất, trọng tải và độ hiện đại, đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu, vận tải hàng hóa đường biển cả trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, việc quy hoạch, phát triển, khai thác dịch vụ cảng biển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có; hệ thống cảng biển còn phân tán, manh mún; cơ sở hạ tầng giao thông, các khu công nghiệp phát triển chưa đồng bộ với hệ thống cảng biển; công nghệ, phương tiện, máy móc còn lạc hậu; chất lượng dịch vụ hải quan còn hạn chế, chi phí thông quan cao; đầu tư dàn trải, cơ cấu chưa hợp lý, thừa cảng nhỏ, thiếu cảng lớn, cảng nước sâu; tốc độ hiện đại hóa chậm, chưa đủ điều kiện tiếp nhận tàu trọng tải trung bình và lớn của thế giới, v.v.
Để khắc phục những hạn chế trên, đồng thời tiếp tục nâng cao năng lực toàn diện của hệ thống cảng biển, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đưa ra mục tiêu phát triển kinh tế hàng hải: “Trọng tâm là khai thác các cảng biển và dịch vụ vận tải biển. Quy hoạch, xây dựng, tổ chức khai thác đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng trung chuyển quốc tế, cảng chuyên dùng gắn với các dịch vụ hỗ trợ; xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh phát triển đội tàu vận tải biển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng vận tải, từng bước gia tăng chiếm lĩnh thị phần quốc tế”.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, nhất là lực lượng Hải quan, cấp ủy, chính quyền các địa phương ven biển cụ thể hóa thành nghị quyết, kế hoạch, chương trình, đề án và triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp với đặc điểm, mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế địa phương, nhằm nâng cao năng lực toàn diện hệ thống cảng biển, góp phần phát triển kinh tế biển nói riêng, kinh tế đất nước nói chung, thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia “mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn”.